Sau nhiều năm nhận các khoản tài trợ của chính phủ để vươn lên đẳng cấp quốc tế, cùng trong tháng 5 này, ba trường đại học lớn của Trung Quốc - Đại học Nhân dân Trung Hoa, Đại học Nam Kinh, và Đại học Lan Châu - quyết định dừng tham gia các hệ thống xếp hạng ở nước ngoài.
Đại học Nam Kinh từng đạt thứ hạng tốt nhất là 101 ở bảng xếp hạng ARWU của Tổ chức Tư vấn Xếp hạng Thượng Hải và 111 ở bảng xếp hạng của Times Higher Education (THE), trong khi 2 cơ sở còn lại thường nằm trong khoảng từ 300 đến 800 ở các bảng xếp hạng khác nhau. Trong công bố mới nhất của bảng xếp hạng QS, Đại học Nam Kinh xếp thứ 131, Đại học Nhân dân Trung Hoa thuộc nhóm 600-650, còn Đại học Lan Châu thuộc nhóm 750-800.
Đại học Nhân dân Trung Hoa - được coi là lá cờ đầu về giảng dạy và nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn - thông báo dừng tham gia tất cả các bảng xếp hạng quốc tế sớm nhất, vào ngày 9/5. Trước đó, vào ngày 26/4, Chủ tịch Tập Cận Bình có bài phát biểu đáng chú ý tại ngôi trường này, trong đó có đoạn nhấn mạnh, “Chúng ta không nên mù quáng theo đuổi hay sao chép các tiêu chuẩn và mẫu hình từ nước ngoài khi xây dựng các trường đại học đẳng cấp thế giới. Thay vào đó, chúng ta phải tiến hành dựa trên thực tế quốc gia và mở ra con đường mới để phát triển các trường đại học đẳng cấp thế giới mang đặc điểm độc đáo của Trung Quốc và dựa trên các điều kiện xã hội Trung Quốc.”
Đại học Nhân dân Trung Hoa, cơ sở đầu tiên tuyên bố ngừng tham gia tất cả các hệ thống xếp hạng đại học quốc tế. Nguồn: istudyinchina.org
Giáo dục đại học Trung Quốc và mục tiêu đẳng cấp thế giới
Từ những năm 1990, chính phủ Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều tiền vào Dự án 211 và Dự án 985 - hai dự án lớn nhằm thúc đẩy các cơ sở giáo dục đại học vươn lên tầm thế giới. Dự án 211 bao gồm 112 trường, và Dự án 985 bao gồm 39 trường được coi là tinh hoa hơn - ba trường vừa tuyên bố rút khỏi các hệ thống xếp hạng quốc tế đều nằm trong dự án này. Trong giai đoạn từ năm 2009 đến 2013, các trường đại học thuộc Dự án 211 nhận tới 70% ngân sách cho giáo dục đại học được giải ngân từ tất cả các cấp chính quyền, mặc dù chỉ chiếm 14,3% tổng số trường đại học ở Trung Quốc. Các trường thuộc Dự án 985 thậm chí còn nhận được sự quan tâm đặc biệt hơn - chỉ riêng năm 2014, Đại học Thanh Hoa được cấp 17,5 tỉ nhân dân tệ (tương đương khoảng 2,6 tỉ USD), Đại học Chiết Giang được cấp 15,6 tỉ nhân dân tệ (2,3 tỉ USD) và Đại học Bắc Kinh được cấp 12,8 tỉ nhân dân tệ (1,9 tỉ USD) tài trợ thông qua Dự án. Năm 2015, Dự án Double World Class tiếp tục nối dài sự quan tâm của chính phủ Trung Quốc cho mục tiêu đẳng cấp quốc tế khi được tuyên bố là kết hợp và kế thừa hai dự án kể trên.Trong các bảng xếp hạng mới nhất công bố năm nay, Trung Quốc có 5 trường vào top 100 trên cả 3 bảng xếp hạng của THE, ARWU và QS.
Báo cáo công bố năm 2021 của THE cho thấy những trường đại học top đầu Trung Quốc vượt lên các cơ sở của các quốc gia khác ở chỉ số về thu nhập của giảng viên, cụ thể là thu nhập từ ngành công nghiệp và thu nhập từ nghiên cứu. Cùng với đó, các chỉ số về năng suất nghiên cứu (số công bố trên giảng viên, số bằng tiến sĩ được trao, chỉ số tác động trích dẫn citation impact…) tăng trưởng rất nhanh. Tuy vậy, các trường top đầu của quốc gia này vẫn có khoảng cách đáng kể với các trường đại học quốc tế - xét về danh tiếng giảng dạy và nghiên cứu, tỉ lệ sinh viên quốc tế và đáng chú ý nhất là tỉ lệ đồng tác giả nghiên cứu quốc tế.
Xiong Bingqi, Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21 ở Bắc Kinh, nhận định, trong khi các trường đại học Trung Quốc đã có bước tiến đều đặn trong các bảng xếp hạng ở nước ngoài những năm gần đây, ảnh hưởng toàn cầu và sức hấp dẫn của họ đối với những sinh viên quốc tế hàng đầu không được cải thiện nhiều, vì việc leo lên xếp hạng chủ yếu đến từ số lượng công bố quốc tế.
Tham vọng xây dựng sân chơi riêng
Theo Ryan Allen, phó giáo sư tại Đại học Chapman (California, Mỹ), nhà nghiên cứu về xếp hạng đại học Trung Quốc, thông báo rút khỏi các bảng xếp hạng quốc tế của ba trường đại học cho thấy chính phủ Trung Quốc ngày càng tự tin rằng các trường đại học hàng đầu của mình đã bắt kịp các trường đại học hàng đầu ở phương Tây, vì thế đã đến lúc thực hiện bước tiếp theo: triển khai những kế hoạch riêng. Allen cũng cho rằng đại dịch COVID đã đẩy nhanh thêm tiến trình này.
Simon Margison, giáo sư giáo dục đại học tại Đại học Oxford, cho rằng quyết định rút khỏi của ba trường đại học cùng với việc hủy bỏ kỳ thi AP (Advanced Placement)1 mới đây của Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy các tiêu chuẩn quốc tế đã trở nên bớt quan trọng trong mắt chính phủ nước này. Tuy vậy, theo ông, cần cẩn trọng trong việc đánh giá các sự kiện đó, bởi nó có thể được diễn giải theo nhiều cách khác nhau. “Một là Trung Quốc đang hướng vào bên trong. Hai là chúng ta đang chứng kiến những dấu hiệu cho thấy một số quốc gia không còn quá chào đón sinh viên Trung Quốc (do căng thẳng địa chính trị). Ba là việc sử dụng các đối sánh quốc tế không còn mang tính chiến lược như trước đây, bởi vì trong những lĩnh vực quan trọng của các trường đại học thiên hướng khoa học và công nghệ, Trung Quốc giờ đã ‘bắt kịp’ châu Âu và Bắc Mỹ.”
Futao Huang, giáo sư tại Viện nghiên cứu Giáo dục đại học tại Đại học Hiroshima, nhận định, những động thái này của Trung Quốc dường như là để chống lại việc Tây hóa hay Mỹ hóa chương trình học khoa học và công nghệ. Mặc dù vậy, ông dự đoán Trung Quốc sẽ vẫn mở cửa cho các trao đổi học thuật quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. “Chính phủ Trung Quốc biết rõ sẽ được lợi nhiều hơn nếu hợp tác với các quốc gia phát triển ở châu Âu. Tôi không nghĩ rằng chính phủ Trung Quốc sẽ phát triển hay thực thi những chiến lược chặn hoàn toàn các trao đổi học thuật và văn hóa với các quốc gia phát triển phương Tây bởi cuối cùng nó sẽ gây bất lợi cho các mục tiêu đầy tham vọng của Trung Quốc trong phát triển giáo dục đại học, nghiên cứu và sinh viên.”
Chu Zhaohui, nhà nghiên cứu tại Viện Quốc gia về Khoa học giáo dục - cơ sở tập trung về nghiên cứu của Bộ Giáo dục Trung Quốc - thì nhấn mạnh, “Các trường đại học ở Trung Quốc có ý tưởng về giáo dục khác với các cơ sở nước ngoài. Các tiêu chuẩn đánh giá [quốc tế] chỉ có thể cung cấp một phạm vi và khuôn khổ sơ bộ, bởi vì các trường đại học hàng đầu khác nhau có các hiệu suất khác nhau.” Ông Chu cho rằng các bảng xếp hạng có sức ảnh hưởng đều thuộc sở hữu của các tổ chức tư nhân nước ngoài hoặc các công ty truyền thông không quen thuộc với môi trường giáo dục đại học Trung Quốc. Ông cũng bày tỏ quan ngại hầu hết các đánh giá đều có các chỉ số và phương pháp luận phức tạp, khiến những người không nghiên cứu lĩnh vực giáo dục đại học dễ hiểu sai về kết quả xếp hạng.
Hamish Coates, giám đốc bộ phận nghiên cứu giáo dục đại học tại Đại học Thanh Hoa, cho rằng nhiều khía cạnh cần được xem xét khi đánh giá chất lượng, bao gồm môi trường học tập và giảng dạy, công bằng, đóng góp xã hội, tỉ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp và sự tham gia vào các ngành công nghiệp. Đặc biệt, nghiên cứu không nên chỉ được đo lường bằng các ấn phẩm, bằng sáng chế và tiền bạc mà còn phải nhìn vào “tác động cụ thể”. “Đánh giá hiệu suất lý tưởng phải kể một câu chuyện đơn giản và hấp dẫn về những gì một trường đại học cụ thể có thể làm để tăng giá trị cho một cộng đồng cụ thể. Tất nhiên, công việc này rất phức tạp, đòi hỏi sự đổi mới liên tục,” ông phân tích và nói thêm rằng sự thay đổi của ba trường vừa rút khỏi các hệ thống xếp hạng quốc tế là dấu hiệu cho thấy giáo dục đại học Trung Quốc đang bắt đầu chuyển mình theo định hướng này.
Phản ứng của các cơ quan xếp hạng
Nếu động thái của ba trường đại học trở thành một làn sóng rút khỏi các bảng xếp hạng, các cơ quan cung cấp dịch vụ này sẽ phải lo lắng, bởi các dịch vụ tư vấn để nâng cao chất lượng và thứ hạng đại học đem lại nguồn thu quan trọng cho họ. Gerard Postiglione, giáo sư tại Đại học Hồng Kông, nhận định, nếu như Đại học Thanh Hoa hay Bắc Kinh, những cơ sở hiện đang nằm trong top 20 bảng xếp hạng của THE và QS, cũng dừng việc tham gia các bảng xếp hạng đại học, “nó sẽ là một trận động đất.”
THE nói rằng họ vẫn đang trao đổi với Đại học Nhân dân Trung Hoa, còn Đại học Lan Châu thì chưa bao giờ có mặt trong xếp hạng của họ. Tổ chức này cũng thông báo Đại học Nam Kinh vẫn gửi các dữ liệu của năm nay và có mặt trong bảng xếp hạng sẽ được công bố vào tháng 10 tới.
Simona Bizzozero, giám đốc truyền thông của QS, nói với University World News rằng “Chúng tôi đánh giá cao và để tâm tới mối quan hệ với tất cả các trường đại học được xếp hạng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm hoi khi trường đại học quyết định không cung cấp cho chúng tôi dữ liệu mà chúng tôi yêu cầu, chúng tôi sẽ sử dụng các nguồn đáng tin cậy khác”.
Đối với bảng xếp hạng của QS, chỉ một số thông tin nhất định là cần được cung cấp trực tiếp bởi các tổ chức, bao gồm tỷ lệ giảng viên trên sinh viên (20% tổng điểm QS), tỷ lệ sinh viên quốc tế (5% tổng điểm) và phần trăm giảng viên quốc tế (5% tổng điểm). Theo Bizzozero, những thông tin này thường có sẵn trên trang web của các trường đại học hoặc dễ dàng thu thập từ các nguồn đáng tin cậy khác.
Ngoài ra, những dữ liệu còn lại sẽ được QS thu thập từ Khảo sát Học thuật Toàn cầu (Global Academic Survey), Khảo sát Nhà tuyển dụng Toàn cầu (Global Employer Survey), Khảo sát Danh tiếng Nhà tuyển dụng Toàn cầu (Employer Reputation Survey) và dữ liệu từ Scopus/Elsevier.
Tài liệu tham khảo
Shattock, M. (2016). The “world class” university and international ranking systems: what are the policy implications for governments and institutions? Policy Reviews in Higher Education, 1(1), 4–21. doi:10.1080/23322969.2016.1236669
(1) AP: Kỳ thi thay thế cho kỳ thi Tú tài Quốc tế. Kết quả của kỳ thi được nhiều trường đại học trên thế giới công nhận và là một yếu tố quan trọng để xét tuyển vào đại học, đặc biệt là ở các trường ở Mỹ và Tây Âu.