Cái quyết liệt ấy được chị giải thích rằng, “bởi đã đi qua ba năm, đổ rất nhiều mồ hôi, nước mắt nên luôn sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ “đứa con của mình” trong một chiến lược gọi vốn dài hạn thời gian tới.
“Tôi đã từng khởi nghiệp lần đầu năm 27 tuổi nhưng thất bại. Sau một năm xây dựng trung tâm tư vấn du học thì tôi kiệt sức, thấy mình không muốn làm nữa, cũng không nghĩ ra ý tưởng. Vậy là bỏ cuộc. Nhưng với 365 Begin mọi thứ hoàn toàn khác. Ba năm qua chưa khi nào tôi nghĩ đến chuyện bỏ cuộc dù có nhiều khó khăn” – chị Nguyễn Thị Hiền đã bắt đầu câu chuyện như thế về hành trình khởi nghiệp của mình.
Có lẽ những tâm sự đó là lời giải thích hợp lý nhất cho việc vì sao chị kiên quyết từ chối deal của Shark Nguyễn Xuân Phú, 3 tỷ đổi lấy 30% cổ phần và quan trọng hơn là việc có thể dựa vào hệ sinh thái lớn mà cá mập đầu tư này đang sở hữu từ dây chuyền sản xuất cho đến hệ thống nhân viên sale, marketing và cả những kinh nghiệm dạn dày trong ngành sản xuất thực phẩm. Tất nhiên deal này hấp dẫn nhưng nó không phù hợp với mục tiêu mà đội ngũ 365 Begin đang hướng tới, nghĩa là sẽ gọi vốn thêm 6-7 lần nữa để có đủ tiềm lực xuất khẩu. Vì thế ở giai đoạn đầu họ không thể để mất quá 15% cổ phần. Một chiến lược nhất quán được những người sáng lập vạch rõ từ đầu và không gì có thể khiến họ thay đổi điều đó.
Cân bằng khẩu vị của người Việt
365 Begin được gây dựng bắt đầu từ ước mơ giản dị của chị Nguyễn Thị Hiền rằng mọi người sẽ cải thiện được sức khỏe và tinh thần nhờ việc sử dụng dinh dưỡng đủ, đúng và tốt. Nhưng làm sao để hiện thực hóa điều đó thì không phải ai cũng làm được? Không phải ai cũng tới tám năm đọc và nghiên cứu về dinh dưỡng hay mười bốn năm làm việc trong lĩnh vực chế biến thức phẩm như chị.
Thực tế xuất phát từ việc chị Hiền bị bệnh hen suyễn, tim và dị ứng từ nhỏ. Đến năm 28 tuổi, sau 10 năm học tập và làm việc tại Singapore cùng trải nghiệm cận kề cái chết khiến chị quyết tâm phải tìm ra giải pháp để cải thiện sức khỏe bản thân, để sống một cuộc đời đáng sống hơn, ý nghĩa hơn. Từ nhỏ đã gắn liền với thuốc men, bệnh viện và chưa bao giờ khoẻ mạnh, chị quyết định tìm hiểu, nghiên cứu và thử nghiệm dinh dưỡng cho chính mình với mong muốn cải thiện sức khỏe. Câu nói đeo đuổi chị là “You are what you eat - Bạn chính là những gì bạn ăn”.
“Một chế độ ăn uống nhiều rau củ, trái cây, các loại hạt, đậu, ngũ cốc, thảo dược, dầu, cá kết hợp với luyện tập thể thao theo tỷ lệ 80-20. Sau ba năm thử nghiệm, tôi khỏe mạnh hơn trước, cân nặng giảm 60kg giảm xuống 45kg. Tôi trở nên khỏe mạnh, nhiều năng lượng thay đổi hoàn toàn chất lượng và giá trị cuộc sống” – chị Hiền nói.
Những trải nghiệm ấy khiến chị Hiền quyết định khởi nghiệp bắt đầu bằng các sản phẩm đồ uống từ rau củ, trái cây kết hợp với hạt và ngũ cốc để lan tỏa những điều tốt đẹp đến với mọi người. Sản phẩm chị lựa chọn tạo ra là những thanh ngũ cốc được tạo nên từ các loại hạt ngũ cốc nguyên cám, trái cây khô, không sử dụng đường tinh luyện và chất bảo quản. Nếu như ở nước ngoài, đây là sản phẩm phổ biến được sử dụng hằng ngày thì ở Việt Nam vẫn còn mới mẻ. Tuy nhiên những thanh dinh dưỡng này thường có vị nhạt, không phù hợp với khẩu vị dùng nhiều gia vị nhưng đầy tinh tế của người châu Á nói chung và người Việt nói riêng.
Chị Hiền bày tỏ: “ Tôi muốn tạo ra những thanh dinh dưỡng từ nông sản Việt, cân bằng được khẩu vị của người châu Á và châu Âu, để khi ăn họ phải thốt lên ‘Wow’ hay “Amazing” (Tuyệt vời quá) vì vị ngon của nó”.
Ở vị trí của người làm chiến lược sản phẩm (product vision), chị Nguyễn Thị Hiền xây dựng những dòng sản phẩm mà 365 Begin cần có với tính cách, hình hài cụ thể và nhóm đối tượng hướng đến. Đề bài được chị đặt ra cho nhóm R&D với người phụ trách là một chuyên gia về công nghệ thực phẩm với 15 năm kinh nghiệm làm việc trong các hãng thực phẩm lớn tại Mỹ. “Tôi muốn những thanh dinh dưỡng phù hợp với khẩu vị người Việt, không dùng đường tinh luyện và chất bảo quản. Anh ấy có nhiệm vụ hiện thực hóa nó. Cuối cùng, chúng tôi cùng nhau thử sản phẩm để đánh giá từ hương vị đến cấu trúc, những chỗ ổn và không ổn để bộ phận R&D tiếp tục chỉnh sửa”.
Nếu như các thanh dinh dưỡng ở nước ngoài đều được làm từ yến mạch thì 365 Begin thay đổi thành phần chủ yếu bằng gạo lứt. Tất cả được nghiên cứu và sản xuất tối giản về mặt công thức nhằm giữ nguyên giá trị trong thành phần sản phẩm, điều mà chị gọi là thế hệ thực phẩm 2.0 – đơn giản hóa việc chế biến để giữ lại những thành phần dinh dưỡng tự nhiên nhất.
Sự đón nhận của khách hàng ở thời điểm đó cho chị niềm tin rằng: “Nếu hiểu được những tác động không tốt của những thói quen ăn uống không lành mạnh, và nếu có một sản phẩm phù hợp với hương vị Việt Nam, người Việt sẽ sẵn sàng thay đổi, sử dụng các sản phẩm lành mạnh để có một cơ thể khoẻ mạnh hơn”.
Vượt qua áp lực Covid-19
365 Begin ra đời vào năm 2019 và năm 2020 ra sản phẩm thử nghiệm phục vụ vận động viên tham gia giải chạy, người leo núi, người tập thể dục…. thì Covid-19 ập tới. Việc những hoạt động tụ tập đông người không được tổ chức khiến 365 Begin rơi vào thế khó. Chị Nguyễn Thị Hiền cười vui vẻ: “Có lẽ là startup nên thấy may mắn”. Cái may mắn ấy ở chỗ, khoảng thời gian này vừa hay trùng khớp với giai đoạn 365 Begin cần để đánh giá sản phẩm sau một thời gian sản xuất do không sử dụng đường và chất bảo quản. Do vậy, họ không quá áp lực với việc cần phải bung sản phẩm để tăng trưởng nhanh chóng.
“Chúng tôi cần thời gian để đánh giá chất lượng xem có thay đổi nào đáng kể không để điều chỉnh và hoàn thiện” – chị Hiền nói. Thêm vào đó, những kinh nghiệm thất bại ở lần khởi nghiệp đầu tiên đã cho chị nhiều bài học quý giá. Đơn cử như việc tối ưu chi phí, vận hành thông minh để có tiết kiệm tối đa nguồn tiền. Bởi vậy, 365 Begin dù ở giai đoạn đầu vận hành vẫn vượt qua những cuộc khủng hoảng mà Covid-19 mang lại, nhất là trong bối cảnh họ chưa từng gọi vốn.
Cũng nhờ có Covid-19, 365 Begin nhận ra lợi thế của của công ty về thực phẩm dinh dưỡng. Rõ ràng, đối tượng khách hàng của họ có thể mở rộng hơn nhiều. Các thanh dinh dưỡng có thể trở thành bữa sáng, bữa xế của nhiều gia đình khi hàng quán không mở cửa hay trở thành bữa ăn dinh dưỡng cho các bác sỹ, nhân viên y tế trong bệnh viện khi họ không có đủ thời gian ăn cơm. Thậm chí, họ cũng nhận được nhiều đơn hàng từ tổ chức thiện nguyện, doanh nghiệp đặt mua gửi tới bà con miền Trung đợt lũ lụt khi người dân không có điện nước để nấu mì tôm… “Trong tình huống thực tế, những sản phẩm này đã phát huy tối đa lợi ích. Dinh dưỡng vừa đủ cho một bữa ăn và tiện lợi khi chỉ cần xé bao bì là có thể dùng ngay” – chị Hiền nói với giọng đầy hào hứng khi sản phẩm có thể mang lại những điều ý nghĩa như thế.
Hiện startup này đang sở hữu nhà máy có năng lực sản xuất khoảng 20.000 thanh mỗi ngày, theo quy trình kiểm soát chất lượng tiêu chuẩn HACCP để có thể xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Tham vọng của chị Hiền là có thể xây dựng thói quen sử dụng những thanh dinh dưỡng này cho người dùng Việt, trong bối cảnh các bệnh lý do ăn uống không lành mạnh gây nên. Bên cạnh đó là việc có thể đưa các sản phẩm dinh dưỡng Việt vượt ra khỏi biên giới Việt Nam. Bởi vậy ba năm qua, họ đã dành không ít chi phí cho việc chứng nhận sản phẩm kiểm định với khoảng 20 SKU (Đơn vị lưu kho - yếu tố quan trọng trong quy trình quản lý hàng hóa và quản lý tồn kho).
“Đây là bằng chứng cho thấy chúng tôi muốn đi theo con đường dài hạn và hướng ra xuất khẩu. Cần phải chuẩn bị sớm những yếu tố nền tảng” – chị Hiền nói. Xác định thị trường ngách ban đầu để xâm nhập là nhóm những người chơi thể thao, founder của starup này tin rằng chị đang đi đúng hướng trước khi hướng tới các đối tượng khách hàng rộng lớn hơn. Trong một tương lai mà bệnh do lối sống sẽ tiếp tục hoành hành, chị Hiền tin rằng, những sản phẩm của 365 Begin có thể góp phần cải thiện điều đó. Chị kiên định nói: “Nhóm người tập thể thao chỉ chiếm 10% trong nhóm khách hàng của 365 Begin. Chúng tôi sẽ còn hướng đến phục vụ những người ăn kiêng, ăn chay muốn duy trì sức khỏe, nhóm người béo phí, tiểu đường… hay người lớn tuổi…”.
Khát vọng tạo ra những sản phẩm có lợi cho sức khỏe trở thành động lực cho chị Hiền và các cộng sự của mình ở startup, để có thể khẳng định “kể cả khi thất bại, vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi giấc mơ này, startup này thất bại thì lập cái khác chỉ cần có thể mang lại giá trị tốt nhất cho cộng đồng”.