Trong một cuộc khảo sát online của YouGov gần đây trên 3.500 người Anh về mức độ tin tưởng của họ đối với hàng hóa trong nước và nhập khẩu, các nhà nghiên cứu nhận thấy thực phẩm nội địa được tin cậy nhiều hơn (84% tin tưởng).

Điều này đặc biệt đúng khi so với thực phẩm nhập khẩu từ Mỹ (25%) hoặc Trung Quốc (11%), nơi mức độ tin tưởng cực kỳ thấp.

Một nửa số người được khảo sát đề cập đến lý do họ tin tưởng thực phẩm nội địa là bởi việc áp dụng các tiêu chuẩn và quy định cao về thực phẩm. Họ cũng cảm thấy những hệ thống kiểm tra, chứng nhận độc lập như British Lion và Red Tractor đóng vai trò lớn trong việc đảm bảo thực phẩm là an toàn và có chất lượng tốt.

Tuy nhiên, niềm tin vào chất lượng thực phẩm lại không đồng đều ở những lĩnh vực khác nhau. Christine Tacon, giám đốc của Red Tractor, nhận xét rằng tại lĩnh vực đồ ăn mang đi hoặc kinh doanh dịch vụ thực phẩm, những nơi mà các tiêu chuẩn và chương trình đánh giá ít được người tiêu dùng nhìn thấy hơn thì mức độ tin tưởng thấp hơn rất nhiều. “Điều đó cho chúng ta biết rằng chúng ta cần tập trung nhiều hơn vào những khu vực này, đảm bảo rằng những thực phẩm có tiêu chuẩn kém và khả năng truy xuất nguồn gốc thấp không len lỏi được qua cửa sau”, Tacon nhấn mạnh.

Khi nhu cầu minh bạch thông tin tăng lên, việc quét mã QR trong siêu thị có thể trở nên phổ biến.
Ảnh: Istock

Minh bạch trở nên quan trọng hơn

Theo Paul Williams, quản lý cấp cao của công ty thực phẩm và đồ uống quốc tế Princes, minh bạch sẽ trở thành từ khóa quan trọng. Ông ví nó như một nhà hàng ăn uống có cửa sổ nhỏ cho khách nhìn vào phòng bếp xem mọi người đang nấu nướng thế nào: “Nếu bạn không có gì để che giấu, tại sao bạn không lắp một cửa sổ như vậy? Khách hàng có thể không cần phải nhìn chằm chằm vào căn bếp nhưng họ có thể làm như vậy nếu muốn. Minh bạch chính là đem lại cho người tiêu dùng một lựa chọn như vậy”.

Dù có ý nghĩa khác nhau đối với từng doanh nghiệp, nhưng ý tưởng chung của minh bạch là việc “sẵn sàng chia sẻ thông tin” với nhau. Williams thừa nhận rằng việc minh bạch hoàn toàn là điều rất mới và doanh nghiệp cần thời gian để thích nghi. “Trong 10 năm làm việc ở Princes, chúng tôi chưa bao giờ xem xét đến việc chủ động chia sẻ chi tiết về chuỗi cung ứng của mình với công chúng. Tất nhiên, chúng tôi cũng đã đưa ra một mức độ minh bạch nhất định, nhưng giờ đây, chúng tôi phải chủ động chia sẻ thông tin nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng”, ông giải thích.

Princes đã cung cấp mã QR trên bao bì để người tiêu dùng có thể quét dễ dàng. Nó sử dụng công nghệ blockchain và cung cấp thông tin chi tiết không chỉ về nguồn gốc của các sản phẩm mà còn về tác động của các sản phẩm đó đối với môi trường và người lao động. Họ cũng đang hợp tác với Provenance, một nhà cung cấp phần mềm cho việc minh bạch chuỗi cung ứng để xác thực những tuyên bố mà doanh nghiệp đưa ra trên sản phẩm.

Williams cảm thấy việc có một bên thứ ba xác nhận là điều thực sự quan trọng, vì trong quá khứ đã có trường hợp những công ty nói dối về sản phẩm của mình. Ông lo ngại công ty của mình sẽ bị ngươi tiêu dùng tẩy chay nếu dính dáng đến những mối làm ăn như vậy.

Không có định nghĩa pháp lý rõ ràng về minh bạch, mặc dù luật pháp mỗi nước đều có những quy định về yêu cầu bắt buộc đối với công ty thực phẩm/đồ uống, gắn với tính minh bạch. Ở Anh, các doanh nghiệp phải báo cáo tiến trình để xác định và giải quyết những rủi ro “nô lệ kiểu mới” trong hoạt động của mình; trong khi ở Mỹ, Đạo luật chuỗi cung ứng của bang California cũng đặt ra yêu cầu tương tự với các doanh nghiệp.

“Làm thế nào để xác định được các yêu cầu cho việc minh bạch?” Larry Lichter, Chủ tịch Hiệp hội thương mại gia vị Mỹ đặt câu hỏi. Ông chỉ ra rằng “minh bạch” là một không gian mới mà những nhà quản lý phải xem xét, thăm dò. “Nếu quy định quá mức và quá chi tiết, việc triển khai sẽ trở nên khó khăn hơn là để mọi thứ tự phát triển và cho phép người ta chủ động đưa ra những lựa chọn nhằm tận dụng công nghệ và sự thấu hiểu về ngành”, Lichter nhận xét.

Trong bối cảnh ngày nay, minh bạch không chỉ là về nguồn gốc và tính xác thực của một tuyên bố. Nó còn bao hàm rộng hơn về văn hóa an toàn thực phẩm và những giá trị khác như tiêu chuẩn đạo đức, bền vững với môi trường và phúc lợi cho người nông dân.

Sự hữu dụng và vô dụng của công nghệ

Blockchain chắc chắn sẽ là một công nghệ nổi bật của ngành thực phẩm để giúp các doanh nghiệp đáp ứng những yêu cầu về minh bạch. Theo công ty Juniper Research, công nghệ blockchain sẽ cho phép tiết kiệm tới 31 tỷ USD gian lận thực phẩm trên toàn cầu trong vòng ba năm tới.

Ngày nay, người ta cũng áp dụng thêm một số công cụ công nghệ khác để tạo ra một lượng lớn dữ liệu trong chuỗi cung ứng nhằm cải thiện tính minh bạch tổng thể của ngành, bao gồm IoT, giám sát điện tử (EM), giám sát vệ tinh, lấy mẫu DNA, kỹ thuật đồng vị bền…

Tuy nhiên, sự gia tăng công nghệ này cũng có một hạn chế: cho dù nó thu thập bao nhiêu dữ liệu cho mục đích truy xuất nguồn gốc, làm tăng khả năng truy cập và tốc độ hiển thị dữ liệu bao nhiêu lần, thì “nó không cho bạn biết phải làm gì với [dữ liệu]; nó không buộc bạn phải áp dụng nó,” theo Marah Hardt, giám đốc khám phá của tổ chức phi lợi nhuận Future of Fish chuyên hỗ trợ ngư nghiệp nhỏ.

Để dữ liệu “sống” được và hữu dụng, Hardt cho rằng cần phải quan tâm hơn đến người làm ra sản phẩm, ví dụ trong lĩnh vực hải sản là ngư dân. Có một thực tế là ngư dân thường bị loại khỏi việc truy cập dữ liệu thu thập được về chính họ và ngành công nghiệp. Vì vậy, họ thường lo ngại rằng chính phủ sẽ sử dụng dữ liệu đánh bắt cá để đóng cửa nghề cá hoặc áp đặt các hạn chế, do đó có xu hướng kháng cự lại việc áp dụng các công nghệ cung cấp dữ liệu.

Từ kinh nghiệm làm việc với những nhà cung cấp công nghệ để điều chỉnh công nghệ hiện có nhằm phù hợp với bối cảnh địa phương ở từng quốc gia, Lugo-Mulligan ở Future of Fish nói rằng cách tiếp cận bền vững là đồng thiết kế các hệ thống truy xuất nguồn gốc với những người sử dụng chúng, đặc biệt là các ngư dân. Điều này sẽ cho phép họ có tiếng nói trong quá trình xây dựng hệ thống, có nhiều quyền quản lý hơn đối với công nghệ và đảm bảo rằng công nghệ phục vụ nhu cầu của họ.

Đồng thiết kế cũng giúp tạo ra bức tranh chân thực hơn. Nó sẽ tránh được việc đưa những công nghệ phức tạp nhất trở thành tiêu chuẩn vàng của ngành trong khi chúng có thể chỉ phù hợp với một vài cơ sở kinh doanh. Đối với một số công ty, những công nghệ như blockchain có thể là chiếc xe Ferrari, tuy nhiên họ chỉ cần một chiếc xe máy. Mulligan bảo rằng chúng ta phải làm sao để tránh cho những doanh nghiệp cảm thấy rằng họ không thể đặt bước đi đầu tiên vì thấy mục tiêu cuối cùng là không thể với tới.

Nguồn: newfoodmagazine, beincrypto, chinadialogueocean