Trong nửa cuối năm 2022, một bảng xếp hạng đại học mới về chủ đề bền vững của Quacquarelli Symonds (QS) được công bố, cùng với hai dự án mới khác từ châu Âu lục địa và bờ kia Đại Tây Dương đang rục rịch triển khai. Liệu những công cụ đánh giá và xếp hạng này có thực sự khác biệt và chất lượng?

Các chính sách giáo dục đại học trong những thập kỷ gần đây đề cao vai trò của cơ sở giáo dục đại học trong việc đáp ứng và đóng góp vào các nhu cầu xã hội. Ngày càng có nhiều bảng xếp hạng và khung đánh giá tập trung vào tính tương tác và tác động của giáo dục đại học đối với xã hội và hệ sinh thái. Cùng với diễn ngôn về phát triển bền vững được đề cao trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các bảng đánh giá và xếp hạng trong 15 năm trở lại đây đã tập trung nhiều hơn vào tính bền vững.

Về cơ bản, có hai nhóm thực hiện nhiệm vụ này. Nhóm một bao gồm các công cụ đánh giá về tính bền vững và phát triển bền vững trong lĩnh vực giáo dục đại học như: AISHE 2.0, STARS, UniSAF, ASSC, PSIR, SAQ, SustainTool... Các bảng này chủ yếu tập trung vào thị trường đại học Bắc Mỹ và châu Âu. Lâu đời và nổi tiếng nhất là STARS (Hệ thống Theo dõi, Đánh giá và Xếp hạng Bền vững). Ra đời từ năm 2006, đây là một khung tự báo cáo dành cho các trường cao đẳng và đại học để đo lường hoạt động liên quan đến bền vững do Hiệp hội Vì sự Tiến bộ của Tính bền vững trong Giáo dục Đại học Hoa Kỳ (Association for the Advancement of Sustainability in Higher Education, AASHE) điều hành.

Nhóm hai ít hơn nhưng đang dẫn đầu xu hướng, đó là các xếp hạng quốc tế và quốc nội, gồm UI Green Metrics và Times Higher Education (THE) Impact Rankings. Trong đó, sáng kiến UI Green Metrics ​​được phát triển bởi Đại học Indonesia vào năm 2010, song không đạt được nhiều tiếng vang vượt ra ngoài vòng những người quan tâm. Đại học Cần Thơ là trường đi đầu ở Việt Nam khi tham gia vào UI Green Metrics từ năm 2011.

Đại học Cần Thơ là trường đầu tiên ở Việt Nam tham gia vào sáng kiến UI Green Metrics của Đại học Indonesia từ năm 2011. Nguồn: dsa.ctu.edu.vn
Đại học Cần Thơ là trường đầu tiên ở Việt Nam tham gia vào sáng kiến UI Green Metrics của Đại học Indonesia từ năm 2011. Nguồn: dsa.ctu.edu.vn

Nổi bật hơn, bảng xếp hạng THE Impact Rankings được thực hiện bởi tạp chí Times với bảng xếp hạng truyền thống đã ngự trị thị trường xếp hạng suốt 20 năm qua. Ngay sau khi ra đời vào tháng 4/2019, THE Impact Rankings đã nhận được tiếng vang lớn với hơn 450 đại học tham gia ngay trong năm đầu, được quảng cáo là bảng xếp hạng toàn cầu duy nhất đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Ban đầu, tạp chí Times muốn tập trung vào tác động kinh tế, nhưng cuối cùng chuyển trọng tâm vào SDGs. Quyết định hợp thời này không có gì đáng ngạc nhiên vì SDGs đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các chương trình nghị sự và thực hành chính sách của các chính phủ, tổ chức cũng như đối với nghiên cứu ở khắp nơi trên thế giới. Cho đến nay, nhờ vào danh tiếng của mình, THE Impact Rankings đã mở rộng ra 1.406 đại học từ 106 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, với 7 trường đại học đến từ Việt Nam.

Tỏ ra không kém cạnh đối thủ lâu năm, tháng 10 năm nay, QS ra mắt bảng Sustainability (đo lường khả năng giải quyết những thách thức lớn nhất về môi trường, xã hội và quản trị) với sự tham gia của 700 đại học trên toàn cầu. Việt Nam có ba đại diện trong bảng xếp hạng này, gồm Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Tôn Đức Thắng nhưng thứ hạng không ở mức cao.

Hai dự án khác cũng đang được rình rang phát triển. Tổ chức Globethics.net đang kêu gọi sự tham gia của các trường đại học vào một bảng xếp hạng mới tập trung vào các giá trị cốt lõi, đạo đức và tính bền vững trong môi trường học tập và làm việc cho sinh viên và giảng viên. Trong khi đó, U-multirank - công cụ đánh giá đại học đa chiều từ Liên minh Châu Âu - đang phát triển một chỉ số đánh giá giáo dục cho phát triển bền vững theo cách có ý nghĩa và có thể so sánh quốc tế.

Những nghi ngại và giải pháp thay thế

Các công cụ đánh giá và xếp hạng nêu trên đều tìm cách khẳng định thế mạnh riêng của mình ở các khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên, như nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra, việc đo lường tác động của các cơ sở đại học lên môi trường rất khó khăn vì những ảnh hưởng vô hình của giáo dục đến thay đổi hành vi sử dụng năng lượng của giáo dục là khó đong đếm. Chính vì thế, nhiều nhà nghiên cứu có góc nhìn dè dặt, thậm chí nghi ngại những công cụ này.

Đặc biệt, với sứ mệnh chủ chốt là dạy và học, ngày càng có nhiều cơ sở giáo dục đại học cố gắng đưa các nguyên tắc phát triển bền vững vào chương trình giảng dạy. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới của Anete Veidemane thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Giáo dục Đại học, Đại học Twente, Hà Lan, thì các bảng xếp hạng như UI Green Metrics hay THE Impact Rankings không chú trọng đánh giá khía cạnh quan trọng này - Giáo dục vì Phát triển Bền vững (Education for Sustainable Development, ESD). Chỉ số ESD được bóc tách thành 3 phần: nội dung học tập (tỉ lệ các khóa học/ngành học liên quan đến bền vững, phương pháp sư phạm (đào tạo giảng viên), và kết quả học tập (tỉ lệ sinh viên hoàn thành các khóa học/ngành học liên quan đến bền vững, các chỉ số năng lực liên quan đến bền vững ở sinh viên, tỉ lệ cựu sinh viên làm các công việc liên quan đến bền vững…)

Ngày càng có nhiều cơ sở giáo dục đại học cố gắng đưa các nguyên tắc phát triển bền vững vào chương trình giảng dạy, nhưng các bảng xếp hạng lại chưa chú trọng đánh giá khía cạnh quan trọng này. Ảnh minh họa: bristol.ac.uk

Có thể dễ dàng quan sát được sự vắng mặt của giới đại học “tinh hoa” ở bảng THE Impact Rankings. Ví dụ, ở khu vực Đông Nam Á, hai trường đại học lớn của Singapore là Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) đều từ chối tham gia cuộc chơi. Ellen Hazelkorn - giáo sư danh dự tại Đại học Công nghệ Dublin (Ireland), chỉ ra rằng sự vắng mặt này có thể là một tuyên bố ngầm về giá trị của bảng xếp hạng. Theo bà, bất cập lớn nhất là quá trình xếp hạng của THE Impact Rankings hoàn toàn phụ thuộc vào dữ liệu tự báo cáo của các trường và cách các tổ chức này diễn giải dữ liệu một cách cảm tính đằng sau đó. Với số lượng lớn các đại học tham gia, cùng với số lượng lớn các câu hỏi nhỏ nhặt đòi hỏi phải gửi bằng chứng, không chắc THE có thể kiểm soát và xác nhận tính chính xác của thông tin do các trường đại học cung cấp.

Ngành công nghiệp xếp hạng toàn cầu được cho là thu thập cơ sở liệu khổng lồ để sử dụng cho các mục đích phát sinh lợi nhuận. Nhưng không có gì xấu khi tham gia vào các bảng đánh giá, xếp hạng. Với nhiều trường, ít nhất các công cụ này giúp các trường tự đánh giá, và học tập thực tiễn hay từ các trường khác trên thế giới. Chúng cũng trở thành một công cụ để đại học “giải trình” trách nhiệm xã hội với các bên liên quan.

Nhưng vẫn có những cách thay thế có ý nghĩa hơn để đánh giá tác động của đại học lên phát triển bền vững và tránh sự lộng hành từ các công ty dữ liệu giáo dục tư nhân. Từ góc nhìn vĩ mô, việc phát triển một quy trình đảm bảo chất lượng bao gồm cam kết của các đại học đối với lợi ích công cộng trên nhiều khía cạnh là một bước khởi đầu tốt. Điều này đã được nêu ra ở Diễn đàn Đảm bảo Chất lượng Châu Âu 2019 với chủ đề “Social Engagement”, nơi thảo luận các thực hành tự đánh giá và đánh giá ngoài để hỗ trợ các đại học đáp ứng kỳ vọng và thể hiện trách nhiệm với xã hội cũng như các bên liên quan. Cũng từ năm 2019, FINEEC - cơ quan Kiểm định Giáo dục Đại học độc lập của Phần Lan, đã đưa các tiêu chí liên quan đến tham gia và tác động xã hội vào các quy trình kiểm định của mình. Đây là một cách làm có thể nhân rộng tới các cơ quan kiểm định và đảm bảo chất lượng khác.

Nguồn

Valls-Val, K., & Bovea, M. D. (2021). Carbon footprint in Higher Education Institutions: a literature review and prospects for future research. Clean Technologies and Environmental Policy, 23(9), 2523-2542.

Veidemane, A. (2022). Education for Sustainable Development in Higher Education Rankings: Challenges and Opportunities for Developing Internationally Comparable Indicators. Sustainability, 14(9), 5102.

Hazelkorn, E. (2022). Are the SDGs being used to rank impact or monetise data? University World News. https://www.universityworldnews.com/post.php?story=20220429114637871