Nhiều công ty đang phát triển những phương thức khéo léo để giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế các nguồn tài nguyên
Nền kinh tế tuần hoàn (Circular Economy) - mô hình kinh tế chú trọng việc sản xuất, quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải - không phải là một cụm từ thời thượng. Với dân số toàn cầu đạt gần 9 tỷ vào năm 2030, con người đang sử dụng tài nguyên vượt mức cung của Trái đất, do đó tương lai chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào việc tái sử dụng bền vững. May thay, đổi mới sáng tạo là nguồn tài nguyên không bao giờ cạn. Nhiều công ty đang phát triển những phương thức khéo léo để giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và Diễn đàn các nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu phối hợp với tập đoàn tư vấn Accenture Strategy đã thành lập giải thưởng The Circulars nhằm ghi nhận những công ty đó.
Winnow
Chúng ta đã quen với đồng hồ thông minh đo điện và nước. Giờ đây, công ty khởi nghiệp Winnow của Anh đã phát triển một loại đồng hồ thông minh mới đo lượng thực phẩm bị vứt đi trong các bếp ăn công nghiệp và tìm cách cắt giảm chúng. Ở các bếp ăn, có tới 1/5 lượng thực phẩm mua về thường bị lãng phí. Winnow đã quản lý và cắt giảm được 50% lượng lãng phí trên hàng trăm bếp ăn ở 40 quốc gia, tiết kiệm cho khách hàng hơn 25 triệu đô la mỗi năm. Điều này tương đương với việc ngăn một suất ăn bị lãng phí sau mỗi 7 giây.
DyeCoo
Ngành dệt may sử dụng một lượng lớn nước, hóa chất, đồng thời tạo ra lượng chất thải độc hại khổng lồ cho môi trường và con người. Đây là vấn đề chính ở các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Việt Nam và Thái Lan. Công ty DyeCoo của Hà Lan đã phát triển một quy trình nhuộm vải hoàn toàn không sử dụng nước, hóa chất nào khác ngoài thuốc nhuộm và CO2. Carbon Dioxit ở trạng thái siêu tới hạn (áp suất cao, tồn tại giữa dạng khí và lỏng) dùng để hòa tan thuốc nhuộm và khiến màu hấp thụ vào vải tới 98%. Sau đó CO2 được bay hơn, tái chế và tái sử dụng. Do vải nhuộm không cần làm khô nên quy trình giảm một nửa thời gian, sử dụng ít năng lượng hơn và thậm chí ít chi phí hơn. DyeCoo đang hợp tác với một số thương hiệu lớn như Nike và IKEA.
Close the Loop
Công ty của Úc này đã dành hơn một thập kỷ để tái chế hộp mực máy in cũ và nhựa mềm; đổi mới gần đây nhất là sử dụng vật liệu nhựa cũ để làm đường. Sản phẩm nhựa trộn nhựa đường và thủy tinh tái chế tạo ra bề mặt có chất lượng cao và bền lâu hơn 65% so với nhựa đường truyền thống. Mỗi km mặt đường chứa lượng vật liệu hỗn hợp tương đương 530.000 túi nhựa, 168.000 chai thủy tinh và chất thải bỏ từ hơn 12.500 hộp mực máy in cũ. Thay vì kết thúc ở bãi rác, chất thải được trao sự sống mới để đưa chúng ta đến những nơi chân trời mới.
Enerkem
Dùng rác để chạy ô tô nghe như phim khoa học viễn tưởng Trở về tương lai, nhưng đó là việc công ty Enerkem của Canada đang làm. Công ty sử dụng công nghệ chiết xuất carbon từ các loại rác không thể tái chế, sau đó mất 5 phút để biến carbon thành một loại khí có thể sản xuất ra nhiên liệu sinh học như methanol và ethanol hoặc tạo thành các loại hóa chất khác thường dùng trong sản phẩm hàng ngày. Thành phố Edmonton, nơi công ty tọa lạc, hiện đang áp dụng công nghệ để tái sử dụng 90% lượng chất thải và giảm hơn 100.000 tấn rác thải ra bãi mỗi năm.
Schneider Electric
Schneider Electric là một tập đoàn có 142.000 nhân viên tại hơn 100 quốc gia, với trụ sở tại Pháp, chuyên về quản lý năng lượng và tự động hóa. Công ty sử dụng các vật liệu có thể tái chế trong các sản phẩm của mình; kéo dài tuổi thọ của sản phẩm bằng cách cho thuê và trả tiền mỗi lần sử dụng; đồng thời có kế hoạch thu mua lại sản phẩm sau khi dùng vào chuỗi cung ứng của mình. Các hoạt động kinh tế tuần hoàn hiện chiến 12% doanh thu và dự kiến tiết kiệm 100.000 tấn tài nguyên trong giai đoạn 2018-2020.
Cambrian Innovation
Công nghệ EcoVolt của công ty Mỹ Cambrian Innovation không chỉ xử lý nước thải ô nhiễm từ các hoạt động công nghiệp thành nước sạch mà còn tạo ra khí sinh học (như Metan) để sản xuất năng lượng sạch. Công ty hiện có 9 nhà máy tại Mỹ, và đã xử lý khoảng 300 triệu lít nước thải.
Lehigh Technologies
Công ty của Mỹ này biến lốp xe cũ và các chất thải cao su thành bột cao su vi hạt (MRP), có nhiều ứng dụng từ làm lốp xe cho đến sản xuất đồ plastic, nhựa đường, vật liệu xây dựng. Bột MRP giúp giảm chi phí tới 50% so với sản xuất cao su thông thường, mỗi pound (~0.453kg) bột giúp tiết kiệm 10kWh năng lượng và giảm 40% lượng khí thải CO2. Hiện có 500 triệu lốp xe được sản xuất từ vật liệu của công ty này.
HYLA Mobile
Điện thoại thông minh và máy tính bảng đã thay đổi cách nhiều người sống và làm việc, nhưng việc chạy theo công nghệ mới cũng tạo ra hàng núi thiết bị bị loại bỏ. Công ty HYLA Mobile (Mỹ) hợp tác với nhiều nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ hàng đầu thế giới để chuyển đổi mục đích hoặc tái sử dụng những thiết bị và linh kiện đó. Ước tính sơ bộ có hơn 50 triệu thiết bị đã được công ty tái sử dụng, tạo ra 4 tỷ đô la cho chủ sở hữu và ngăn 6.500 tấn chất thải điện tử tập kết tại bãi rác.
TriCiclos
TriCiclos thành lập ở Chile năm 2009 với mục đích hướng tới một thế giới không chất thải. Kể từ đó, tổ chức này đã xây dựng và vận hành mạng lưới các trạm tái chế lớn nhất ở Nam Mỹ. Nỗ lực của công ty nhằm thay đổi văn hóa nhận thức theo hướng sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm hơn, cũng như tạo ra các tác động xã hội. Hơn 33.000 tấn vật liệu dùng để tái chế đã được chuyển hướng khỏi bãi rác, giảm thiểu hơn 140.000 tấn khí thải carbon cho môi trường.
Miniwiz
Arthur Huang, nhà sáng lập người Đài Loan của Miniwiz cho rằng không có thứ gì gọi là rác cả. Anh là một người truyền bá tư tưởng tái chế nâng cấp (upcycling) biến vật liệu cũ thành sản phẩm mới. Mặc dù đây không phải là ý tưởng mới mẻ nhưng Huang đã đưa các nguyên tắc này lên tầm cao. Các nhà khoa học và kỹ sư trong Phòng thí nghiệm Miniwiz Trash Lab phát minh hơn 1.000 loại vật liệu và ứng dụng bền vững mới. Máy Trashpresso của công ty là một thiết bị tái chế nâng cấp di động, có thể biến 50kg chai nhựa trong 1 giờ thành các vật liệu xây dựng giá rẻ mà không sử dụng nước và chỉ chạy bằng năng lượng mặt trời.