Lựa chọn hợp tác với startup từng chỉ dành cho một vài doanh nghiệp dũng cảm, nhưng ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn nhận ra họ cần làm việc với startup để duy trì lợi thế cạnh tranh và tránh bị qua mặt bởi các công ty nhỏ năng động hơn.
Theo nghiên cứu “Tình hình hợp tác giữa Startup và Doanh nghiệp năm 2016”, giờ đây, 67% các doanh nghiệp thích làm việc với startup ở những giai đoạn đầu, chủ yếu để “khảo sát công nghệ và mô hình kinh doanh mới”.
Tổ chức tăng tốc khởi nghiệp phi lợi nhuận MassChallenge và Công ty đổi mới sáng tạo Imaginatik đã tiến hành nghiên cứu nói trên thông qua việc khảo sát hơn 100 doanh nghiệp và 200 startup.
Hầu hết các doanh nghiệp đều thành thạo trong việc mua lại startup (một khi chúng hình thành và chứng minh được giá trị), nhưng giờ đây, ngày càng nhiều doanh nghiệp chấp nhận rủi ro và chia sẻ lợi nhuận trong việc hợp tác với startup ở giai đoạn đầu, nghiên cứu cho biết.
Raja Mukerji, đồng sáng lập công ty phân tích dữ liệu ExtraHop (Mỹ), cũng nhận thấy xu hướng tương tự. Startup của ông đã dùng các mối quan hệ đối tác với doanh nghiệp lớn để tăng trưởng kể từ khi thành lập vào năm 2007. Ông Mukerji chỉ ra: “Các quan hệ đối tác giai đoạn đầu khá hấp dẫn, khi đó cả hai bên đều cùng chí hướng và có khả năng gây ảnh hưởng đến lộ trình phát triển của startup. Khi startup trưởng thành và có được sản phẩm/chỗ đứng trên thị trường, các doanh nghiệp lớn thấy mình buộc phải đi theo con đường đã vạch ra thay vì điều khiển nó, và startup khi trưởng thành cũng có thể có thêm những đối tác lớn ở giai đoạn đầu khác."
Theo ông Jamie Qiu, nhà sáng lập cuộc thi EY Startup Challenge ở Luân Đôn, cả doanh nghiệp và startup đều có lợi khi hình thành quan hệ đối tác từ sớm. “Những gì startup thực sự cần ở giai đoạn đầu là được 'chứng thực' rằng sẽ công ty có tiềm năng kiếm ra tiền, mọi người sẵn sàng đầu tư cho họ và công ty có thể thiết lập được các mối quan hệ khách hàng. Điều này rất dễ dàng đối với các doanh nghiệp lớn bởi họ có thể chứng thực, cung cấp thông tin thực tế và quản trị startup. Giá trị họ thu được là khả năng startup sẽ tạo ra những sản phẩm riêng biệt hơn cho chính họ.”
Xu hướng gia tăng hợp tác với startup trong giai đoạn đầu cũng còn do các giám đốc phụ trách hợp tác-đầu tư của doanh nghiệp lớn đang được hội đồng quản trị nới rộng biên độ mạo hiểm.
Theo ông Qiu, các nhà điều hành chiến lược ngày càng dành nhiều thời gian để nghe ngóng những công nghệ mới nổi cũng như tác động của chúng đến ngành của họ. Bên cạnh đó, ông Qiu cho rằng, hệ sinh thái startup đang ngày càng hoàn thiện hơn, với việc ươm tạo các công ty mới được tiến hành bài bản hơn, bởi vậy những dấu hiệu để nhận biết việc đánh cược vào một startup nào đó có rủi ro hay hay không cũng rõ ràng hơn và dễ xác định hơn.
Việc hợp tác sớm với startup thường đem lại cho doanh nghiệp khả năng tiếp cận những công nghệ mới nhất, ngăn chặn sự phát triển của những sản phẩm mà sau rốt sẽ trở thành đối thủ của họ, và phòng ngừa sự cạnh tranh trong tiếp cận các đổi mới sáng tạo.
Nhưng sản phẩm không phải là lý do duy nhất khiến doanh nghiệp lớn muốn làm việc với các startup non trẻ, ông Mukerji nói, nếu chỉ có vậy thì họ thường không thể xây dựng mối quan hệ đối tác thành công.
“Nhiều startup mắc sai lầm khi nghĩ rằng 'phát triển' chỉ đơn thuần là phát triển sản phẩm và các doanh nghiệp mua công nghệ của họ là để ngăn ngừa này nọ. Điều đó không còn đúng nữa: Startup nào tập trung vào phát triển khách hàng bên cạnh phát triển sản phẩm sẽ thành công hơn khi hợp tác với các đối tác lớn,” ông Mukerji nhận xét. "Đổi mới sáng tạo trong công nghệ khiến cho kết quả mong muốn dễ dàng được thực hiện hóa hơn, nhưng những doanh nghiệp lớn có nhu cầu mua cả quy trình tăng tốc để cho ra kết quả như họ mong muốn và mang đến trải nghiệp cao cấp, chứ không chỉ đơn thuần là một công nghệ làm nền tảng cho nó [xảy ra]."
Mặt khác, ông Qiu tin rằng các doanh nghiệp lớn cũng còn nhiều việc phải làm trước khi có thể thu về những lợi ích tốt nhất trong mối quan hệ hợp tác với startup. Các doanh nghiệp lớn đang nhận ra rằng họ cần hợp tác với startup một cách bài bản và phải có nhân sự mà toàn bộ hoặc một phần công việc của người đó liên qua đến các công nghệ mới nổi và các startup. Quan hệ hợp tác chỉ được duy trì khi các doanh nghiệp lớn có đủ kinh nghiệm để hiểu họ muốn loại công nghệ nào và sẵn sàng bỏ ra những gì để hỗ trợ các startup, mà kinh nghiệm chỉ đến qua những tương tác theo thời gian - ông Qiu nhận định.
Nguồn:https://www.rocketspace.com/corporate-innovation/corporates-are-finally-taking-young-startups-seriously