Chương trình diễn tập ASEAN – Nhật Bản năm 2021 tập trung vào tình huống phối hợp ứng cứu tấn công mạng vào cơ quan nhà nước qua khai thác lỗ hổng VPN và phòng chống tấn công mã độc tống tiền (ransomware) vào tổ chức y tế.
Lần thứ 9 các nước ASEAN và Nhật Bản tập dượt phối hợp ứng cứu sự cố
Ngày 24/6, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đã chủ trì tổ chức cho các thành viên Mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia, các đơn vị CNTT của các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc tham gia diễn tập quốc tế ASEAN - Nhật Bản năm 2021.
Đây là năm thứ 9 liên tục các quốc gia ASEAN và Nhật Bản tổ chức diễn tập không gian mạng từ xa để tăng cường chia sẻ thông tin, ứng phó với các cuộc tấn công, vấn đề mất an toàn thông tin chung trong khu vực; đồng thời gia tăng hợp tác trên không gian mạng giữa các quốc gia thành viên ASEAN và Nhật Bản.
Các thông tin trao đổi với các quốc gia khác và giữa các điểm sẽ được truyền trực tiếp từ Hà Nội tới 219 điểm cầu trên cả nước qua các kênh liên lạc sử dụng trong quá trình diễn tập và nền tảng họp trực tuyến “Make in Vietnam” eMeeting do AIC và BKAV phát triển.Trong bối cảnh bệnh dịch Covid-19, diễn tập ASEAN - Nhật Bản năm 2021 được tổ chức theo hình thức trực tuyến, trong đó có 1 điểm trực tiếp tại Hà Nội sẽ là đầu mối giao tiếp với quốc tế và điều phối chương trình diễn tập.
Có chủ đề “Phối hợp ứng cứu sự cố tấn công mạng vào cơ quan nhà nước qua lỗ hổng VPN và phòng chống tấn công mã độc tống tiền vào tổ chức y tế”, ưu tiên chính của diễn tập tại Việt Nam là nhằm nâng cao năng lực phối hợp và ứng phó sự cố của các đơn vị.
Diễn tập tạo điều kiện để cán bộ kỹ thuật của các đơn vị nắm rõ quy trình xử lý, cách thức liên lạc, phối hợp chia sẻ thông tin với mạng lưới ứng cứu sự cố quốc gia khi có các tình huống tương tự xảy ra trên thực tế.
Các đơn vị tham gia diễn tập quốc tế lần này còn cùng nhau thảo luận, chia sẻ về các phương án ứng cứu, xử lý sự cố nhằm tăng cường khả năng ứng phó sự cố quốc gia.
Thúc đẩy chia sẻ thông tin về nguy cơ, sự cố giữa các quốc gia, đơn vị
Phát biểu khai mạc diễn tập, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin Hoàng Minh Tiến cho biết, 2 năm qua, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các cuộc tấn công mạng của các tổ chức, cá nhân ngày một nhiều với mức độ tinh vi hơn.
Cụ thể, tấn công lợi dụng các lỗ hổng điểm yếu có mức độ nghiêm trọng cao và các hệ thống thông tin sử dụng mã độc tống tiền nhắm vào mọi tổ chức cá nhân, kể cả các hệ thống y tế đang gồng mình chống dịch và cứu chữa bệnh cho đại dịch. Tấn công lừa đảo mạo danh, nói xấu, xuyên tạc cũng đã được tin tặc sử dụng các nền tảng mạng xã hội, những công cụ tấn công mà trong đó áp dụng những công nghệ mới như Big Data, AI hay IoT.
Diễn tập ASEAN - Nhật Bản 2021 đưa ra các tình huống thực đã và đang xảy ra hiện nay, đó là tin tặc khai thác lỗ hổng trên thiết bị VPN để xâm nhập bất hợp pháp vào mạng của các cơ quan chính phủ và đánh cắp thông tin dữ liệu; tin tặc dùng mã độc tống tiền, mã hóa dữ liệu, đòi tiền chuộc của các cơ sở y tế ngay trong đại dịch.
“Tình huống diễn tập là minh chứng cho việc tấn công mạng liên tục xảy ra và không loại trừ bất kỳ ai. Các quốc gia, tổ chức cần tăng cường các biện pháp bảo vệ, phối hợp khắc phục, ứng phó khi sự cố xảy ra, nhất là hỗ trợ và bảo vệ cho hệ thống y tế tập trung cho việc chống dịch và cứu chữa bệnh”, ông Hoàng Minh Tiến nhận định.
Nhấn mạnh tấn công mạng diễn ra mọi lúc, mọi nơi và không chừa ai, kể cả các tổ chức y tế đang gồng mình cứu chữa bệnh và chống dịch, đại diện VNCERT/CC cũng đề nghị các đơn vị đặc biệt chú trọng việc chia sẻ thông tin và phối hợp với nhau khi xảy ra sự cố.Đại diện Cục An toàn thông tin cũng lưu ý các đơn vị tăng cường và cập nhật các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin, liên tục theo dõi giám sát phát hiện sớm các nguy cơ, phối hợp chặt chẽ với các nguồn lực trong nước để ứng cứu, khắc phục khi xảy ra sự cố. Đặc biệt là cần nhanh chóng cập nhập thông tin các đầu mối phối hợp của các quốc gia, đơn vị.
“Chia sẻ thông tin về sự cố, về nguy cơ chính là giúp cho nhiều cơ quan, tổ chức khác phòng ngừa, được an toàn hơn. Mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia được thành lập cũng nhằm mục đích thúc đẩy việc chia sẻ thông tin và hỗ trợ cho các đơn vị ứng phó khi xảy ra sự cố”, đại diện VNCERT/CC cho hay.
Bên cạnh các chương trình diễn tập, Mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia còn có kế hoạch tổ chức các hoạt động đào tạo, chia sẻ thông tin, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế... và đặc biệt là tăng cường hỗ trợ lẫn nhau theo các Cụm mạng lưới trong các hoạt động phòng, chống các tấn công mạng, phản ứng nhanh và ứng cứu sự cố trên không gian mạng trong thời kỳ đại dịch chung.
Là hoạt động được tổ chức thường niên từ năm 2013 giữa các nước thành viên ASEAN và Nhật Bản, diễn tập quốc tế ASEAN – Nhật Bản với mục đích phát triển cùng một khuôn khổ chia sẻ thông tin, tăng cường hợp tác không gian mạng giữa các quốc gia thành viên ASEAN và Nhật Bản. Kịch bản diễn tập được xây dựng trên cơ sở các tấn công mạng thực tế đã xảy ra và dựa trên các xu hướng mới nhất về công nghệ và các mối đe dọa tiềm ẩn nên diễn tập còn tạo điều kiện cọ sát và nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực cho những người tham gia. |