Bảng tổng kết năm 2021 về việc đầu tư cho R&D cho ngành công nghiệp của châu Âu cho thấy, châu lục này cần đầu tư thêm nhiều hơn nữa vào các công nghệ mới để có thể bắt kịp được Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia thậm chí còn mạnh tay đầu tư hơn nữa trong năm đầu tiên của đại dịch COVID-19.

Lần đầu tiên trong vòng 10 năm, ngay khi đại dịch đến các công ty của châu Âu cắt giảm đầu tư của mình cho R&D xuống 2,2%. Trong khi đó, các công ty của Mỹ và Trung Quốc lại gia tăng đầu tư vào R&D lần lượt lên 9,1% và 18,1%, phần nhiều tiền đổ vào các lĩnh vực như y tế, các sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin.

Huawei, công ty thứ nhì thế giới về đầu tư cho R&D, đã mở nhiều trung tâm nghiên cứu tại châu Âu. Nguồn: huawei.eu

Một châu Âu thụt lùi

Đây là những thông tin rút trích từ Báo cáo đầu tư vào R&D cho công nghệ của châu Âu 2021 (The 2021 EU Industrial R&D Investment Scoreboard). Bản báo cáo này tập trung vào hiệu suất đổi mới sáng tạo của các ngành công nghiệp châu Âu so với các ngành công nghiệp của các quốc gia lớn cũng như toàn cầu. Đồng thời báo cáo cũng cho thấy một cơ sở dữ liệu đầu tư cho R&D mà EU đã thu thập dữ liệu từ các hồ sơ công về 2.500 công ty mẹ và 800.000 công ty con đặt trụ sở ở 39 quốc gia, chiếm 90% tổng số R&D toàn thế giới. Trong năm 2020, mỗi công ty đầu tư ít nhất 36,5 triệu euro cho R&D. Phần lớn tiền bạc đổ vào R&D của toàn cầu tập trung vào việc sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin, y tế, ô tô với 77.4%. Dẫn đầu danh sách 2.500 công ty toàn cầu này có 401 công ty đặt trụ sở ở châu Âu, chiếm khoảng 20%, 779 công ty Mỹ ( chiếm 38%), 597 công ty Trung Quốc (chiếm 16%), 293 công ty Nhật Bản (chiếm 12%) và 430 công ty thuộc những phần còn lại của thế giới (chiếm 14%) - trong đó chủ yếu là Hàn Quốc (60), Thụy Sĩ (57), Anh (105), Đài Loan (86)...

Qua phân tích dữ liệu cho thấy, năm 2020 ghi nhận sự suy giảm ở quy mô toàn cầu về thương mại do đại dịch, thể hiện ở mức bán sản phẩm, lợi nhuận và vốn... Tuy vậy thì mức đầu tư cho R&D toàn thể đã tăng trưởng bền vững trong những lĩnh vực liên quan chặt chẽ đến đại dịch như dịch vụ công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe còn các khoản đầu tư R&D, cụ thể là các ngành liên quan đến vận tải đã bị ảnh hưởng nặng nề do lệnh phong tỏa.

Trong khi châu Âu đổ lỗi cho đại dịch, năm 2020 là năm thứ 11 phần còn lại của thế giới đầu tư cho R&D mạnh tay chi cho nghiên cứu. Các công ty có mặt trong báo cáo phân tích của EU đã dành 908,9 tỉ euro cho R&D, tăng 6% so với năm 2019.

Bà Maryia Gabriel, ủy viên hội đồng châu Âu phụ trách nghiên cứu cho rằng, EU và các quốc gia thành viên cần chú ý nâng đầu tư vào các công nghệ xanh, các sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin mới, và các đổi mới sáng tạo công nghệ mang tính đột phá. “Bảng tổng kết đầu tư cho R&D này chứng tỏ một cách rõ ràng chúng ta cần đầu tư và cần thúc đẩy đầu tư”, bà nói.

Các công ty có trụ sở tại châu Âu đặt rất nhiều kỳ vọng vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và công nghệ thông tin với việc rót tiền cho R&D trong những lĩnh vực này lên tới 10,3% và 7,2%. Tuy nhiên đáng chú ý là họ đã chậm chân hơn Mỹ và Trung Quốc. Trong số các công ty của châu Âu, Volkswagen là doanh nghiệp duy nhất lọt vao top 10 đầu tư vào R&D của lĩnh vực tư khi xếp hạng bảy. Nhà sản xuất ô tô của Đức và gã khổng lồ ngành dược có trụ sở ở Thụy Sĩ Roche là hai công ty châu Âu duy nhất lọt vào danh sách này.

Bảng xếp hạng 10 công ty đầu tư nhiều nhất vào R&D của thế giới không thay đổi trong nhiều năm qua nhưng Huawei, gã không lổ ngành viễn thông của Trung Quốc, đã chuyển nhanh lên nửa đầu bảng và xếp ở vị trí thứ hai vào năm 2020, xếp sau Alphabet, công ty mẹ của Google.

Cuộc chạy đua công nghệ toàn cầu

Bảng tổng kết nhận xét, sự gia tăng đột ngột của các khoản đầu tư cho R&D của Mỹ và Trung Quốc là do họ muốn tập trung tăng cường cho cuộc chạy đua công nghệ toàn cầu.

Vào năm 2011, châu Âu đầu tư vượt trội so với Trung Quốc ở bốn lĩnh vực R&D chính. Tuy nhiên khoảnh khắc này cũng kéo dài bởi đến năm 2020, các công ty của Trung Quốc cũng bắt đầu chi mạnh với việc đầu tư gấp đôi các công ty châu Âu. Vào thời điểm đó, châu Âu cũng dẫn đầu về trong đầu tư cho R&D về chăm sóc sức khỏe và tự động hóa. Còn hiện tại, trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, các công ty công nghệ sinh học và dược phẩm có trụ sở ở châu Âu tiếp tục đầu tư những khoản tiền nhỏ hơn các công ty của Mỹ.

Bản báo cáo nhấn mạnh vào những cơ hội và thách thức mà châu Âu phải đối mặt khi họ xem xét việc cải thiện năng lực R&D và truyền luồng sinh khí mới vào ngành công nghiệp của mình với những ưu tiên trong chính sách về công nghiệp mới và đổi mới sáng tạo mới của châu Âu, cụ thể trong bối cảnh số hóa và chuyển đổi sang công nghệ xanh. Do đó, họ đề xuất châu Âu cần phải thúc đẩy đầu tư cho R&D về sản xuất ô tô, cụ thể là những công nghệ mới có thể giúp họ tăng tốc quá trình chuyển đổi từ ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang ô tô điện. Đồng thời các công ty châu Âu cũng chú ý đến mảng công nghệ sinh học và phát triển những loại thuốc mới.

Huawei xếp thứ nhì trong bảng danh sách của báo cáo. Rất nhiều nghiên cứu trên toàn cầu cho thấy Huawei đang chiếm lĩnh một vị trí đáng kể ở châu Âu. Từ năm 2000, Huawei đã lập trung tâm nghiên cứu đầu tiên của mình ở Thụy Điển. Ngày nay, Huawei tuyển dụng 2.400 nhà nghiên cứu ở 23 trung tâm nghiên cứu khắp châu Âu. Thông qua mối quan hệ đối tác với hơn 150 trường đại học ở châu Âu, Huawei đã dấn rất sâu vào hệ sinh thái nghiên cứu về công nghệ thông tin ở châu Âu. Thông qua hoạt động nghiên cứu hợp tác này, không thể không nhận thấy là Huawei đã thực sự tham gia vào quá trình chuyển đổi số của châu Âu.

Nguồn: iri.jrc.ec.europa.eu, sciencebusiness.net