Sự trỗi dậy của kinh tế nền tảng (Platform Economy) giống như đợt sóng cả gây nên những biến đổi lớn trong mọi xã hội, khiến các nhà quản lý ở mọi quốc gia lúng túng. Trong bối cảnh đó, chính sách của Việt Nam cũng có những thay đổi nhất định để thích nghi.

.

Những cơn sóng của kinh tế nền tảng số

Bảy trong số 10 công ty có giá trị nhất trên toàn cầu hiện đang dựa trên mô hình kinh doanh nền tảng: tạo ra các cộng đồng kỹ thuật số và thị trường cho phép các nhóm khác nhau tương tác và giao dịch. Tùy chức năng có nhiều loại nền tảng như cung cấp dịch vụ (Uber và Airbnb), cung cấp sản phẩm (Amazon và eBay), cho phép thanh toán (PayPal), mạng xã hội (Facebook), phát triển phần mềm (Apple và Salesforce)... Chỉ trong một thập kỉ qua, các công ty công nghệ theo mô hình kinh doanh nền tảng đã vươn lên giành phần lớn miếng bánh thị phần trong từng lĩnh vực từ tay các đối thủ truyền thống lâu đời và tăng trưởng theo cấp số nhân.

Về căn bản, doanh nghiệp kinh doanh nền tảng không sở hữu các phương tiện sản xuất mà tạo ra các “phương tiện kết nối” cho người tiêu dùng tiếp cận với nhà sản xuất và nhờ đó loại bỏ rào cản thương mại. Sức mạnh của họ nằm ở việc sử dụng và lưu chuyển khối lượng thông tin khổng lồ do các bên tham gia chia sẻ. Công nghệ càng phát triển, càng nhiều người dùng tham gia thì hiệu ứng mạng lưới của nền tảng càng lớn.

Tuy nhiên kinh tế nền tảng bùng nổ dẫn đến những vấn đề về pháp lý, đòi hỏi phải thay đổi luật pháp. Áp lực này ngày càng tăng do những lo ngại về tiêu chuẩn an toàn-vệ sinh, thuế, tuân thủ, an ninh mạng, bảo vệ quyền lợi công dân hay cạnh tranh công bằng. Nhưng thay đổi tư duy quản trị không diễn ra trong “một sớm một chiều” như sự bùng nổ về công nghệ.

Vụ kiện tụng kéo dài giữa Grab và Vinasun chính là ví dụ điển hình cho thấy những rắc rối phát sinh về pháp lý với các mô hình kinh tế mới, khi mà tư duy của những nhà quản lý vẫn dựa trên cách thức quản lý các loại hình kinh tế truyền thống. Bản thân các cơ quan chức năng cũng không biết xếp Grab vào loại nào: doanh nghiệp taxi hay công ty công nghệ. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng còn đưa ra lời khuyên hai doanh nghiệp nên hòa giải “bởi kiện nhau cũng không có pháp lý để xử.” Đến bây giờ, Grab đã phát triển thành một hệ sinh thái phức tạp hơn với nhiều dịch vụ từ di chuyển, giao nhận hàng, thanh toán điện tử, cho vay tiêu dùng. Trong khi đó, khung pháp lý hiện hành hoàn toàn chưa theo kịp được để điều chỉnh những quan hệ mới phát sinh trên và đang dùng cách trì hoãn như một phản ứng chính sách tạm thời.

Toàn cảnh bức tranh Thương mại điện tử Việt Nam với sự xuất hiện của rất nhiều các tên tuổi lớn của thế giới đằng sau các thương hiệu trong nước.
Toàn cảnh bức tranh Thương mại điện tử Việt Nam với sự xuất hiện của rất nhiều các tên tuổi lớn của thế giới đằng sau các thương hiệu trong nước.

Một số chính sách thích nghi

Trên thực tế, các mô hình quản lý đều có độ “trễ” so với sự linh hoạt của thị trường và tiến bộ vượt bậc của công nghệ. Theo ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh tế Hoa Kỳ – ASEAN tại buổi tọa đàm chính sách kinh tế nền tảng vào tháng 12/2019, ban đầu khi mô hình kinh doanh mới chưa có hại cho ai, nhà quản lý có thể không làm gì cả, tức không ngăn cấm nhưng cũng không khuyến khích - cách tiếp cận này gọi là “light-touch”. Nhưng khi mô hình kinh doanh mới bắt đầu gây xung đột với các mô hình cũ, nảy sinh rủi ro với một bộ phận trong nền kinh tế, cơ quan quản lý nhà nước buộc phải đưa ra các ứng xử cụ thể.


.

Điểm bất lợi là chúng ta sẽ không có mấy người đi trước để học hỏi và rút kinh nghiệm, nhưng thuận lợi là mọi quốc gia đều đang cùng một xuất phát điểm. Không riêng gì Việt Nam, các nước phát triển như Mỹ, EU cũng đang lúng túng trước vấn đề kinh tế nền tảng. Đây là cơ hội để đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu trong việc nghĩ ra cách ứng xử chính sách, mô hình quản lý mới đối với các công nghệ và mô hình kinh doanh mới.

Ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh tế Hoa Kỳ – ASEAN.


Có nhiều cách tiếp cận trong thời điểm này tùy ngành cụ thể, chẳng hạn dùng cách thức mệnh lệnh chỉ huy quyết định cấm/không cấm một mô hình kinh doanh mới, thậm chí đôi khi buộc mô hình mới “gò vào khuôn” cũ. Hoặc cũng có thể dùng cách tiếp cận động lực kinh tế để khuyến khích cả mô hình mới và cũ tìm ra những cách sáng tạo, chi phí thấp để cạnh tranh theo mục tiêu của chính phủ đặt ra, đổi lại nhận được phần thưởng hoặc trừng phạt dưới các hình thức như thuế, phí, giấy phép thị trường hoặc trách nhiệm pháp lý…

Để giảm tránh rủi ro, một số chính phủ tiên phong đã sử dụng cách tiếp cận khuôn khổ pháp lý thử nghiệm (regulatory sandbox)–cho phép một số ít công ty thử nghiệm sản phẩm theo khung chính sách riêng mà không phải lập tức đối mặt với hậu quả pháp lý hiện hành. Việt Nam cũng bắt đầu xây dựng cơ chế tương tự cho ngành công nghệ tài chính từ năm 2017. Tiến độ cụ thể không được công bố rộng rãi nhưng đến nay vẫn “chưa hoàn thiện”. Rõ ràng, so với một số nước xung quanh, Việt Nam đang ngày càng có nguy cơ gia tăng khoảng cách về pháp lý, bởi ít nhất trong Đông Nam Á đã có bốn quốc gia Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia ban hành sandbox từ vài năm nay và đang ra sức thu hút vốn đầu tư cùng các startup tài năng của khu vực.

Bên cạnh sandbox, Việt Nam cũng đang xây dựng hai văn bản pháp lý mới quan trọng là Nghị định về định danh và xác thực điện tử và Nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước hứa hẹn giải quyết phần nào những vấn đề cơ bản trong kinh tế nền tảng số ở Việt Nam.

Tuy vậy, chính sách thuế của Việt Nam đã có sự sửa đổi đáng chú ý để thích nghi với bối cảnh mới. Thời gian qua, rất nhiều người bức xúc khi Facebook và Google có doanh thu quảng cáo trong nước ước tính hàng trăm triệu USD nhưng Việt Nam gần như không thu được đồng nào vì các công ty này không đăng kí kinh doanh hay có văn phòng đại diện ở đây. Trong khi đó, các hợp đồng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới thường có điều khoản là người mua có nghĩa vụ chịu các khoản thuế phí, do vậy phần lớn thất thu thuế đến từ việc người mua ở Việt Nam (cá nhân hoặc đại lý) không chịu tuân thủ quy định nộp thuế trong nước, trong khi nhà quản lý không có biện pháp theo dõi giao dịch.

Từ góc độ quản lý, cơ quan thuế sẽ chỉ muốn nhắm đến thu tiền của số ít người bán thay vì đuổi theo một đàn ngỗng trời khách hàng không thể kiểm soát. Lý tưởng là buộc các gã khổng lồ công nghệ phải hiện diện pháp nhân tại Việt Nam nhưng khi thị trường trong nước chưa đủ hấp dẫn buộc doanh nghiệp nước ngoài phải chịu áp lực nhượng bộ, nhà nước cần có phương án thứ hai. Giữa năm 2019, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý thuế sửa đổi (có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020), trong đó có một điểm cho phép các doanh nghiệp không hiện diện tại Việt Nam được cấp mã số thuế để khai nộp thuế (trực tiếp hoặc ủy quyền) trong nước. Động thái này bước đầu cung cấp cơ sở pháp lý cho việc thu và quản lý thuế của doanh nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới. Tuy nhiên chúng ta vẫn phải tiếp tục chờ các văn bản dưới luật để biết các quy định cụ thể có hợp lý hay không.


.

Việt Nam dường như là nước đầu tiên trong Đông Nam Á thực hiện động thái thuế như vậy với các công ty cung cấp dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới. Khi làm việc với chuyên gia thuế quốc tế, chúng tôi nhận được phản hồi là họ đánh giá cao điều này – rằng dù chưa biết thành công hay không nhưng họ thấy Việt Nam đã dám làm một điều gì đó trong khi nhiều nước chưa biết đi như thế nào. Ví dụ này cho thấy Việt Nam không phải là một nước thụ động, và chính sách pháp luật của chúng ta cũng đang dần thích ứng với kinh tế nền tảng.

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách.


Như vậy thời gian qua Việt Nam đã có những thay đổi nhất định để thích nghi với kinh tế nền tảng. Nhưng dường như “chúng ta vẫn đang đi quá chậm”, theo lời chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu.

Tại sao thận trọng?

Tại sao chính phủ thường mất nhiều thời gian để ra một quyết định, ví dụ trường hợp công nhận mô hình của Grab? Một khi cho phép loại hình kinh doanh mới, nó có thể đụng chạm tới quyền lợi của một số ngành nghề truyền thống và vấp phải phản ứng quyết liệt. Nhưng nếu không cho phép thì ở góc độ vĩ mô, chính phủ sẽ gửi đi một thông điệp rất tiêu cực - không chỉ cho doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài mà còn với cả cộng đồng doanh nghiệp trong nước, nhất là các startup - về việc cản trở những đột phá, tiến bộ công nghệ mới.

Thực ra không chỉ Việt Nam mà nhiều chính phủ cũng bối rối trước những hướng đi quá mới mà nhiều khi quyết định mạnh bạo quá nhanh gây tổn thương nền kinh tế. Ví dụ bang New York đã để cho Uber và Lyft đè bẹp ngành taxi truyền thống chỉ trong ba năm và nhiều người phá sản. Sau đó, thành phố lại điều chỉnh nhưng đến nay họ vẫn đang phải đối mặt với một loạt vụ phản đối và kiện tụng từ cả hai phía xung quanh giá cước, giấy phép mới và quyền lợi của người lao động.

“Ở góc độ vĩ mô, các nhà chính trị phải cân nhắc tất cả lợi ích tổng thể chứ không thể chỉ đơn giản ra quyết định được ngay, mặc dù chúng ta rất mong muốn họ phải quyết đoán nhanh chóng”, Ông Vũ Tú Thành nhận xét.

Chẳng hạn, nhà nước đang có một dự thảo sửa đổi về quản lý hoạt động phát thanh truyền hình, bao gồm quản lý dịch vụ truyền hình theo yêu cầu trên Internet liên quan tới các công ty như Netflix, HBO Go, Amazon Prime Video. Quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông thể hiện qua dự thảo là loại hình kinh doanh này sẽ được quản lý giống như truyền hình truyền thống phát qua vệ tinh hay cáp, muốn vào Việt Nam phải xin cấp phép. Nhưng quan điểm của các doanh nghiệp nước ngoài là hai loại hình này có sự khác biệt, một bên đẩy thông tin cho người xem theo dạng tuyến tính, một bên là nền tảng cho phép người xem tự chọn nội dung. Vấn đề này rất giống câu chuyện Grab-Vinasun trước kia. Chính phủ chưa thông qua đề xuất này, trong đó có xem xét về rủi ro nếu chấp nhận dự thảo dẫn đến hệ lụy Mỹ áp thuế trừng phạt thì rất nhiều ngành nghề khác không liên quan như nông nghiệp, xuất khẩu gỗ… sẽ phải trả giá thay và gây giận dữ trong xã hội.

Điều chỉnh kết cấu căn bản

Nhưng thận trọng không phải là tất cả lí do cho sự trì hoãn. Nguyên nhân sâu xa hơn có lẽ nằm ở cách thức tổ chức ra quyết định. “Mô hình tổ chức nhà nước Việt Nam hiện để dùng quản lý một xã hội, một nền kinh tế của thế kỉ XX”, ông Vũ Tú Thành nhận xét. “Mặc dù mô hình đó đã giúp đất nước trải qua những thời kỳ khó khăn như hậu chiến tranh bao vây cấm vận hay mở cửa đổi mới từ năm 86 đến nay, nhưng nó có thể không còn phù hợp với diễn biến phát triển của các công nghệ đột phá và những mô hình kinh doanh hoàn toàn khác lạ trong thế kỉ XXI.”

Với thiết kế quản lý theo chiều dọc giống như các ống silos độc lập ít khi chia sẻ thông tin với nhau, các bộ ngành của nhà nước cũng được chia ra theo lĩnh vực riêng, ví dụ: y tế, giáo dục, giao thông vận tải, nông nghiệp, tài chính, môi trường…Nhưng với xu hướng kinh tế nền tảng hiện nay, sự phát triển theo chiều ngang ngày càng trở nên nổi trội hơn. Công nghệ được nhúng vào tất cả các lĩnh vực, tạo nên các kết nối liên ngành, chẳng hạn công nghệ nông nghiệp (Agritech), công nghệ giáo dục (Edtech), công nghệ Y tế (Medtech)…

Trong buổi họp cuối cùng dưới tư cách Bộ trưởng Bộ Y tế gần cuối năm 2019, bà Nguyễn Thị Kim Tiến có đề cập vấn đề khám chữa bệnh từ xa (Telemedicine) do các bác sĩ nước ngoài thực hiện. Mặc dù Bộ Y tế có đủ thẩm quyền và kinh nghiệm để quản lý về mặt chuyên môn khám sức khỏe, nhưng vấn đề băn khoăn là dịch vụ này sẽ tương quan thế nào với đặc điểm của các giao dịch xuyên biên giới như quản lý thương mại điện tử hay thuế. Hai nội dung đó lần lượt do Bộ Công thương và Bộ Tài chính chịu trách nhiệm, nhưng khi được hỏi, hai bộ đều cho biết dịch vụ thuộc ngành y tế nên họ “chưa nghiên cứu đến”. Như vậy, trường hợp này nên duy trì ba nhà quản lý theo ngành dọc hay trong y tế cần tạo ra mảng quản lý riêng về thương mại điện tử và thuế xuyên biên giới? Tình huống tương tự cũng đang xảy ra ở nhiều lĩnh vực khác.

Rõ ràng dù muốn hay không, chính phủ cũng phải xem xét lại cách thức tổ chức mô hình quản lý của mình. Một chuyên gia hàng chục năm trong ngành dọc có thể chỉ biết vấn đề của mình mà không làm sao nối được sang bên kia. Nhiều bằng chứng thực tế trong thời gian dài chứng minh rằng việc kết nối theo chiều ngang của chúng ta rất hạn chế. Trong khi phối hợp đa ngành, cộng tác, trao đổi thông tin lại là điều kiện tiên quyết để xây nên những chính sách có tầm nhìn hiệu quả của tương lai.

Cách mạng công nghiệp 4.0 thực tế là cuộc biến đổi về chính sách nhiều hơn là công nghệ. Việt Nam đang sống trong một thế giới không thể biết rõ. Tại thế kỉ XXI này, thái độ phản ứng chính sách tích cực sẽ là đặt những bước chân ban đầu, có sai có sửa. Thay đổi khó khăn nhưng thường cần thiết để sống sót, còn nếu không làm sẽ mãi mãi không có kết quả./.