Đề xuất ngân sách cho khoa học năm 2021 của Tổng thống Donald Trump đã mang một nét mới trong việc định hình trọng tâm phát triển của bức tranh khoa học Mỹ và phân loại, tập trung vào một số “điểm sáng”, cắt giảm các ngành được coi là “không quan trọng”.
Trong năm thứ 4 tại chức, Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần đề xuất cắt giảm các khoản chi ngân sách cho khoa học. Trước đó, có nhiều thông tin là ông muốn cắt giảm đầu tư cho Viện nghiên cứu y tế quốc gia (NIH), Quỹ Khoa học quốc gia (NSF), và nhiều chương trình khoa học tại Bộ Năng lượng và NASA. Năm ngoái, Quốc hội đã loại những đề xuất tương tự và gia tăng thêm những khoản ngân sách mà họ thấy cần thiết để phát triển khoa học.
Chính quyền có vẻ như muốn nhấn mạnh vào một số “điểm sáng“ trong bức tranh khoa học. Ví dụ, khi được hỏi đến nghiên cứu về biến đổi khí hậu, cố vấn khoa học của Nhà Trắng Kelvin Droegemeier thay đổi chủ đề và nói “chúng tôi muốn tập trung vào trí tuệ nhân tạo (AI) và khoa học thông tin lượng tử (QIS),” đây là hai vấn đề mà các nhà quản lý lựa chọn để tăng đầu tư. Droegemeier cũng nhấn mạnh rằng Tổng thống đề xuất khoản ngân sách khoảng 142 tỷ USD cho nghiên cứu. Mức đề xuất này đã giảm 9% so với năm 2020.
Các ngành được quan tâm đầu tư rõ rệt mà chính quyền Trump gọi là “các ngành công nghiệp của tương lai” bao gồm AI và QIS, cũng như truyền thông 5G, công nghệ sinh học và sản xuất tiên tiến. Cụ thể, chính quyền muốn tăng gấp đôi chi tiêu liên bang cho AI - lên gần 2 tỷ USD và cho QIS lên tới 860 triệu USD, trong hai năm tới. “Những lĩnh vực này rất quan trọng đối với quốc gia, khả năng cạnh tranh toàn cầu và sức khỏe, sự thịnh vượng và an ninh của người dân Mỹ”, bản dự thảo ngân sách ghi rõ.
Nhiều thành viên trong Quốc hội đồng tình với trọng tâm của chính phủ khi đặt quyết tâm vào một nhóm nhỏ các ngành này tính ứng dụng trực tiếp cho thương mại. Tháng trước, Chủ tịch Ủy ban khoa học của Thượng viện đã giới thiệu một dự luật hai đảng với các mục chi tiêu tương tự cho các lĩnh vực này, và Michael Kratsios, Giám đốc công nghệ của Nhà Trắng, đã ca ngợi nó trước hội đồng.
Tuy nhiên, Tổng thống quyết tâm nhắm vào tăng chi tiêu cho AI và QIS mà lại không nới ngân sách cho các nhánh còn lại của khoa học vật lý. Hồi tháng trước, một nhóm các nhà làm luật thuộc Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã đề xuất tăng gấp đôi hỗ trợ các ngành khoa học vật lý từ các cơ quan liên bang gồm NSF, NASA, Văn phòng Khoa học và Công nghệ Quốc gia. Nhưng khi được hỏi liệu có ủng hộ đề xuất đó hay không, Droegemeier nói rằng ông không bình luận về dự thảo đang chờ thông qua.
Viện nghiên cứu y tế quốc gia, nơi nhận khoản ngân sách 42 tỉ USD và cho đến nay là đơn vị tài trợ nghiên cứu cơ bản lớn nhất của chính phủ có mặt tại cuộc họp để có ý kiến về việc ông Trump đề xuất cắt giảm 3 tỷ USD, tức là giảm khoảng 7% kinh phí cho nghiên cứu y sinh. Còn France Córdova, Giám đốc Quỹ khoa học quốc gia Mỹ, người sẽ hoàn thành nhiệm kỳ 6 năm vào ngày 31 tháng 3 tới, chỉ hứa rằng cơ quan tài trợ với ngân sách 8 tỷ USD của bà sẽ “tiếp tục hỗ trợ khoa học và giáo dục”, mặc dù phải đối mặt với mức cắt giảm 6,5%.
Báo động đỏ
Phần lớn các cơ quan tài trợ khoa học lớn của chính phủ liên bang sẽ bị cắt giảm sâu theo dự thảo năm 2021, nhưng chi tiêu cho một vài chương trình sẽ tăng lên. Cụ thể như sau:
Đề xuất giảm 839 triệu USD trong tổng khoảng chi cho khoa học trị giá 7,1 tỷ USD của NASA bằng cách xiết lại các chương trình giáo dục của, Đài quan sát địa tầng cho thiên văn học hồng ngoại, Kính viễn vọng hồng ngoại trường rộng và hai nhiệm vụ khoa học trái đất nhằm thu thập dữ liệu về đại dương và khí hậu. Trước đây Quốc hội đã từng bác bỏ đề xuất cắt giảm.
Đề xuất cắt giảm 17% trong tổng số ngân sách trị giá 7 tỉ USD của Văn phòng Khoa học sẽ làm ảnh hưởng nặng nề tới ngành vật lý năng lượng cao và nghiên cứu sinh học và môi trường, mặc dù không có thông tin chi tiết nào tại thời điểm thông tin này được đưa ra báo chí. Và Trump lại một lần nữa đề xuất loại bỏ Cơ quan Dự án Nghiên cứu năng lượng tiên tiến - năm nay Dự án nhận được 425 triệu USD.
Tại NSF, nghiên cứu về cực và các ban điều hành các nghiên cứu sinh học và khoa học địa chất sẽ bị cắt giảm với tỉ lệ hai chữ số từ năm 2019, và chương trình tài trợ nghiên cứu mời sẽ giảm xuống tới 20%, còn 1600 suất hằng năm. Ngân sách sẽ cắt bỏ chương trình nghiên cứu hợp tác với các trường đại học của cơ quan Khảo sát Địa chất (USGS). Hoạt động đó nhằm tài trợ cho sinh viên sau đại học, vẫn được xem như là nhiệm vụ “cốt lõi” ở bên ngoài của USGS.
Những người ủng hộ nghiên cứu y sinh đã hoan nghênh khoản tài trợ ổn định, không bị cắt giảm trong một số lĩnh vực, đáng chú ý là nghiên cứu về ung thư và bệnh tật ở trẻ em, nhưng Trump khẳng định rằng ngân sách của ông sẽ cải thiện sức khỏe của tất cả người Mỹ. “Nói chung, kế hoạch ngân sách [của Trump] sẽ giáng một đòn mạnh vào bệnh nhân và gia đình của họ”, Mary Woolley, người đứng đầu liên minh nghiên cứu Research! America, đã viết trong một tuyên bố. Tại NIH, số lượng tài trợ nghiên cứu mới sẽ giảm 1874 từ năm nay, ước tính còn khoảng 11.379.
Những người ủng hộ nghiên cứu nông nghiệp thì được khích lệ với mức tăng khoảng 175 triệu USD, làm ngân sách lên tới 600 triệu USD, cho Sáng kiến Nghiên cứu nông nghiệp và thực phẩm, của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), là chương trình tài trợ chính cho các trường đại học. Hầu hết số tiền mới được tăng sẽ dành cho các nghiên cứu liên quan đến AI. Còn nhìn chung thì chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển tại USDA sẽ bị cắt giảm khoảng 172 triệu, còn 2,8 tỷ USD.
Quốc hội sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về chi tiêu ngân sách cho năm 2021, vào ngày 1 tháng 10. Nhưng các nhà làm luật của Quốc hội sẽ ít có khả năng linh hoạt để tăng chi tiêu khoa học so với trước đây. Một thỏa thuận ngân sách từ tháng 7 năm 2019 đã áp đặt giới hạn chặt chẽ đối với cả chi tiêu dân sự và quốc phòng và chỉ cho phép tăng 2,5 tỷ USD cho chi tiêu trong nước, hoặc chỉ cao hơn 0,4% so với mức 632 tỷ USD trong năm nay. Còn kế hoạch của Trump thậm chí tìm cách cắt giảm 7% chi tiêu trong nước, tương đương khoảng 45 tỷ USD.
Trong những năm trước, Trump đã tìm cách lần lượt cắt giảm 13%, 21% và 10% chi tiêu liên bang cho nghiên cứu cơ bản, một phần nguồn lực cho hầu hết các nhà nghiên cứu hàn lâm. Peter McPherson, chủ tịch Hiệp hội các trường đại học công hoặc có đất công cho biết, “Nó kém xa khoản đầu tư cần thiết của Mỹ với tư cách là một nền kinh tế ưu việt của thế giới. Đây là thời điểm mà các đối thủ cạnh tranh của chúng ta đang tăng gấp đôi số tiền đầu tư vào giáo dục và nghiên cứu, còn chúng ta bị tụt lại phía sau”.