Thưa ông, điều gì khiến Australia tiếp tục hợp tác với Việt Nam về đổi mới sáng tạo?
Ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ Australia tại Việt Nam: Mặc dù Australia và Việt Nam đang ở những giai đoạn khác nhau trong quá trình phát triển kinh tế nhưng cả hai nước đều có chung một hoài bão, đó là tăng trưởng kinh tế phải dựa trên đổi mới sáng tạo và khoa học - công nghệ, và chúng phải xanh và bền vững.
Australia đã chọn hợp tác với Việt Nam để cùng nhau đạt được tham vọng chung. Trong năm năm qua, Cơ quan khoa học quốc gia của Chính phủ Australia là CSIRO đã phối hợp cùng các bên và quản lý chương trình Aus4Innovation để đảm bảo khả năng tiếp cận tốt nhất với những kiến thức và công nghệ tiên tiến mới nổi.
Công việc của Aus4Innovation trải dài trên nhiều lĩnh vực. Một số ví dụ bao gồm: sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo tăng cường hoặc quan sát Trái đất để giải quyết các thách thức kinh tế - xã hội, cũng như hỗ trợ xây dựng chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cho Việt Nam.
Những bằng chứng từ Showcase cho thấy chúng ta đang đạt được những tiến bộ tích cực. Hai nước đã xây được những nền tảng hợp tác. Dĩ nhiên, còn rất nhiều việc phải làm nhưng có thể nói chúng ta đã có một khởi đầu tốt kể từ năm 2018.
Cho đến nay, Việt Nam được coi là một trong 17 quốc gia thuộc danh sách ưu tiên hợp tác về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Australia. Có một vài lý do chính đáng cho lựa chọn này. Thứ nhất là mối quan hệ giữa hai nước đã rất lâu dài, trên 50 năm. Chúng ta biết rất rõ về nhau và phát triển đến mức độ tin cậy cao.
Thứ hai, Việt Nam đang được dự báo là nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á, có thể là nhanh nhất thế giới. Việt Nam đang có hơn 100 triệu người. Trẻ trung, năng động, sáng tạo và thông minh. Có lý gì chúng tôi lại không chọn Việt Nam làm đối tác?
Lý do thứ ba là thế giới đang bước vào thời kì không chắc chắn với xung đột và căng thẳng diễn ra tại một số khu vực, trong khi Việt Nam được xem như một nhân tố giúp ổn định tình hình (stabilizing effect). Chúng tôi nghĩ, để có một nền hòa bình thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thì cần một Việt Nam thịnh vượng hòa bình. Vì vậy chúng tôi muốn đầu tư vào Việt Nam.
Và tôi đoán lý do cuối cùng là ở Australia có một cộng đồng người Việt rất lớn. Nếu đến Melbourne, tiếng Việt chính là ngôn ngữ phổ biến thứ hai sau tiếng Anh. Vì những điều kiện như trên, Việt Nam có thể coi là một trong những đối tác hợp tác quan trọng nhất của Australia.
Giai đoạn hai của chương trình Aus4Innovation đã được thông qua và kéo dài đến năm 2028. Liệu chúng có gì khác biệt so với giai đoạn một?
Ông Andrew Goledzinowski: Như bạn biết, việc tiếp tục hỗ trợ giai đoạn hai này đã được Thủ tướng Anthony Albanese công bố khi ông đến thăm Việt Nam vào ba tuần trước với sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Một điểm quan trọng cần nêu ra là chúng tôi hiện đang nỗ lực nâng mối quan hệ song phương lên mức cao nhất - quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Và chúng tôi tin rằng chia sẻ tri thức và đổi mới sáng tạo sẽ là một trong những trụ cột chính của mối quan hệ đối tác nâng cao đó.
Về các lĩnh vực sẽ tập trung, tôi nghĩ chúng ta sẽ tiếp tục phát huy dựa trên những thành công đã có của mình hơn là tìm ra điều gì đó khác biệt, bởi những lĩnh vực chúng ta đang tập trung đều rất quan trọng với cả Việt Nam và Australia. Do đó, chúng ta nên tiếp tục phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi năng lượng công bằng, sử dụng công nghệ sạch và bền vững. Điều đó cũng sẽ bao gồm trí tuệ nhân tạo mà chúng ta thấy hôm nay.
Theo ông, Chính phủ Việt Nam nên làm gì để thu hút các doanh nghiệp Australia tham gia các hoạt động đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong thời gian tới?
Ông Andrew Goledzinowski: Tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam thực sự đang đi đầu về vấn đề này. Như tôi đã nói, khi nhận chức đại sứ tại Việt Nam hồi cuối năm 2022, hội nghị quan trọng đầu tiên tôi tham dự là Ngày hội trí tuệ nhân tạo AI4VN do Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt chủ trì. Và cũng trong ngày hôm đó, tôi tham dự cuộc họp thứ hai về hợp tác giữa Úc và Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, bàn về cách thương mại hóa các kết quả đổi mới sáng tạo và khoa học.
Vì vậy, ngay từ những ngày đầu tiên tại Việt Nam, tôi đã hiểu rằng Chính phủ của các bạn đang ưu tiên cho điều này. Tôi không nghĩ sẽ có vấn đề gì ở đây. Tất nhiên việc thực hiện là không dễ dàng, hành trình đổi mới sáng tạo cũng không hề dễ dàng. Nó đòi hỏi phải cải cách, phải thay đổi cách chính phủ hỗ trợ kinh doanh, và trong một số trường hợp, phải tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, cố gắng giảm bớt gánh nặng pháp lý cũng như sự phức tạp của doanh nghiệp khi gia nhập thị trường và tham gia vào những rủi ro thương mại. Nhưng phía Việt Nam biết điều đó và tôi nghĩ họ đang giải quyết chúng. Do vậy, bản thân tôi rất lạc quan.
Bên cạnh chương trình Aus4Innovation sẽ kéo dài năm năm, Chính phủ Australia còn có những hoạt động gì có thể hỗ trợ cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam?
Ông Andrew Goledzinowski: Trong mấy ngày nay, tôi đã được hỏi khá nhiều lần là “Liệu sự hiện diện của CSIRO trong đại sứ quán Australia ở Việt Nam sẽ là tạm thời hay lâu dài?” Câu trả lời là lâu dài. Có nghĩa là sự hiện diện khoa học của chúng tôi ở Việt Nam sẽ vượt ra ngoài năm năm tới, vì đổi mới sáng tạo là không bao giờ dừng lại.
12 dự án được tài trợ trong chương trình Aus4Innovation giai đoạn 2018-2022
1. UTS RAPIDO: Hệ thống nước áp dụng công nghệ 4.0 nhằm xây dựng các cộng đồng bền vững tại đồng bằng sông Hồng và Phú Yên (997.000 AUD). Thực hiện: Đại học Công nghệ Sydney và Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
2. SEA CUCUMBER: Đẩy mạnh năng suất nuôi hải sâm giá trị cao bằng công nghệ hormone (285.000 AUD). Thực hiện: Đại học Sunshine Coast và Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III.
3. VIETRAD: Cải thiện việc chẩn đoán ung thư vú tại Việt Nam bằng trí tuệ nhân tạo (346.140 AUD). Thực hiện: Đại học Sydney và Viện Chiến lược & Chính Sách Y tế Quốc Gia (NHSPI)
4. ACC-AGRITECH: Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp nhằm thu hút đầu tư, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất trong ngành nông nghiệp và thực phẩm ở Việt Nam (386.500 AUD). Thực hiện: Công ty Beanstalk Agtech Pty Ltd và Công ty TNHH Thách thức Sáng tạo MBI
5. COOLCHAIN: Chuỗi cung ứng lạnh cho các sản phẩm rau củ từ Sơn La đến thị trường ở các đô thị (298.985 AUD). Thực hiện: Công ty Applied Horticultural Research Pty Ltd và Công ty TNHH Fresh Studio Innovation Asia.
6. CATFISH: Công nghệ sản xuất các sản phẩm giá trị cao từ phụ phẩm cá tra (478.824 AUD). Thực hiện: Đại học Western Sydney và Trung tâm Công nghệ thức ăn và sau thu hoạch thủy sản thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II.
7. IOT FLOOD: Hệ thống cảm biến theo dõi ngập lụt tại TPHCM (400.000 AUD). Thực hiện: Đại học Griffith và Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao TPHCM.
8. AQUAM: Hệ thống quan trắc môi trường trong rừng ngập mặn phục vụ nuôi trồng thủy sản tại rừng ngập mặn ở Cà Mau (500.623 AUD). Thực hiện: Đại học Queensland và Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển Đồng Xanh (GFD)
9. TELEHEALTH: Ứng dụng thực tế tăng cường để cải thiện việc khám chữa bệnh từ xa cho người bệnh nông thôn, áp dụng tại 8 bệnh viện ở Yên Bái (387.245 AUD). Thực hiện: Đại học Tasmania và Bệnh viện Bạch Mai.
10. SMART EYE: Giải pháp đánh giá sức khỏe cây mía bằng máy bay không người lái và trí tuệ nhân tạo, áp dụng tại công ty mía đường Lam Sơn (300.000 AUD). Thực hiện: Đại học Wollongong và Công ty công nghệ VIGREEN.
11. RESCUE: Ứng dụng công nghệ AI và IOT trong quản lý công tác ứng phó với thảm họa và tìm kiếm cứu nạn ở Việt Nam (440.000 AUD). Thực hiện: Đại học Công nghệ Sydney và Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn.
12. TRAM CHIM: Ứng dụng AI/IoT trong quản lý môi trường tại Vườn Quốc gia Tràm Chim (250.000 AUD). Thực hiện: Đại học Wollongong và Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh.
|
Nhân nói đến CSIRO. Là một trong những cơ quan hàng đầu trong việc hỗ trợ đầu tư đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, cơ quan ông có những định hướng nào để đồng hành cũng khoa học và công nghệ Việt Nam?
Ông Jonathan Law, Giám đốc điều hành phụ trách tăng trưởng của CSIRO: Khi chúng tôi nghĩ về các tác động từ khoa học, chúng tôi thực sự nghĩ đến Australia cộng những nước láng giềng gần gũi. Vì vậy, Việt Nam rất quan trọng trong kế hoạch khoa học và công nghệ tương lai của Australia.
Tất nhiên, vì chúng ta sống trong cùng một khu vực, chúng ta sẽ chia sẻ nhiều thách thức giống nhau. Do đó, các chương trình tương lai sẽ đặc biệt tập trung vào những cơ hội quan trọng với hai nước, nơi cả hai đều có thể phát huy thế mạnh của mình.
Ở đây, tôi đang nghĩ đến những thứ liên quan đến quá trình chuyển đổi năng lượng và năng lượng tái tạo, những vấn đề về biến đổi khí hậu và tác động của chúng tới mỗi quốc gia, ví dụ như lượng mưa gia tăng ở khu vực sông Me Kong. Hay bài toán phát triển nông nghiệp và thực phẩm từ quan điểm về an ninh lương thực mà thông qua chương trình hợp tác, chúng ta có thể tập hợp được một loạt công nghệ để nâng cao năng suất và an toàn sinh học cho các sản phẩm của Việt Nam.
Buổi triển lãm hôm nay là dấu ấn của năm năm làm việc cùng nhau trong chương trình Aus4Innovation giai đoạn 2018- 2022. Tôi rất vui khi thấy những giải pháp công nghệ đã được cùng phát triển giữa hai nước, giữa CSIRO và các trường đại học của Australia với các đối tác Việt Nam.
Một trong những điều thú vị nhất là xem người dân Việt Nam được hưởng lợi như thế nào từ các nghiên cứu. Điều này đã được chứng minh. Mỗi công nghệ trong các dự án được tài trợ đều có ứng dụng trực tiếp và thực sự quan trọng đối với tương lai của Việt Nam. Tôi hy vọng những hợp tác tương lai của CSIRO ở Việt Nam cũng sẽ đạt được kết quả như vậy.
Làm khoa học đổi mới sáng tạo thành công đã khó, nhưng việc kết nối cung-cầu, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học để có thể ứng dụng các thành tựu đổi mới đó vào cuộc sống còn khó hơn. Kinh nghiệm của Australia trong vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Ông Jonathan Law: Cũng giống như Việt Nam, Australia đã học hỏi từ các nước khác. Chúng tôi đã tìm đến Mỹ và cố gắng học hỏi từ văn hóa của họ. Văn hóa là một phần quan trọng của đổi mới sáng tạo và thương mại hóa. Tôi cảm thấy khích lệ bởi nền văn hóa mà tôi chứng kiến ở Việt Nam. Mọi người ở đây cảm thấy hứng thú với những cơ hội biến khoa học thành những kết quả thú vị cho người dân.
Nhưng có một số việc thực tiễn mà chúng ta có thể làm. Một là đảm bảo rằng khuôn khổ thương mại và luật pháp phù hợp, đồng thời khuyến khích mọi người đầu tư vào khoa học và công nghệ.
Hai là phải suy nghĩ về kết quả của khoa học ngay từ đầu để khi bắt đầu nghiên cứu khoa học cơ bản, bạn luôn có mục tiêu cuối cùng là phát triển được các sản phẩm hoạt động trên thị trường. Vì vậy, phải đảm bảo rằng bạn đầu tư vào toàn bộ chuỗi khoa học cơ bản, thông qua các sản phẩm mẫu để có thể tiếp cận thị trường một cách trực tiếp.
Và thứ ba, tôi muốn nói rằng điều rất quan trọng là phải có các chương trình giáo dục và đào tạo phù hợp cho mọi người, ví dụ như các chương trình tăng tốc khởi nghiệp (accelerator) và chương trình tài trợ (funding) có khả năng tìm ra những công nghệ quan trọng và cung cấp một hệ sinh thái xoay quanh mỗi doanh nghiệp riêng lẻ để giúp họ thành công trên thị trường.
Vậy lui về thực tại, ấn tượng đầu tiên của ông về tình hình phát triển khoa học công nghệ và thương mại hóa của Việt Nam hiện nay như thế nào?
Ông Jonathan Law: Rất tích cực. Hôm trước tôi đã đến khu công nghệ cao Sài Gòn và thấy một số công ty tuyệt vời đang triển khai ở Việt Nam cũng như một số công nghệ thú vị đang được Việt Nam phát triển. Chúng đem lại những tác động thực sự cho người dân.
Tôi cũng rất ngạc nhiên về mức độ tiên tiến của Việt Nam về mặt tư duy thương mại. Các bạn đã có những chương trình giúp công nghệ chuyển sang trạng thái sẵn sàng thương mại và sau đó là thương mại hóa. Vì vậy, tôi nghĩ nền tảng ở Việt Nam rất vững chắc.
Nhưng điều tôi muốn nói là quy mô của chúng còn khiêm tốn so với Australia. Ở Australia, chúng tôi có sẵn nhiều nguồn lực, và vì vậy nỗ lực tổng thể cũng lớn hơn khá nhiều. Tôi nghĩ, khi các bạn có một nền tảng nhỏ nhưng vững chắc và cơ hội đã sẵn sàng để phát triển thì các bạn sẽ sớm thành công thôi. Chúng tôi rất mong được giúp đỡ Việt Nam trên hành trình đó.
Cảm ơn hai ông đã chia sẻ.
THÚC ĐẨY ĐỔI MỚI SÁNG TẠO MỘT CÁCH BÀI BẢN VÀ TOÀN DIỆN Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy
Với sự phối hợp của Australia, chúng tôi đã tổ chức triển khai các nội dung, đi từ những công việc rất vĩ mô – như xây dựng báo cáo tương lai kinh tế số Việt Nam để mở đầu cho Chiến lược phát triển về kinh tế số Việt Nam, Chiến lược phát triển trí tuệ nhân tạo tới năm 2030, cùng nhiều chiến lược khác; đến những công việc ở tầm trung – như kết nối các câu lạc bộ đổi mới sáng tạo và xây dựng sổ tay hướng dẫn thương mại hóa cho Viện nghiên cứu, trường Đại học; và hoạt động cụ thể ở tầm vi mô – như tài trợ trực tiếp cho các dự án đổi mới sáng tạo kết hợp giữa đối tác của Việt Nam và Australia.
Những dự án cụ thể này chính là minh chứng xem liệu các chiến lược vĩ mô ở phía trên có thực sự hiệu quả hay không. Bằng cách làm như vậy, Bộ KH&CN cùng nhiều nguồn lực khác của Chính phủ có thể phát triển được hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia một cách bài bản và toàn diện.
Trong giai đoạn hai của chương trình Aus4Innovation, Bộ KH&CN sẽ tập trung vào đẩy mạnh hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, và góp phần hoàn thiện các hành lang pháp lý như Luật KHCN để bao hàm những nội hàm mới liên quan đến đổi mới sáng tạo và quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo.
Việt Nam đã học được các bài học của Australia trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu và thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở nhiều cấp độ khác nhau. Chẳng hạn, chúng ta đã tạo ra được những sổ tay hướng dẫn và một platform để bất kì người dân, doanh nghiệp hoặc nhà nghiên cứu nào sử dụng công cụ là có thể nhanh chóng lập được một kế hoạch thương mại hóa.
Việt Nam cũng có thể học hỏi Australia trong việc phát triển những công nghệ mới, ví dụ như trí tuệ nhân tạo (AI). Là một nước đi trước, các chuyên gia của Australia không chỉ giúp chúng ta những bài học về nghiên cứu phát triển và đưa AI vào cuộc sống mà còn rất nhiều vấn đề pháp lý, đạo đức, quy định liên quan đến triển khai ứng dụng AI một cách có trách nhiệm.
Có thể nói, thông qua việc hợp tác song phương chặt chẽ, chúng ta có thể được chuyển giao những tri thức và công nghệ mới nhất để góp phần tạo nên tác động tích cực cho đời sống kinh tế-xã hội của đất nước.
|