Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tạo ra một sự dịch chuyển lao động, trong đó nhân lực của các công ty công nghệ đòi hỏi trình độ và kỹ năng ngày càng cao.
Cuộc CMCN lần thứ 4 hứa hẹn một viễn cảnh xáo trộn lớn về nhân lực – một số công việc sẽ mất đi trong khi một số công việc mới sẽ được tạo ra, nhưng sự đòi hỏi trong mỗi công việc đều tăng lên. Tổng việc làm tại Việt Nam theo ước tính đến năm 2030 trong báo cáo “Tác động của CMCN 4.0 đến Việt Nam” của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tăng thêm 1.3 – 3.1 triệu tùy kịch bản, do mở rộng quy mô các ngành đã có và hình thành các ngành mới liên quan đến công nghệ 4.0.
“Tôi nghĩ chúng ta không phải quá bi quan”, Ông Toshio Iwamoto - Chủ tịch, Giám đốc điều hành tập đoàn NTT Data, chuyên về công nghệ thông tin, chia sẻ trong buổi trao đổi kinh nghiệm với CIEM cuối tháng 2/2019 về bài học của Nhật Bản, “CMCN sẽ tạo ra những ngành nghề mới để hấp thụ lao động”.
Vậy Việt Nam đang và sẽ có những ngành nào mới? Có thể kể đến một số ngành nghề đã xuất hiện như phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Internet kết nối vạn vật (IoT), thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), Blockchain, công nghệ tài chính (Fintech), thương mại điện tử, nông nghiệp thông minh, kinh tế chia sẻ, năng lượng tái tạo/công nghệ sạch, vật liệu mới, sản xuất tiên tiến, in 3D, …
Việc phát triển những ngành nghề mới của Việt Nam được đánh giá là khá tiềm năng. Theo anh Hoàng Mạnh Hà, giám đốc công nghệ công ty 1PAY, chuyên cung cấp nền tảng thanh toán điện tử của Việt Nam chia sẻ tại “Hội thảo Fintech – Khởi nghiệp đột phá” ở Hà Nội ngày 2/3 thì trong những năm gần đây, Việt Nam tiếp cận những xu hướng công nghệ mới của thế giới khá nhanh, hầu như các công ty công nghệ lớn nhỏ trong nước đều có ý thức đầu tư vào những lĩnh vực nổi bật. Theo ước tính, toàn bộ hệ thống cung cấp nhân lực về CNTT trên cả nước mới chỉ đáp ứng hơn một nửa nhu cầu 400,000 người vào năm 2020, chưa kể nhu cầu cho vài chục năm tiếp theo.
Thêm vào đó, Việt Nam có thể là nguồn cung cấp nhân lực chất lượng cao cho các nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt khi ASEAN được đánh giá là một trong những trung tâm phát triển năng động của các ngành công nghệ 4.0. Hiện nay, Việt Nam - cùng với Trung Quốc, Ấn Độ - đã là những trung tâm cung cấp nhân lực thuê ngoài (outsourcing) cho nhiều đối tác lớn ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Hàn, EU,… Ngoài ra, rất nhiều công ty công nghệ mặc dù đặt trụ sở ở nước ngoài như tại Singapore, Thái Lan, Canada… nhưng phần lớn nhân sự vẫn là người Việt sống và làm việc tại Việt Nam.
Điều quan trọng, nhân lực đằng sau các công ty công nghệ không chỉ gồm những người có chuyên môn công nghệ, mà còn cả một lực lượng hùng hậu khác phục vụ cho quá trình vận hành công ty. NTT Data là một minh chứng rất điển hình. Đây là một công ty toàn cầu chuyên cung cấp các giải pháp công nghệ được thành lập từ năm 1967 và hiện có hơn 120,000 nhân sự trên thế giới, trong đó có 200 người ở Hà Nội, Đà Năng và Hồ Chí Minh. Cơ cấu nhân viên chủ yếu trong công ty này là bộ phận kinh doanh và tư vấn. “Chúng tôi cần những người hiểu khách hàng, lắng nghe và phản ảnh ý kiến khách hàng vào sản phẩm. Chúng tôi cần những người hỗ trợ cho khách hàng sử dụng sản phẩm đó. Khi số lượng khách hàng tăng thì những nhân viên này cũng tăng lên. “ - Ông Iwamoto cho biết trong buổi chia sẻ kinh nghiệm với CIEM, “Trong tương lai có thể số lượng nhân viên đó sẽ ít đi, nhưng trước mắt thì kinh doanh và tư vấn vẫn là những kỹ năng chưa thể bị AI thay thế được”
Tuy nhiên, CMCN lần thứ 4 sẽ đòi hỏi chất lượng nhân lực càng ngày càng cao, không chỉ dừng lại ở việc năng lực ngoại ngữ đủ để làm việc trong môi trường quốc tế. Ông Vic Van Vuuren, Vụ trưởng Doanh nghiệp thuộc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) trao đổi tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN tại Hà Nội 2018, nhấn mạnh vào năng lực “Sáng tạo và đổi mới” bởi “nó sẽ mang tới những sản phẩm mới trên thị trường, tăng năng suất và đưa nền kinh tế đi lên.”.
Chia sẻ tại hội thảo ngày 2/3, anh Hoàng Mạnh Hà cho biết với Fintech nói riêng và một số ngành công nghệ mới hiện nay, “muốn gia nhập có hai cách, hoặc là một người có chuyên môn rất sâu để sáng tạo ra sản phẩm mới, hoặc là một người dùng vô cùng thông thái”. Phương thức gia nhập ngành thứ hai được đề cập là một tiêu chuẩn rất mới dưới góc nhìn của nhà tuyển dụng, bởi nó phá vỡ khá nhiều giới hạn của đào tạo truyền thống hiện nay.
Anh Vương Quang Long, giám đốc công ty Tomochain chuyên về các vấn đề liên quan đến Blockchain, cũng đề cao tinh thần “chuẩn bị sẵn sàng” khi yêu cầu ứng viên. Họ có thể không có kinh nghiệm nhưng phải có ít nhất một dự án hay đã làm được một sản phẩm công nghệ nào đó trong quá trình học, như vậy mới đảm bảo rằng ứng viên hiểu được những yêu cầu và vấn đề sẽ xảy ra trong công việc.
“Vì làm việc với đối tác quốc tế nên tiếng anh sẽ là ngôn ngữ làm việc chính. Đòi hỏi trước tiên của chúng tôi với nhân viên là phải có tối thiểu IELTS 6.5. Điểm thứ hai là nhân viên có khả năng giải quyết vấn đề, kiên trì tìm hiểu và tìm ra cách xử lý vấn đề tốt nhất.”
Vương Quang Long- Giám đốc công ty Tomochain.
Các công ty cũng ngày càng chú trọng hơn vào tìm kiếm những người lao động có kỹ năng mềm và khả năng nhận thức-tư duy tốt. Anh Long nhấn mạnh về “khả năng giải quyết vấn đề, kiên trì tìm hiểu và tìm ra cách xử lý vấn đề tốt nhất.” Chia sẻ tại hội nghị “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0” tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội vào tháng 2/2018, Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng khi ấy cho rằng quan niệm về học và làm trong CMCN lần thứ 4 sẽ có nhiều thay đổi về tư duy - thay vì học để rồi làm trước đây, giờ sẽ chuyển sang làm trước, trải nghiệm trước rồi học sau; thay vì chỉ biết ngôn ngữ giữa người với người, tới đây sẽ cần ngôn ngữ giữa người và máy; trước đây làm những thứ đã được học, giờ đây sẽ phải học để làm những thứ chưa ai từng làm...