Gần 20 năm qua, 6 tiêu chí được Quacquarelli Symonds (QS) sử dụng để xếp hạng các trường đại học trên thế giới hầu như không thay đổi. Tuy nhiên năm nay QS đã cải tiến mạnh mẽ phương pháp đánh giá, đưa ra một số tiêu chí mới và thay đổi trọng số của một số tiêu chí cũ, trong bối cảnh những ưu tiên của giáo dục đại học đã đổi khác.

Cụ thể, có ba tiêu chí mới được bổ sung gồm: Bền vững, Kết quả tuyển dụng, và Mạng lưới nghiên cứu quốc tế, mỗi tiêu chí đều có trọng số 5%.

Bền vững: Tiêu chí này là một phản hồi trực tiếp cho Khảo sát Sinh viên Quốc tế QS 2022, trong đó 80% sinh viên bày tỏ mong muốn và tin tưởng rằng các trường đại học có thể làm được nhiều hơn cho môi trường và công bằng xã hội.

Điểm số cho tiêu chí Bền vững được lấy từ kết quả xếp hạng đại học toàn cầu về tính bền vững QS Sustainability Rankings được công bố lần đầu vào tháng 10/2022. Đây là một xếp hạng độc lập nhằm đo lường khả năng giải quyết những thách thức lớn nhất về môi trường, xã hội và quản trị, với sự tham gia của 700 đại học trên toàn cầu. Những trường chưa tham gia xếp hạng này vào năm ngoái sẽ được tính điểm theo cùng một phương pháp, tuy nhiên các tiêu chí có được nới lỏng hơn một chút.

Kết quả tuyển dụng: Trước đây, trong tiêu chí Uy tín tuyển dụng, QS tiếp cận ý kiến của nhà tuyển dụng về về những cơ sở giáo dục đại học cung cấp nhân lực nghề nghiệp tốt nhất cho thị trường lao động. Điểm đổi mới của năm nay là QS tham khảo hồ sơ của 60 nghìn người được cho là “quan trọng” hoặc “nổi bật”, dựa trên hơn 300 nguồn dữ liệu khác nhau. Những người này có thể là thành viên hội đồng quản trị của các công ty hàng đầu, chính trị gia hoặc người có vai trò lãnh đạo thanh niên, doanh nhân thành đạt, nghệ sĩ có nhiều thành tựu...

Ben Sowter, Phó chủ tịch QS, giải thích: QS sử dụng dữ liệu từ các sàn giao dịch chứng khoán ở 30 quốc gia để xác định các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các nguồn dữ liệu khác để xác định các cá nhân được công chúng đánh giá cao, sau đó lần ngược lại “để tìm ra nơi họ lấy bằng cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ, nếu có”. Theo cách này, QS tin rằng họ có thể đánh giá hiệu quả của các cơ sở giáo dục đại học, xét về mặt kết quả công ăn việc làm trong tiêu chí mới, Sowter nói.

Cùng với tiêu chí mới được bổ sung, trọng số của tiêu chí cũ Uy tín tuyển dụng cũng được tăng từ 10 lên 15%.

Mạng lưới nghiên cứu quốc tế: Tiêu chí này là thước đo mức độ tham gia toàn cầu, đặc biệt là cách các cơ sở giáo dục đại học tạo ra và duy trì quan hệ hợp tác nghiên cứu với các tổ chức xuyên biên giới để giải quyết các thách thức của thế giới và phổ biến những nghiên cứu quan trọng tới nhiều đối tượng hơn - đây được coi là một thay đổi trong sứ mệnh phát triển của các cơ sở giáo dục đại học ngày nay.

Như vậy, với tiêu chí Mạng lưới nghiên cứu quốc tế, Xếp hạng Đại học Thế giới QS hiện có tất cả 3 tiêu chí liên quan đến gắn kết toàn cầu, chiếm tổng cộng 15% – hai tiêu chí khác là Tỷ lệ giảng viên quốc tế và Tỷ lệ người học quốc tế.

Về sự thay đổi trọng số, trong khi trọng số của tiêu chí Uy tín tuyển dụng tăng thì trọng số của tiêu chí Uy tín học thuật (đánh giá và bầu chọn của học giả toàn cầu về những cơ sở giáo dục đại học có chất lượng nghiên cứu tốt nhất trên thế giới) và Tỷ lệ giảng viên/sinh viên lại giảm (xem Bảng 1).

Tiêu chí

2024

2023

Uy tín học thuật (Academic Reputation)

30%

40%

Uy tín tuyển dụng (Employer Reputation)

15%

10%

Tỷ lệ giảng viên/sinh viên (Faculty Student Ratio)

10%

20%

Số trích dẫn/giảng viên (Citations per Faculty)

20%

20%

Tỷ lệ giảng viên quốc tế (International Faculty Ratio)

5%

5%

Tỷ lệ sinh viên quốc tế (International Student Ratio)

5%

5%

Mạng lưới nghiên cứu quốc tế (International Research Network)

5%

-

Kết quả tuyển dụng (Employment Outcomes)

5%

-

Bền vững (Sustainability)

5%

-

Bảng 1. Sự thay đổi của các tiêu chí và trọng số trong Xếp hạng Đại học Thế giới QS. Nguồn: support.qs.com

Trọng số của tiêu chí Tỷ lệ giảng viên/sinh viên thay đổi cùng với tiêu chí mới về bền vững được xem là hai nguyên nhân chính dẫn đến sự thăng giáng của các trường đại học trong Xếp hạng Đại học Thế giới QS 2024.

Giới thiệu kết quả xếp hạng mới nhất này tại một hội nghị ở Dublin, Ireland, vào ngày 27/6, Phó chủ tịch Sowter cho biết tiêu chí Bền vững đã tạo ra một số thay đổi lớn về thứ hạng.

Chẳng hạn, Đại học California, Berkeley đứng đầu trên QS Sustainability Rankings 2023 công bố năm ngoái và với kết quả này được sử dụng cho xếp hạng đại học thế giới 2024, trường đã thăng từ vị trí 27 lên thứ 10.

Ngoạn mục hơn là thành tích của các trường đại học Úc: Đại học Melbourne từ vị trí 33 lên vị trí 14. Đại học New South Wales và Đại học Sydney đều lên vị trí 19 từ vị trí 45 và 41.

Nhưng Sowter cho biết, chính việc giảm bớt sự nhấn mạnh vào tỷ lệ giảng viên/sinh viên mới thật sự là nguyên nhân của hầu hết những thay đổi lớn về thứ hạng trong năm nay.

Việc giảm trọng số của tiêu chí Tỷ lệ giảng viên/sinh viên được đưa ra để giải quyết một thực tế là có những quốc gia có tỷ lệ giảng viên/sinh viên thấp nhưng hệ thống giáo dục đại học của họ mạnh và điều này đã không được phản ánh đầy đủ qua thứ hạng của nhiều trong số những trường đại học tốt nhất ở các quốc gia đó.

Thay đổi này đã dẫn đến sự thăng hạng của các trường đại học ở một số quốc gia, trong đó có Úc và Ireland; nhưng lại khiến một số trường ở Trung Á, Hàn Quốc và Nhật Bản - những nơi tỷ lệ giảng viên/sinh viên có xu hướng cao hơn - bị tụt hạng.

Theo Sowter, những thay đổi về phương pháp xếp hạng được QS tiến hành sau khi tham khảo ý kiến rộng rãi với các bên liên quan và trong bối cảnh dữ liệu về các lĩnh vực hoạt động khác nhau của các trường đại học giờ đây đã sẵn hơn. Bên cạnh đó, ông cho biết, QS thay đổi phương pháp xếp hạng vì các ưu tiên của sinh viên, cơ sở giáo dục đại học và nhà tuyển dụng đã đổi khác trong 20 năm qua.

“Việc thay đổi phương pháp theo cách tương đối cơ bản chắc chắn sẽ dẫn đến một số xáo trộn đáng kể trong kết quả xếp hạng,” ông nói và chấp nhận rằng không phải tất cả các trường đều hài lòng, đặc biệt là những trường bị tụt hạng.

Khi được hỏi liệu những thay đổi về phương pháp xếp hạng có làm mất ý nghĩa của những xếp hạng trước đây không, Sowter nói: phương pháp mới vẫn sử dụng đến sáu chỉ số trong phương pháp cũ, QS chỉ đào sâu thêm dưới bề mặt để giúp các cơ sở giáo dục đại học hiểu rõ hiệu suất của họ trong các lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, ông nói thêm: “Chúng tôi khuyến khích các tổ chức và nhà bình luận nhận ra đây là một cuộc ‘tái lập’ [reset] quan trọng.”

Một vài thay đổi thứ hạng đáng chú ý khác của năm nay là châu Á vào top 10 thế giới với Đại học Quốc gia Singapore NUS từ vị trí 11 lên thứ 8 và ETH Zürich từ thứ 9 lên thứ 7. Các vị trí còn lại trong top 10 hoàn toàn thuộc về thuộc các cơ sở giáo dục đào tạo của Mỹ và Vương quốc Anh.

Xếp hạng Đại học Thế giới QS 2024 đánh giá gần 1.500 cơ sở đào tạo đại học từ 104 quốc gia/vùng lãnh thổ, dựa trên phân tích 17,5 triệu bài báo học thuật và phản hồi của hơn 240.000 giảng viên và nhà tuyển dụng.


Đại học Duy Tân thăng hạng mạnh trên Xếp hạng Đại học Thế giới QS 2024, đứng đầu trong số 5 cơ sở của Việt Nam được QS xếp hạng. Ảnh minh họa: Sinh viên ngành Dược – Đại học Duy Tân học tập tại Nhà thuốc Mô phỏng. Nguồn: nganhduoc.edu.vn
Đại học Duy Tân thăng hạng mạnh trên Xếp hạng Đại học Thế giới QS 2024, đứng đầu trong số 5 cơ sở của Việt Nam được QS xếp hạng. Ảnh minh họa: Sinh viên ngành Dược – Đại học Duy Tân học tập tại Nhà thuốc Mô phỏng. Nguồn: nganhduoc.edu.vn

Quacquarelli Symonds (QS) là một công ty của Anh chuyên về phân tích các tổ chức giáo dục đại học trên khắp thế giới.

Trên Xếp hạng Đại học Thế giới QS 2024, Việt Nam có 5 cơ sở, gồm: Đại học Duy Tân (thứ 514); Đại học Tôn Đức Thắng (ở khoảng từ 721-730); Đại học Quốc gia TPHCM và Đại học Quốc gia Hà Nội (951 - 1.000); Đại học Bách khoa Hà Nội (1.201-1.400).

Trên xếp hạng cho năm 2023, Đại học Duy Tân, Đại học Quốc gia TPHCM, và Đại học Quốc gia Hà Nội cùng ở khoảng từ 800-1.000; Đại học Tôn Đức Thắng ở khoảng từ 1.001 - 1.200. Như vậy, trong khi Đại học Duy Tân và Đại học Tôn Đức Thắng thăng hạng mạnh thì Đại học Quốc gia TPHCM và Đại học Quốc gia Hà Nội tụt hạng. Riêng Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn duy trì thứ hạng trong khoảng 1.201 - 1.400.

Trong số 5 trường này có 3 trường - gồm Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Tôn Đức Thắng – đã tham gia xếp hạng độc lập QS Sustainability Rankings 2023 nhưng thứ hạng không cao, đều nằm trong khoảng từ 601 trở lên.


Nguồn tham khảo: