Không ít câu hỏi đang được đặt ra với trào lưu "10-Year Challenge" (Thử thách 10 năm) trên Facebook.

Đầu tháng 1/2019, một thử thách mới trên Facebook đã lan truyền nhanh chóng. Nó yêu cầu người dùng đăng một bức ảnh từ 10 năm trước và một bức hiện nay để xem “tuối tác ảnh hưởng đến bạn như thế nào”. Giờ nó được gọi là “Thử thách 10 năm | 10-Year Challenge”.

Hơn 5.2 triệu người, gồm cả những người nổi tiếng, tham gia thử thách này và đã nảy sinh những suy đoán, thắc mắc liệu đây có phải là một mánh của Facebook nhằm khai thác dữ liệu nhận dạng khuôn mặt.

Thử thách 10 năm và nhận dạng khuôn mặt trên Facebook
Thử thách 10 năm và nhận dạng khuôn mặt trên Facebook

Kate O'Neill viết về khả năng thử thách này không đơn thuần là một trò vui để chia sẻ với bạn bè trên tạp chí Wired:

“Hãy tưởng tượng bạn muốn đào tạo một thuật toán nhận dạng khuôn mặt với các đặc điểm liên quan đến tuổi tác, và cụ thể hơn là quá trình lão hóa (thí dụ như con người trông như thế nào khi già đi). Lý tưởng nhất là có một bộ dữ liệu lớn và chính xác với hình ảnh của nhiều người. Nếu bạn biết chắc chắn các bức ảnh được chụp cách nhau bao lâu – ví dụ như 10 năm – thì khá là hữu ích ” – O’Neill phân tích.

Theo O'Neill, không phải lúc nào người dùng Facebook cũng tải ảnh lên theo thứ tự thời gian và nhiều người dùng các bức ảnh hoạt hình, động vật, các thành viên khác trong gia đình, những câu tuyên ngôn chính trị... làm ảnh đại diện thay vì hình ảnh của bản thân.

Thử thách này cho Facebook cơ hội có được phiên bản “rõ ràng” của người dùng được xác định bởi bối cảnh mà người dùng bổ sung vào như cho biết tuổi của họ trong bức ảnh, năm chụp ảnh, hoặc các thông tin khác người dùng chia sẻ trong post của họ.

Theo giáo sư Amy Webb (Đại học New York - NYU), thử thách ảnh này là “một cơn bão hoàn hảo cho học máy”. Bà Webb hiện đang viết một cuốn sách sắp ra mắt về cách mà AI có thể thao túng con người.

Facebook khăng khăng rằng họ không liên quan đến việc khởi xướng thử thách này và “không thu được lợi ích gì” từ việc nó lan nhanh trên mạng.

"Đây là một meme (trào lưu) do người dùng tạo ra và tự lan truyền. Facebook không bắt đầu xu hướng này, và meme này sử dụng các bức ảnh đã tồn tại trên Facebook", công ty cho biết. "Facebook không thu được gì từ meme này (ngoài việc nhắc nhớ chúng ta về một xu hướng thời trang gây tranh cãi vào năm 2009). Chúng tôi lưu ý là người dùng Facebook có thể chọn bật hoặc tắt chế độ nhận dạng khuôn mặt bất cứ lúc nào."

Tuy nhiên, với 2.2 tỷ người dùng tải hàng trăm triệu bức ảnh lên mỗi ngày, không thể nói thuật toán nhận dạng khuôn mặt không được hưởng lợi gì khi những trào lưu kiểu này bổ sung thêm vào hệ cơ sở dữ liệu khuôn mặt vốn đã dồi dào của Facebook.

Facebook đã nghiên cứu công nghệ nhận dạng khuôn mặt từ vài năm qua để làm những việc như gắn thẻ tên lên ảnh và bây giờ là nhận dạng những bức ảnh mà bạn có thể được gắn thẻ tên ngay cả khi bạn không có mối liên hệ trên Facebook với người đăng ảnh. Vì vậy, ngay cả khi chúng ta tắt chế độ nhận dạng, khuôn mặt của chúng ta vẫn ở đâu đó trên nền tảng.

Chuyên gia nhận dạng khuôn mặt Alvaro Bedoya, giám đốc điều hành Trung tâm Bảo mật & Công nghệ thuộc Trường Luật Georgetown, nói, “Bạn có thể xóa cookies. Bạn có thể thay đổi trình duyệt. Và bạn có thể để điện thoại thông minh ở nhà. Nhưng bạn không thể xóa khuôn mặt mình, cũng như không thể để nó ở nhà."

Mặc dù nhiều khả năng là Facebook sử dụng công nghệ này để tiến hành các hoạt động quảng cáo hướng đích và tăng cường các trải nghiệm cá nhân hóa, bởi chúng mang lại lợi nhuận cho công ty, vẫn nổi lên mối lo ngại điều gì sẽ xảy ra nếu công ty bán hoặc chia sẻ công nghệ này để sử dụng bên ngoài phạm vi Facebook .

Các đặc điểm sinh trắc trên khuôn mặt | Minh họa Alex Castro
Các đặc điểm sinh trắc trên khuôn mặt | Minh họa Alex Castro

Gần đây, Facebook nói rằng họ không có kế hoạch phổ biến dữ liệu nhận dạng khuôn mặt của mọi người ra bên ngoài nền tảng, nhưng không có luật nào ngăn họ nếu họ muốn làm như thế và do đó, Facebook có thể đổi ý bất cứ lúc nào.

Đây không phải là tình huống khó xảy ra vì cả Amazon và Google đều đã bị bắt gặp chia sẻ công nghệ của họ.

Google Photos sử dụng công nghệ để nhận dạng không chỉ người trong ảnh mà còn có thể phân loại các đối tượng trong ảnh. Chẳng hạn, nếu ta tìm kiếm từ “ô tô” trong những bức ảnh, phần mềm sẽ hiển thị mọi hình ảnh trong thư viện của người dùng thuật toán nhận ra ô tô trong ảnh, ngay cả khi chiếc xe chỉ ở nền phía sau.

Gần đây Google đã phải đối mặt với một vụ kiện về việc quét và lưu dữ liệu sinh trắc học của một người phụ nữ mà hình ảnh của cô vô tình có trong 11 bức ảnh được chụp bởi người dùng cài phần mềm Google Photos trên điện thoại Android của họ.

Vụ kiện đã bị bác bỏ bởi lời tuyên rằng nguyên đơn không phải chịu "những tổn thương cụ thể", nhưng vụ kiện làm dấy lên mối lo ngại về quyền riêng tư khi điện thoại gắn camera có ở khắp mọi nơi. Hãy tưởng tượng chúng ta có thể tìm thấy một người xuất hiện ở phần nền bức ảnh chụp kỳ nghỉ tại bãi biển năm 2004 của chúng ta chỉ trong vài giây trực tuyến.

Amazon cũng phải chịu sức nóng từ Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ vì đã bán công nghệ nhận dạng khuôn mặt cho chính phủ - cụ thể là các cơ quan thực thi pháp luật như các sở cảnh sát ở Orlando và Hạt Washington, Oregon. Đây có thể trở thành mối quan tâm lớn về quyền riêng tư của công dân. “Cảnh sát có thể sử dụng công nghệ này không chỉ để theo dõi những nghi can, mà còn cả những người không phạm tội như người biểu tình và những người được cho là gây phiền toái”, O'Neill nhận xét.

Nhiều người không nhận ra rằng khuôn mặt của họ có thể liên kết với những thông tin có sẵn, giống như một cuộc kiểm tra lý lịch tức thì nhưng chính xác hơn. Một nghiên cứu gần đây cho biết, trung bình công dân Mỹ xuất hiện trên camera 75 lần/ngày, và con số đó tăng lên hàng ngày đối với những camera được trang bị công nghệ nhận dạng khuôn mặt.

Camera giám sát tại các góc đường | Ảnh Getty
Camera giám sát tại các góc đường | Ảnh Getty

Các nhà bán lẻ hiện đang sử dụng thông tin để nhận dạng những kẻ trộm hàng đã có tiền án và cảnh báo đến bộ phận chống trộm ngay lập tức. Trong khi việc này có thể giúp ngăn ngừa tổn thất cho công ty, nó đồng thời tạo ra mối lo lớn rằng nó có thể nhắm vào những người mua hàng vô hại và xâm phạm quyền riêng tư của họ.

Tuy vậy, cũng có những ví dụ tốt bảo vệ cho công nghệ nhận diện khuôn mặt. Công nghệ này giúp truyền thông xã hội nhận ra những người đã chuyển giới trong vòng 10 năm qua và có thể không được nhận diện bằng công nghệ nhận dạng khuôn mặt từ các bức ảnh trước đó.

Một ví dụ tốt khác, như O'Neill chỉ ra, là khả năng tìm thấy những đứa trẻ mất tích đã lớn lên. Mới năm ngoái, cảnh sát ở New Delhi đã tìm ra 3.000 trẻ em mất tích chỉ trong vòng 4 ngày nhờ sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là từ lứa tuổi nào chúng ta nên làm nhận diện khuôn mặt, và đâu là ranh giới giữa trẻ em và người lớn được phép theo dõi bằng công nghệ này.

Như vậy xét từng trường hợp riêng lẻ thì các công nghệ nhận dạng khuôn mặt đều mang tính sáng tạo và tốt cho những mục đích cụ thể. Tuy nhiên, khi kết hợp lại chúng có thể trở thành công cụ nguy hiểm cho tin tặc và theo dõi. Nhiều người trong chúng ta cung cấp thông tin cho truyền thông xã hội nhiều hơn những gì chúng ta tưởng mà lại không hề đặt câu hỏi liệu thông tin đó sẽ đi đâu hoặc được sử dụng như thế nào. Với tất cả những vi phạm dữ liệu và những lựa chọn đáng ngờ của Facebook thời gian gần đây, có lẽ việc đặt dấu hỏi đối với các công nghệ này là điều đúng đắn. Đặc biệt khi rất ít thông tin được công khai về cách công nghệ này được sử dụng và hiện không có luật liên bang nào điều chỉnh việc sử dụng nó.

Nguồn: