Trong bối cảnh công nghệ kỹ thuật số phát triển và trở thành xu hướng dẫn dắt, có khả năng tạo ra tác động lớn đối với nền kinh tế tương lai của Việt Nam, Chính phủ cần có sự thay đổi chính sách để phát huy tối đa điều kiện nội tại cũng như lợi thế của kinh tế nền tảng Việt Nam một cách bền vững, không bị tụt hậu so với các nước trên thế giới.
Việt Nam đang đi quá chậm
Kinh tế số, kinh tế nền tảng đang diễn ra nhanh chóng và có tác động to lớn, sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội của tất cả các quốc gia. Các mô hình kinh tế mới đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh, đến cách thức tiêu dùng, giao tiếp... Sự chuyển đổi này tạo cơ hội cho Việt Nam hội nhập sâu, rộng với nền kinh tế thế giới.
Để thích nghi, hội nhập với sự phát triển của kinh tế thế giới, những năm qua Việt Nam đã có nhiều hoạt động tích cực như: chuyển đổi số, mở rộng hành lang pháp lý, cải cách các thủ tục hành chính... Đặc biệt, việc ban hành Chỉ thị số 16/CT-TOT đã thể hiện mục tiêu tăng cường năng lực của đất nước nhằm bắt kịp với các xu thế của công nghiệp 4.0.
Tuy nhiên, tại buổi Tọa đàm “Tình hình Kinh tế Nền tảng tại Việt Nam hiện nay: Thực trạng và Thảo luận” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức, Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng sự chuyển đổi này vẫn còn quá chậm chạp. Việt Nam đang bị tụt lại trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đi sau rất nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN, chứ chưa bàn đến thế giới. Ngay cả Indonesia cũng đang có sự thay đổi vượt bậc khi Chính phủ của họ có sự chuyển mình mạnh mẽ, áp dụng công nghệ thông tin trong tất cả lĩnh vực, như theo dõi thời tiết, quản lý giao thông... Trong khi đó, “Dù rằng chúng ta nói rất nhiều đến công nghệ 4.0, nhưng Việt Nam đang ở đâu? Sự chuyển động của thế giới là vô cùng nhanh chóng, nhưng Chính phủ thì chuyển động bao nhiêu?” – Ông đặt câu hỏi.
Để dẫn chứng việc thế giới đang thay đổi mỗi ngày, ông Nguyễn Trí Hiếu đề cập đến sự xuất hiện của đồng Libra. Năm 2020, đồng Libra, một đồng tiền kỹ thuật số mã hóa, sẽ bắt đầu hoạt động chính thức - nếu Libra đi đúng kế hoạch mà Facebook công bố. Một khi 1,5 tỷ người đang sử dụng Facebook chấp nhận sử dụng đồng tiền này thì đồng nội tệ của nhiều quốc gia sẽ bị phá vỡ. Nói cách khác, tương lai chủ quyền tiền tệ của mọi quốc gia sẽ bị xóa mờ. Việc thị trường tiền ảo thế giới sẽ ra sao trong vài năm tới vẫn là những ẩn số, nhưng việc tạo ra đồng tiền kỹ thuật số chắc chắn sẽ là thách thức với các chính phủ, khi mà hiện các quốc gia vẫn chưa có chính sách để quản lý đồng tiền này.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, khi các quốc gia trên thế giới đang lo lắng đến những vấn đề sẽ xảy ra trong tương lai, thì cho đến nay Việt Nam vẫn còn lúng túng với sự ra đời của một hình thức vận tải mới là Grab và Uber. Thực tế, sự phát triển nhanh chóng của kinh tế nền tảng với sự xuất hiện của các hình thức sản xuất, kinh doanh hoàn toàn mới đã đưa các nhà hoạch định chính sách vào một thế khó. “Họ lúng túng trong việc định danh và quản lý những hoạt động kinh tế này. Sự ra đời của của hình thức vận tải mới mẻ này đã khiến các cơ quan quản lý không khỏi bối rối và ‘đau đầu’”, PGS.TS. Lê Cao Đoàn - Viện Kinh tế Việt Nam nhận định. Cho đến nay, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP (Nghị định 86) về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô vẫn còn đang được hoàn thiện sau nhiều lần chỉnh sửa.
Ngoài ra, Việt Nam còn đang gặp khó khăn trong việc xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu chung của quốc gia. “Dù hiện nay Việt Nam cũng đã tiến dần đến tập trung hóa phát hành căn cước - cơ sở để có dữ liệu quốc gia và quản lý đất nước, nhưng một khi chưa có được dữ liệu quốc gia thì không thể bàn đến những vấn đề lớn khác như quản lý giao thông, lũ lụt, an sinh xã hội, học đường, an ninh…”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói. “Nếu các nhà quản lý đi chậm hơn nhu cầu của xã hội, những hiện tượng tiêu cực sẽ xảy ra. Nhiều người sẽ tận dụng những lỗ hổng pháp lý để tư lợi, lúc ấy thì quyền lợi của con người, xã hội và nền kinh tế đều bị ảnh hưởng.” – Ông kết luận.
Tận dụng thế mạnh sẵn có
Đến dự tọa đàm, ông Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc DTT Group, không đồng tình với quan điểm của TS. Nguyễn Trí Hiếu. Theo ông, việc lo ngại rằng Việt Nam đang tụt lại đằng sau so với các nước trên thế giới là không cần thiết, bởi kinh tế nền tảng ở nước ta vẫn còn rất nhiều cơ hội.
Ông Trung miêu tả: “Kinh tế toàn cầu giống như một cái bàn, mỗi quốc gia là một vật nhỏ trên chiếc bàn, đó là kinh tế hai chiều. Nhưng khi xuất hiện nền kinh tế số - thêm chiều cao thì sẽ trở thành ba chiều, nghĩa là các quốc gia sẽ tương tác với nhau mà không bắt buộc phải băng qua biên giới. Và chưa dừng lại ở đó, sẽ có chiều không gian thứ tư là vật lý lượng tử, máy tính lượng tử. Hiện nay, Việt Nam cũng đang nghiên cứu nền tảng thứ tư này.”
Những quốc gia đi trước đang có bàn đạp lớn bởi họ nắm được rất nhiều phần nền tảng của thế giới. Tuy nhiên, “Việt Nam thì ngược lại, tuy chúng ta chỉ mới nắm được một phần nhỏ nền tảng, thế nhưng cơ hội thì vẫn còn rất nhiều.” Các doanh nghiệp của Việt Nam có thể học hỏi, áp dụng mô hình của các nước trên thế giới, “bởi vì hiện tại chúng ta đang học rất thành công”. Mặt khác, nếu biết dựa vào nền tảng hai chiều sẵn có, cùng với lợi thế về dân số, địa lý, “chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng được những thứ mà các doanh nghiệp nước ngoài không bao giờ có thể chạm đến được.”
Để phát huy tối đa các điều kiện nội tại cũng như lợi thế của kinh tế nền tảng để phát triển nền kinh tế một cách bền vững điều đầu tiên cần là thay đổi về mặt chính sách. Theo đó, điều đầu tiên là khơi thông “điểm nghẽn” quan trọng nhất trong sự phát triển của kinh tế nền tảng tại Việt Nam, đó là hành lang pháp lý. Ông Nguyễn Thế Trung chia sẻ: “Hiện nay, Chính phủ đang xây dựng hai Nghị định: Nghị định về định danh xác thực và Nghị định về chia sẻ dữ liệu.” Hai Nghị định này sẽ giải quyết phần nào những vấn đề cơ bản mà Việt Nam đang gặp phải.
“Nghị định về định danh xác thực để đảm bảo rằng khi chúng ta thực hiện một giao dịch thì cần phải định danh. Việc này không hề đơn giản, ngay cả trên thế giới nó cũng dấy lên nhiều luồng tranh cãi. Bởi nếu chúng ta định danh được tất cả mọi người và tất cả các giao dịch thì đồng thời việc này cũng lộ ra rất nhiều thông tin. Nhưng ngược lại, không định danh thì chúng ta sẽ bị bủa vây bởi những thông tin giả mạo.”
Việc bảo vệ dữ liệu riêng tư là vô cùng cần thiết. Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cho biết: “Một trong những bài toán mà các nhà hoạch định chính sách cần giải quyết, đó là cân bằng giữa việc định danh cá nhân để nâng cao uy tín trong giao dịch với việc bảo vệ thông tin của người dùng.”
Ở Việt Nam hiện nay, chúng ta chưa định danh được ai là ai trong môi trường điện tử. Điều này dẫn đến việc những kẻ giả mạo có thể lập được hồ sơ giả của một cá nhân trên không gian số một cách dễ dàng, thậm chí là giả mạo trong các giao dịch. Những giao dịch lừa đảo này sẽ được Dữ liệu lớn (Big data) thu lại, xây dựng nên một hồ sơ dữ liệu không chính xác về cá nhân bị giả mạo.
Việc xây dựng Nghị định về định danh xác thực sẽ tạo ra cơ sở pháp lý để Chính phủ có thể quản lý ở mức độ nhất định, nhưng đồng thời không làm lộ ra những thông tin cá nhân quá lớn từ phía người dùng. Sau khi đã định danh thành công, thì dữ liệu mà một cá nhân giao dịch với các cơ quan bộ, ngành… sẽ được tích hợp vào trong một hệ thống dữ liệu lớn. Để đảm bảo quá trình này được diễn ra, Chính phủ xây dựng thêm Nghị định thứ hai, về chia sẻ dữ liệu. Nghị định này sẽ góp phần giải quyết việc Việt Nam vẫn chưa có được một hệ thống cơ sở dữ liệu chung, mà TS. Nguyễn Trí Hiếu đã đề cập trước đó. “Nghị định chia sẻ dữ liệu này sẽ là một nghị định đột phá, yêu cầu các sở, ban, ngành phải chia sẻ dữ liệu với nhau và cũng tìm ra một cơ chế để chia sẻ dữ liệu ấy ra bên ngoài, nếu người dùng đồng ý.” – Ông Trung chia sẻ.
Trước đó, vào đầu tháng 10 vừa rồi, nền tảng Bản đồ số (Vmap) và Hệ thống thông tin nhân đạo (iNhandao) - hai sản phẩm trong khuôn khổ Đề án Chính phủ “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa”, đã được ra mắt. Cũng theo ông Trung, đây là hai sản phẩm tiêu biểu cho thấy nếu Việt Nam biết dựa vào những lợi thế sẵn có thì Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra các nền tảng tốt hơn các nền tảng đến từ nước ngoài trong một số khía cạnh. Sau hơn một năm triển khai, hiện Vmap có khoảng 23,4 triệu dữ liệu địa chỉ trên cả nước. Bên cạnh các tính năng cơ bản như tìm kiếm địa chỉ, chỉ đường, Vmap sẽ còn hiển thị địa chỉ chi tiết tới từng số nhà, ở cả thành thị cho tới miền núi, vùng sâu, vùng xa - mà các bản đồ trực tuyến trước đây thường không bao phủ tới. Từ những địa chỉ do Vmap hiển thị, Chính phủ tiếp tục xây dựng ứng dụng kết nối, điều phối trợ giúp người dân vùng sâu vùng xa, mang tên iNhandao. Điểm khác biệt ở iNhandao nằm ở chỗ hệ thống này hiển thị các thông tin của những người ở các vùng cực kỳ khó khăn, đặc biệt là vùng núi cao mà trước đây còn chưa được nhiều người biết tới.
Không chỉ dừng lại ở đó, ông Nguyễn Thế Trung chia sẻ thêm, hiện tại Chính phủ đang xây dựng thêm một số nền tảng khác liên quan đến văn hóa, giáo dục, y tế, người lao động… Chẳng hạn như sắp tới, Chính phủ sẽ số hóa tất cả các cổ vật của Việt Nam. “Hiện tại, trong các bảo tàng, chúng tôi thống kê được khoảng 5 triệu cổ vật của người Việt. Chúng tôi sẽ số hóa những cổ vật này dưới dạng 3D, và trên cơ sở đó chúng tôi sẽ tạo ra một tài sản chung của quốc gia.” Từ những dữ liệu mở này, rất nhiều nền tảng khác nhau sẽ được tạo ra, chẳng hạn như nền tảng liên quan đến các hoạt động dạy học lịch sử, du lịch kết hợp thực - ảo…
“Công việc vẫn còn rất nhiều. Một mặt, chúng ta tỏ ra sốt ruột đối với những lĩnh vực phi biên giới như tài chính, ngân hàng hay việc những nền tảng nước ngoài hoặc những đồng tiền ảo có thể vào và lấy mất thị trường của chúng ta; nhưng mặt khác, cũng đừng quá lo ngại rằng Việt Nam đang chững lại phía sau. Số không gian được lấp lại mới chỉ chiếm một phần triệu so với nhu cầu của con người, vì thế cơ hội của Việt Nam là rất lớn. Nếu một doanh nghiệp Việt Nam biết dựa vào thế mạnh sẵn có và đi vào những nhu cầu có thật của con người - nhu cầu đó càng toàn cầu càng tốt, thì tôi tin là cơ hội thành công sẽ rất cao.” – Ông Nguyễn Thế Trung kết luận. “Chắc chắn, chúng ta sẽ tìm ra được những tri thức mới và cách thức mới để đáp ứng nhu cầu của con người.”