Thiết bị của nhóm tác giả tại Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao TPHCM giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ uốn ống kim loại.
Hiện nay, trong các ngành công nghiệp đang phát triển mạnh ở nước ta như ô tô, dầu khí, thủy điện, nội thất, xây dựng,…, các chi tiết, thiết bị dạng ống được sử dụng rất nhiều, được uốn theo nhiều kiểu hoa văn đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, các loại ống này chủ yếu là nhập khẩu dưới dạng chi tiết được chế tạo hoàn chỉnh, Việt Nam chỉ tham gia vào quá trình lắp ráp là chính. Một số ít sản phẩm uốn được sản xuất trong nước cũng phần lớn từ các loại máy móc nhập khẩu từ Nhật Bản, Đức, Trung Quốc,…
Nhằm giúp các ngành công nghiệp trong nước chủ động hơn về trang thiết bị, vật tư trong sản xuất, nhóm tác giả Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao TPHCM đã thực hiện đề tài "Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị uốn ống CNC".
Thiết bị uốn ống CNC do nhóm chế tạo gồm các bộ phận chính như cụm đẩy ống, giá đỡ, trục vít me (thiết bị truyền động cơ học tuyến tính), hộp giảm tốc,… và hệ thống, phần mềm điều khiển máy.
Từ phần mềm điều khiển, kỹ thuật viên vận hành có thể tùy chỉnh tốc độ đẩy ống, uốn ống (3 trục) cũng như một số thống số khác có liên quan. Máy có thể uốn ống vật liệu inox công nghiệp 304, đường kính 10mm(Φ10), dày 0,8mm, tốc độ trung bình máy đạt mức 800mm/phút, bán kính cong nhỏ nhất mà máy có thể uốn đạt là 100mm. Máy có thể uốn ống dài tối đa 3.000mm, sản phẩm uốn không bị móp méo, ít bị trầy xước bề mặt.
Theo ThS Bùi Quang Vinh, Chủ nhiệm đề tài, để chế tạo một thiết bị uốn ống có khả năng hoạt động ổn định, dễ vận hành, sản phẩm đạt chất lượng, nhóm đã tính toán, lựa chọn những linh kiện sẵn có trên thị trường, đảm bảo việc bảo trì, bảo dưỡng, thay thế phụ tùng về sau cũng như cải tiến những linh kiện cho phù hợp, chính xác hơn theo yêu cầu thực tế của máy.
Việc chế tạo thành công thiết bị uốn ống CNC, là cơ sở để sản xuất các loại thiết bị uốn ống trong nước, góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa các chi tiết lắp ráp trên sản phẩm hoàn chỉnh.
Đề tài của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu và có thể chuyển giao cho các công ty chế tạo và lắp ráp trong các ngành công nghiệp.