Nếu ở Việt Nam, nền tảng Facebook đã được sử dụng quá phổ biến thì việc xây dựng một mạng xã hội tương tự của riêng mình có thật sự ý nghĩa?

Lĩnh vực gọi xe công nghệ đang là thị trường cạnh tranh giữa các nền tảng nước ngoài và nội địa | Ảnh: PV
Lĩnh vực gọi xe công nghệ đang là thị trường cạnh tranh giữa các nền tảng nước ngoài và nội địa | Ảnh: PV

Đó là một trong những câu hỏi quan trọng được đặt ra tại tọa đàm “Ứng dụng Kinh tế Nền tảng Số tăng sức cạnh tranh cho Việt Nam” do UP Gen phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính Sách (VEPR) tổ chức ngày 20/2/2020. Tọa đàm là buổi thứ 4 trong chuỗi chuyên đề về Kinh tế nền tảng số của VEPR phát trực tiếp cho cộng đồng.

Cuộc đua "đốt tiền"

Trong vòng hơn 10 năm trở lại, các nền tảng như Facebook, Google, Grab, Airbnb, Alibaba… đã thay đổi cách thức kinh doanh và thói quen tiêu dùng trên toàn cầu cũng như ở các quốc gia như Việt Nam. “Không thể chối bỏ rằng kinh tế nền tảng số đã xảy ra và dù muốn hay không Việt Nam cũng đã tham gia vào nó. Vấn đề ở đây là chúng ta muốn tham gia với tư cách chỉ là người dùng, hay còn là người chơi để tạo dựng những nền tảng hữu hiệu của riêng mình?”, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, nêu câu hỏi.

Câu trả lời là có. Trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, vận tải, logistics, du lịch, giáo dục, mạng xã hội, công nghệ tài chính…, xuất hiện không ít tên tuổi Việt cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài. Ví dụ rất điển hình là Be Group – một công ty gọi xe công nghệ nội địa đang cạnh tranh chủ yếu với hai ông lớn Grab (từ Singapore) và GoViet (từ Indonesia) ngay trên sân nhà.

Nhưng cũng như nhiều câu chuyện của startup công nghệ khác, cuộc cạnh tranh nền tảng là cuộc đua “đốt tiền” nhằm chiếm lĩnh thị trường. Các nền tảng đều dựa trên hiệu quả kinh tế theo quy mô – càng là kẻ đến trước, càng có nhiều người dùng thì lợi ích thu được trong tương lai sẽ càng lớn.

Một bí mật mà ít người ngoài ngành hiểu được tại sao các quỹ đầu tư quốc tế và tập đoàn lớn có thể liên tục đổ hàng trăm triệu đô vào những nền tảng chắc chắn sẽ lỗ ròng trong 5-10 năm tiếp theo, đó là vì ‘họ chấp nhận trả trước để thay đổi hành vi’.

Một khi hành vi tiêu dùng thay đổi thì chúng ta sẽ có cả một thị trường kiểu khác. Khi đó, lợi ích đến từ những nền tảng khác được xây dựng trên nền tảng ban đầu, chứ không đến từ nền tảng gốc”, ông Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị UPGen Việt Nam, chia sẻ.

Chẳng hạn, Facebook đang có 2,4 tỷ người dùng trên toàn cầu nhưng không một ai phải trả tiền để sử dụng mạng xã hội này. Thay vào đó, doanh thu của công ty đến từ việc quảng cáo (98,5%) trên chính nền tảng của mình. Sau vài năm đầu lỗ ròng, hiện tại Facebook thu về lợi nhuận quảng cáo trung bình trên 1,5 tỷ USD/tháng. Năm ngoái, công ty này còn tính đến việc phát triển đồng tiền điện tử Libra của riêng mình – điều đang bị các chính phủ kìm hãm bởi nguy cơ gây xáo trộn hệ thống tài chính toàn cầu.

Ngay tại thị trường Việt Nam, hiện không có một sàn thương mại điện tử lớn nào – từ Tiki, Lazada, Shoppee, Sendo - có khoản lỗ dưới 1.000 tỷ đồng/năm, tuy vậy dòng tiền đầu tư nước ngoài vẫn đổ mạnh vào các công ty này. Tương tự với Grab, tổng lỗ lũy kế sau 5 năm hoạt động tại Việt Nam là hơn 2.600 tỷ đồng. Nhưng bên cạnh con số lợi nhuận âm chắc chắn sẽ còn tiếp tục trong vài năm tới, thì số liệu tài chính vẫn chỉ ra rằng Grab đang mở rộng kinh doanh và tăng trưởng nhanh. Trên nền tảng gọi xe ban đầu, Grab đã mở rộng sang một loạt lĩnh vực như giao hàng (Grab Express), giao đồ ăn (GrabFood), ví điện tử (Moca trên ứng dụng Grab)…

Ông Trần Thanh Hải tại hội thảo 20/2/2020 | Ảnh: VEPR
Ông Trần Thanh Hải tại hội thảo 20/2/2020 | Ảnh: VEPR

Dịch vụ đặc thù và lợi thế bản địa

Không khó để nhận ra vì sao kinh tế nền tảng phát triển và có sức tác động mạnh mẽ đến vậy. Tiềm năng hứa hẹn của thị trường sau khi người dùng thay đổi hành vi giống như một “miếng bánh ngọt” khiến tất cả mọi người đều muốn có phần. Nhưng nền tảng nào doanh nghiệp Việt Nam cần phải tự làm?

Có một số dịch vụ đặc thù cho đất nước nên có nền tảng riêng, nếu không tự làm thì 10-20 năm nữa chúng ta vẫn chỉ người đi làm thuê và không có được dữ liệu của chính mình”, ông Trần Thanh Hải, cựu CEO Be Group, đồng sáng lập VNG Corporation, chia sẻ. Tuy vậy theo ông Hải, “chúng ta không phải làm tất cả nền tảng”. Chẳng hạn, việc có thêm một vài mạng xã hội nội địa không nhiều khác biệt so với Facebook có lẽ là một sự lãng phí lớn của cộng đồng và không cần thiết khi Việt Nam đã có sẵn một mạng xã hội tương đối lớn là Zalo.

Đưa ra ý kiến có đôi chút khác biệt với hướng tiếp cận ‘đảm bảo kiểm soát’ của cựu CEO Be Group, ông Đỗ Hoài Nam đưa ra nhận định dựa trên lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp và cho rằng “chúng ta nên làm những nền tảng mà ta có lợi thế bản địa”. Theo ông Nam, việc cạnh tranh tài chính để phát triển một mô hình tương tự như các nền tảng nước ngoài là điều vô cùng bất lợi, nên doanh nghiệp nội địa phải cạnh tranh bằng giá trị, tức ‘đấu sức’ trên những mặt khác như công nghệ, hiểu biết bản địa, văn hóa…

Có những nền tảng mang tính quốc tế cao được xây dựng và hoạt động bằng những lợi thế có thể dùng ở bất kì đâu trên thế giới, nhưng cũng có những nền tảng phải hoạt động dựa trên rất nhiều nguồn đầu vào của địa phương – chẳng hạn gọi xe công nghệ, giao đồ sẽ cần dùng các tài xế, xe cộ, nhiên liệu, đồng tiền của thị trường nội địa và phục vụ khách hàng tại chỗ. “Tôi cho rằng những nền tảng dựa trên địa phương nên được quản lý bởi địa phương”, ông Đỗ Hoài Nam cho biết.

Ông Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị UPGen Việt Nam, tại hội thảo 20/2/2020 | Ảnh: VEPR
Ông Đỗ Hoài Nam tại hội thảo 20/2/2020 | Ảnh: VEPR

Ngược lại, ông cũng lấy ví dụ một nền tảng có tính quốc tế cao là dịch vụ đặt phòng AirBnB- tại đó một người dùng ở Mỹ trước khi đi du lịch đến Việt Nam đã có thể đặt sẵn khách sạn, vé may bay và phương tiện đưa đón. Nếu phát triển một nền tảng đặt phòng tương tự ở Việt Nam thì mặc dù có thể nắm được thông tin nhà ở trong nước nhưng lại khó trong việc tiếp cận khách hàng quốc tế. Như vậy, nền tảng đó chỉ có lợi thế với khách Việt Nam đi du lịch nội địa, chứ không có nhiều lợi thế với khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài hoặc khách nước ngoài đến Việt Nam.

Đưa ra ý kiến của mình, TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng phát triển những nền tảng riêng phục vụ các nhu cầu đặc thù của Việt Nam cũng rất đáng quan tâm, chẳng hạn những nền tảng cho toàn bộ quy trình từ sản xuất đến thương mại nông sản, hay chăm sóc sức khỏe người già.

Cuộc chơi không loại trừ ai

Với tinh thần startup, ông Đỗ Hoài Nam cho rằng cơ hội mở ra cho tất cả, ai cũng có thể đầu tư vào những nền tảng bởi thông qua đó doanh nghiệp vẫn tạo ra lợi ích như công ăn việc làm, tài sản trí tuệ…và nếu thất bại sau này họ vẫn có thể làm ra cái tốt hơn.

Mặc dù Google đi sau Yahoo hay Facebook đi sau Myspace, nhưng điều khiến họ thành công chiếm lại thị trường nằm ở sự đổi mới sáng tạo - Innovation. Sáng tạo đang là cuộc chơi của cả nhân loại, điều này không loại trừ bất kì một con cá nhỏ nào tham gia vào đại dương lớn.

Tuy vậy, ở Việt Nam, các tập đoàn lớn có thói quen tự mình làm tất cả. “Cách đó không sai nhưng không phải là cách tốt nhất”, ông Đỗ Hoài Nam nhận xét. Việc ôm đồm trông có vẻ rẻ hơn trong ngắn hạn, nhưng thực tế sẽ ‘đắt đỏ’ ở tương lai. Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải cũng cho rằng việc hợp tác với các startup sẽ tốt hơn vì một startup có thể hết lòng theo đuổi giải quyết vấn đề mà họ luôn đau đáu.

Nhưng văn hóa đổi mới sáng tạo chưa thực sự bén rễ ở trong nước. Có khá nhiều rào cản trong tư duy, môi trường, giáo dục… mà các diễn giả cho rằng đang khiến 'chúng ta có thể có được các cá nhân giỏi chuyên môn nhưng lại rất thiếu những doanh nhân khởi sự có khả năng kết nối các nguồn lực' – những người đóng vai trò quan trọng trong sự thành bại của một startup.

Các ý kiến tại tọa đàm cho rằng để loại bỏ các rào cản kể trên, rất cần sự tham gia của nhà nước. Ở đó, nhà nước phải dám ‘hi sinh’ và đưa ra những cam kết mạnh mẽ trong việc tạo dựng thị trường, tài trợ vốn hay cải cách hành lang pháp lý cho kinh tế nền tảng phát triển.