Quá nhiều người do dự không tiêm vaccine sẽ tạo điều kiện cho các biến thể SARS-CoV-2 mới phát triển.

Việc người dân do dự không tiêm vaccine COVID-19 từ lâu đã là vấn đề ở các quốc gia thu nhập cao và trung bình. Ở các quốc gia nghèo nhất thế giới, từ trước đến nay, thiếu vaccine luôn là vấn đề lớn hơn nhiều. Nhưng giờ đây, các nhà nghiên cứu nói rằng khi nguồn cung vaccine bắt đầu dồi dào hơn, tình trạng "do dự vaccine" cũng đang nổi lên ở các quốc gia này.

Mối lo ngại lớn nhất là nếu không tiêm chủng liên tục trên khắp thế giới thì nguy cơ xuất hiện các biến thể mới càng cao. “Khi virus lây lan trong cộng đồng là lúc các biến thể sẽ xuất hiện," Jeffrey Lazarus, nhà nghiên cứu sức khỏe toàn cầu tại Viện Y tế Toàn cầu Barcelona, ​​Tây Ban Nha, cho biết. "Do đó, cần giải quyết sự do dự của người dân đối với vaccine, hạn chế virus lây lan và ngăn chặn các trường hợp nhập viện và tử vong."

Do dự tiêm vaccine khiến cho tiến trình tiêm vaccine đang chậm lại ở một số quốc gia bao gồm Nam Phi, Tanzania, Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), Papua New Guinea và Nepal - đều là các nước nơi phần lớn dân số chưa được tiêm chủng.

Một liều vaccine COVID-19 được tiêm ở Kathmandu, Nepal.

Nguồn cung vaccine không phải vấn đề

Tính đến cuối tháng 10, vấn đề ở nhiều quốc gia châu Phi vẫn là "không có đủ vaccine”, Salim Abdool Karim, Giám đốc Trung tâm Chương trình nghiên cứu AIDS tại Nam Phi (CAPRISA) ở Durban, cho biết, "nhưng hiện tại chúng tôi đã có đủ lượng vaccine ở hầu hết các quốc gia". Và theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi, cho đến nay châu lục này mới chỉ sử dụng 64% lượng vaccine được cấp.

Ví dụ, ở Nam Phi hiện nay, số liều vaccine tiêm mỗi tuần chỉ bằng 1/4 so với đợt tiêm chủng cao điểm hồi tháng 9/2021. Ở nước này, mới chỉ có 44% số người lớn được tiêm ít nhất một mũi.

DRC hiện cũng sẵn có nhiều loại vaccine, nhưng người dân không hào hứng với việc tiêm chủng, theo Espoir Malembaka, nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, có trụ sở tại Bukavu, DRC. Malembaka tin rằng vấn đề không phải là nguồn vaccine, mà là sự thiếu tin tưởng vào vaccine.

Sự do dự toàn cầu

Đã có các nghiên cứu ước tính mức độ do dự vaccine trên toàn thế giới. Một cuộc khảo sát trên gần 45.000 người từ 12 quốc gia, công bố vào tháng 7/2021 nhưng được tiến hành trước khi thế giới bắt đầu tiêm vaccine COVID-19, cho thấy mức độ do dự ở 10 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp hơn ở Nga và Mỹ. Nhưng các tác giả lưu ý tình hình đã thay đổi trong suốt đại dịch. Ví dụ, ở Nepal, nơi mức do dự thấp nhất (97% người dân chấp nhận vaccine), thì nay tốc độ tiêm chủng đã chậm lại, mặc dù mới chỉ có 40% số người lớn được tiêm một mũi.

Một khảo sát khác với gần 27.000 người ở 32 quốc gia, thực hiện từ tháng 10 đến tháng 12/2020 cho thấy mức độ do dự rất cao ở một số quốc gia đang phát triển. Điển hình, 43% số người được hỏi ở Lebanon nói rằng họ chắc chắn sẽ không tiêm vaccine.

Một khảo sát khác với hơn vài nghìn người ở Papua New Guinea cho thấy mức độ do dự thậm chí còn cao hơn nữa - hơn 80% số người được hỏi không có kế hoạch tiêm chủng hoặc không chắc chắn sẽ tiêm chủng. Đến nay, nước này mới chỉ có 3% dân số được tiêm một mũi

Nguyên nhân và giải pháp

Các nhà nghiên cứu cho biết nguyên nhân lớn nhất đằng sau sự do dự là tính an toàn, đặc biệt là vì vaccine COVID-19 được phát triển và phân phối rất nhanh chóng trên toàn cầu, và các khuyến nghị sử dụng thường xuyên thay đổi.

Niềm tin của người dân vào các chính phủ là một yếu tố liên quan. Cuộc khảo sát ở 32 quốc gia cho thấy nếu người dân có niềm tin rằng chính phủ đang xử lý đại dịch tốt thì họ sẽ thường chấp nhận vaccine hơn.

Tin giả cũng cản trở việc triển khai vaccine ở một số quốc gia đang phát triển.

Đặc biệt cần lưu ý các nguyên nhân theo từng khu vực. Theo Malembaka, ở DRC, nhiều thập kỷ chiến tranh và bùng phát dịch Ebola tàn khốc đã làm giảm lòng tin của người dân vào giới lãnh đạo và các sản phẩm từ phương Tây. Khảo sát của Malembaka, chưa công bố, cũng cho thấy sự do dự có thể đã lan rộng sang cả các loại vaccine COVID-19.

Các nhà nghiên cứu cho biết có nhiều cách để khắc phục tình trạng này.

Trong một khảo sát mới, chưa được công bố, Lazarus và các đồng nghiệp đã phát hiện các yêu cầu bắt buộc - chẳng hạn như yêu cầu tiêm phòng khi di chuyển bằng đường hàng không hoặc khi đến nơi làm việc - có thể giúp thúc đẩy người dân tiêm vaccine. Cụ thể, khảo sát của nhóm Lazarus cho thấy 1/3những người do dự về vaccine COVID-19 cho biết họ sẽ tiêm để đi du lịch quốc tế.

Patrick Mdletshe, người phụ trách các chương trình cộng đồng tại CAPRISA, nói rằng chính phủ Nam Phi nên rút ra bài học từ đại dịch HIV và có các tương tác trực tiếp hơn với các cộng đồng để thuyết phục họ, thay vì sử dụng các chiến dịch truyền thông đại chúng.

Tiêm phòng COVID-19 cũng nên được lồng ghép vào các dịch vụ y tế dễ tiếp cận và vốn quen thuộc với mọi người, theo Mdletshe.

Nguồn: