Nhiều giám đốc doanh nghiệp ở độ tuổi 49-53 (tuổi hạn) thường không đưa ra các quyết định đầu tư vì cho rằng giai đoạn này có thể gặp nhiều điều không may mắn.
Tbao đời nay những quan niệm mê tín vẫn chi phối nhiều lựa chọn trong cuộc sống ở nhiều quốc gia châu Á, từ những việc nhỏ nhặt vô hại như chọn “giờ đẹp” để khởi hành một chuyến đi, để tổ chức sự kiện cho đến những quyết định kinh tế và tài chính quan trọng. Chẳng hạn như, một nghiên cứu của Đại học Columbia năm 2014 cho thấy rằng thị trường bất động sản của Trung Quốc “ưu ái” cho những số nhà kết thúc bằng số 8 – phát âm gần với từ “phát”, ngầm ý sẽ đem lại may mắn, tài lộc trong khi phải bán rẻ những số nhà kết thúc bằng số 4 – phát âm gần với từ “tử”- nghĩa là chết. Một nghiên cứu khác về thị trường bất động sản Singapore cũng có kết quả tương tự. Một nghiên cứu từ Đại học California năm 2018 còn cho thấy nhiều người mua cổ phiếu vì mã chứng khoán của nó chứa những con số may mắn gắn với “thọ”, “thịnh vượng” như 6, 8, 9 chứ không phải hiệu quả kinh doanh của công ty.
Việt Nam được cho là một quốc gia phi tôn giáo - một trường hợp hiếm hoi trong những nước cùng trình độ phát triển. Việt Nam cũng không thể hiện mối liên hệ nào giữa tôn giáo và phát triển kinh tế. Những “khoảng trống” tôn giáo này lại là cơ hội để các tín ngưỡng dân gian lấp đầy, theo một nghiên cứu của hai nhà kinh tế học người Mỹ McCleary và Barro đến từ Đại học Harvard (Mỹ). Một nghiên cứu gần đây của TS. Phạm Văn Đại, Đại học Fulbright (TPHCM) trên tạp chí Journal of Comparative Economics đã cho biết, thường lãnh đạo doanh nghiệp trong độ tuổi từ năm 49-53 (theo tuổi âm lịch) “có xu hướng không đưa ra các quyết định đầu tư lớn, mang tính mạo hiểm cao. Việc giảm đầu tư này không xuất phát từ nguyên nhân thị trường mà do yếu tố tâm lý và niềm tin của lãnh đạo doanh nghiệp về giai đoạn này có thể gặp nhiều điều không may mắn.” – anh Phạm Văn Đại chia sẻ với phóng viên KH&PT.
Có một nỗi mơ hồ, không có cơ sở khoa học nào cho rằng lứa tuổi 49-53 được cho là “tuổi hạn”. Dân gian thường truyền miệng “bốn chín chưa qua, năm ba đã tới”, ý muốn nói đó là thời kì mà con người gặp nhiều vận hạn xui xẻo, dễ ốm đau, bệnh tật, mất mát tài sản…Nghiên cứu của TS. Phạm Văn Đại dựa trên việc phân tích dữ liệu Điều tra doanh nghiệp của Tổng Cục thống kê từ năm 2016 – 2020. Anh nhận thấy, tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện các khoản đầu tư tài sản cố định lớn ở độ tuổi 54-55 cao hơn khoảng 3% so với doanh nghiệp có giám đốc ở độ tuổi 49-53. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng đầu tư của doanh nghiệp có giám đốc ở độ tuổi 54-55 cao hơn so với 49-53 khoảng 0,4%.Nói cách khác, khi người ra quyết định đang trong thời kì “tuổi hạn”, họ sẽ không hoặc ít đầu tư vào các tài sản cố định như máy móc, nhà xưởng…và khi giám đốc hết kiêng tuổi hạn thì mới “đầu tư bù”. Lý giải điều này, tác giả cho biết, bởi những tài sản cố định thường có giá trị lớn và một khi đầu tư sai sẽ khó hoặc không thu hồi được nên vốn sẵn nỗi sợ về “tuổi hạn”, họ càng lo sẽ thua lỗ.
Nghiên cứu cũng cho thấy sự kìm nén đầu tư trong giai đoạn tuổi hạn chủ yếu chỉ xảy ra với doanh nghiệp có người đứng đầu là nam. Quan điểm này hầu như không ảnh hưởng tới các nữ giám đốc mặc dù những vận hạn “năm tuổi” này, theo dân gian, hướng tới cả hai giới.Ngoài ra, doanh nghiệp quy mô càng nhỏ (dưới 10 người) thì càng bộc lộ sự kìm nén đầu tư này do người đứng đầu có quyền lực và cổ phần lớn nhất công ty, ít có tiếng nói nào đủ mạnh để có thể phản biện lại. Trong khi quyền ra quyết định của các doanh nghiệp lớn được phân bổ cho nhiều thành viên hội đồng quản trị thay vì chỉ tập trung vào một người.
Một điều thú vị là, theo kết quả từ nghiên cứu, nhữnggiám đốc có trình độ đại học hoặc sau đại học, lại càng bị mê tín bởi quan điểm “tuổi hạn” so với những giám đốc có trình độ học vấn thấp hơn, trái ngược với một số nghiên cứu trước đó cho rằng học vấn làm giảm niềm tin tôn giáo và khiến người ta tư duy logic hơn. Một lời giải thích hiếm hoi có thể được tìm thấy trong nghiên cứu của hai nhà kinh tế học Gabriel và Maria Ruiu từ Đại học Sassari (Italia) năm 2018. Nghiên cứu này cho biết những người có học vấn cao hơn thường có thu nhập cao hơn và có xu hướng muốn kiểm soát hơn với những “yếu tố gây nhiễu” với kế hoạch cuộc sống của họ. Nếu “tuổi hạn” có thể xem như “một yếu tố gây nhiễu”, các giám đốc sẽ muốn kìm hãm đầu tư, như một cách để điều khiển “vận hạn” của mình. Bên cạnh đó, cũng theo nghiên cứu này, những người có học vấn cao hơn đối mặt với áp lực về thành công và thu nhập lớn hơn. Vì vậy, nếu hình dung theo cách này, những giám đốc có bằng đại học hoặc sau đại học có thể càng sợ rủi ro, càng có tâm lý né tránh “năm hạn” để bảo vệ tài sản của mình.
Trong nghiên cứu của mình, TS. Phạm Văn Đại cũng cho rằng anh chưa tính đến trường hợp người thân của những người điều hành công ty đang ở “tuổi hạn” cũng có thể ảnh hưởng đến quyết định kinh doanh của họ. Bởi vậy, không ngoại trừ trường hợp kết quả của anh có thể “hạ thấp” hoặc “nói quá” sự mê tín trong điều hành doanh nghiệp.
Sự mê tín trong quyết định kinh doanh này, không chỉ là “chuyện vui” để kể lúc trà dư tửu hậu. TS. Đại cho rằng, việc người đứng đầu công ty quá tin vào những quan niệm dân gian sẽ “ra những quyết định không đúng, ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Chẳng hạn khi thị trường thuận lợi, nhưng giám đốc doanh nghiệp ở tuổi hạn 49-53 không dám đầu tư, sẽ làm lỡ mất cơ hội phát triển của doanh nghiệp.” Mặc dù nghiên cứu không đề cập, nhưng anh cho rằng, mê tín còn có thể ảnh hưởng tiêu cực tới những hoạt động quan trọng khác của doanh nghiệp như mua bán, sáp nhập, đầu tư mở rộng thị trường mới, đầu tư dòng sản phẩm mới có tính đột phá cao…
Để hạn chế điều này, TS. Phạm Văn Đại cho rằng các doanh nghiệp cần thực hiện cơ chế quản trị khoa học để giảm bớt rủi ro, phụ thuộc vào các quyết định mang tính cá nhân của một lãnh đạo. Cụ thể hơn là thúc đẩy sự đa dạng về chuyên môn, góc nhìn, lí lịch trong đội ngũ điều hành để đối trọng với những thiên kiến và điểm mù mà một cá nhân dẫn dễ rơi vào.
Bài đăng KH&PT số 1319 (số 47/2024)