Những kịch bản phát triển kinh tế số sẽ giúp chính phủ nhìn nhận những rủi ro và cơ hội để có phương pháp hoạch định chính sách tốt hơn cho tương lai.

.

Bước chân sang nền kinh tế số

Có nhiều định nghĩa khác nhau từ các tổ chức quốc tế như OECD, G20 nhưng nền kinh tế số thường được hiểu đơn giản là nền kinh tế dựa trên các công nghệ kỹ thuật số, bao gồm tất cả các doanh nghiệp và dịch vụ có mô hình kinh doanh chủ yếu dựa trên việc mua, bán sản phẩm, dịch vụ số, thiết bị hoặc cơ sở hạ tầng hỗ trợ (Báo cáo “Tương lai nền kinh tế số Việt Nam”, 2019).

Trong vài chục năm trở lại, Việt Nam đã phát triển nhanh chóng và được coi là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên chiến lược dẫn đến những thành quả hiện nay có thể sẽ không mang lại kết quả tương tự trong tương lai bởi những thay đổi của hội nhập quốc tế và phát triển công nghệ. Do vậy, trước bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra, Việt Nam chuyển mình định hướng sáng phát triển kinh tế số.

Tính đến giữa năm 2018, Việt Nam đã có khoảng 30,000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phần cứng, phần mềm và nội dung số. Các trung tâm đào tạo chuyên ngành và các khu công nghệ tập trung cho lập trình viên và kỹ sư được thành lập ở nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Đặc biệt làn sóng khởi nghiệp công nghệ trong gần 5 năm trở lại đã phát triển hàng loạt các ứng dụng và nền tảng mang tính hữu ích, phục vụ người tiêu dùng và doanh nghiệp.

.
Bên cạnh đó, do khả năng kết nối Internet và smartphone cao nên người dân Việt Nam hiện có nhu cầu mạnh mẽ đối với các sản phẩm hàng hóa kỹ thuật số. Cuộc khảo sát của AlphaBeta (Mỹ) năm 2017 chỉ ra rằng Việt Nam xếp hàng đầu tại Châu Á Thái Bình Dương về nhu cầu nội địa cho các sản phẩm kĩ thuật số. Hiện nay, thương mại điện tử (Tiki, Sendo, Lazada…), kinh tế nền tảng chia sẻ (Grab, Go-Việt, …), công nghệ Fintech, mạng xã hội (Facebook, Zalo,…) đang là những phân khúc phát triển nhanh nhất trong nền kinh tế số. Bộ Thông tin và Truyền thông đã dự báo chỉ riêng ngành công nghệ thông tin sẽ đóng góp 8-10% cho GDP cả nước vào năm 2020.

Tuy nhiên, sự thay đổi nào cũng có giá của nó.

4 kịch bản cho kinh tế số Việt Nam

Các công nghệ kỹ thuật số đi cùng cuộc CMCN4 bao gồm trí tuệ nhân tạo, robot, tự động hóa, công nghệ bay không người lái và phân tích dự liệu lớn có thể phá vỡ thị trường và việc làm hiện nay, gây ra những rủi ro trên quy mô lớn trong toàn bộ nền kinh tế-xã hội.

Dự án “Tương lai nền Kinh tế số Việt Nam” do nhóm nghiên cứu Data 61 thuộc CSIRO (Australia) và Cục ứng dụng và phát triển công nghệ SATI thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đồng thực hiện năm 2018 là một trong những nghiên cứu chuyên sâu hiếm hoi về vấn đề này. Thông thường, các kế hoạch phát triển kinh tế của Việt Nam được xây dựng dựa trên định hướng chính sách công - sản phẩm lựa chọn theo ý chí của hành vi quản lý của chính phủ, – hoặc dựa trên những dự báo (forecast) - ước tính từ dữ liệu lịch sử đã có hoặc kinh nghiệm về một điều kiện trong tương lai, thường có mức độ ý nghĩa trong vài tháng đến vài năm. Tuy nhiên, để một kế hoạch xây dựng tốt, khả thi và mang tính phổ quát thì việc có một tầm mình chiến lược sẽ là đòi hỏi chủ yếu hơn, bởi chúng tạo khả năng nhìn xa đến tận 15-30 năm, cho thấy những tương lai khả thi và sự sẵn sàng của các lựa chọn.

Để phác thảo tương lai nền Kinh tế số Việt Nam đến năm 2040, các chuyên gia của Data 61 và SATI đã sử dụng sử dụng phương pháp tương đối mới là phương pháp Tầm nhìn (Foresight).

Trước tiên, nhóm nghiên cứu quét ngang trên quy mô rộng tất cả các ngành kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, môi trường,… để tìm những tín hiệu mới xảy ra hoặc le lói về số hóa được cho là sẽ ảnh hưởng đến tương lai. Các tín hiệu này được sàng lọc và gộp lại cấu thành những xu thế chủ đạo (megatrend) là nhân tốt điều khiển chính dẫn đến sự thay đổi lớn trong tương lai (ví dụ: xu hướng gia tăng sử dụng kinh tế nền tảng và mức độ đô thị hóa lớn sẽ dẫn đến hình thành Thành phố thông minh).

Nghiên cứu đã xây dựng được một loạt các tương lai tiềm năng có thể xảy ra ở Việt Nam - Kịch bản 1 (Di sản truyền thống); Kịch bản 2 (Chuyển đổi số), Kịch bản 3 (Xuất khẩu số) và Kịch bản 4 (Tiêu dùng số) kèm theo các diễn biến chính cùng rủi ro và cơ hội của từng tình huống. Các kịch bản này được xây dựng dựa trên 2 trục chủ đạo. Trục tung, tạm gọi là “cung số hóa”, cho biết xu hướng đối với quốc tế liệu Việt Nam sẽ trở thành quốc gia nhập khẩu hay xuất khẩu ròng các sản phẩm và dịch vụ số; trục hoành, tạm gọi là “cầu số hóa”, cho biết mức độ ứng dụng, sử dụng các sản phẩm và dịch vụ số của các cơ quan chính phủ, cộng đồng và doanh nghiệp. Sở dĩ hai trục được lựa chọn như vậy bởi chúng có dữ liệu lịch sử để lượng hóa mức độ tác động, cũng như tương đối độc lập với nhau để có thể tạo ra các kịch bản hoàn toàn khác biệt.

Tư duy mở của hoạch định chính sách

Theo bản số liệu được công bố tháng 1/2019, trong vòng 20 năm tới, kịch bản 2 có tác động mạnh nhất. Theo đó chỉ riêng nền kinh tế số sẽ tạo thêm 3751 nghìn tỷ đồng cho GDP trong vòng 20 năm tới (khoảng 162 tỷ USD, tương đương 2/3 GDP năm 2018, mức độ tăng thêm trung bình là 8.1 tỷ USD/năm) nhưng sẽ khiến cho 38% công việc có nguy cơ bị chuyển đổi hoặc thay thế. Kịch bản này chỉ ra rằng việc sử dụng công nghệ số cao và ICT tăng trưởng mạnh khiến năng suất lao động tăng ở tất cả các ngành khác, tuy nhiên đi kèm với nguy cơ an ninh, nợ và thay thế việc làm bởi tự động hóa.

Các kịch bản 4, 3, 1 có mức tác động giảm dần đối với nền kinh tế Việt Nam, do đó ưu tiên chuẩn bị cho chúng cũng có thể có xu hướng giảm dần.

Theo nhóm nghiên cứu, rất nhiều người muốn Việt Nam hướng đến kịch bản tốt nhất là số 2, đặc biệt là những nhà hoạch định chính sách hiện tại bởi “việc quan trọng đối với nhà nước là phải có một đường hướng rõ ràng, cụ thể; xác lập được ý chí chính trị và khát vọng của đất nước” – Theo TS, Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phát biểu tại hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về dự thảo báo cáo.

Tuy nhiên,rất có thể, kịch bản tốt nhất lại không phải là kịch bản thực tiễn nhất nếu chúng ta chưa có đủ sức mạnh để khắc phục những tác động tiêu cực về lao động và lỗ hổng lớn lao về an ninh mà chúng tạo ra. Một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, khủng hoảng tiền tệ và sự gia tăng thị trường hàng hóa nguyên liệu khai thác có thể khiến Việt Nam bị kẹt lại trong kịch bản 1. Bởi vậy, bà Cameron nhấn mạnh rằng điều khôn ngoan là với mọi tình huống, Việt Nam đều có kế hoạch chuẩn bị.

Vậy làm sao để có thể chuẩn bị kế hoạch cho cả 4 kịch bản? Mặc dù 4 kịch bản đều có những khác biệt nhất định và Việt Nam có quyền chọn một trong bốn kịch bản đó, nhưng theo TS.Cameron, vẫn có những lĩnh vực thiết yếu mà Việt Nam có thể củng cố để tránh khỏi những rủi ro quan trọng và tăng khả năng đàn hồi trong cả bốn kịch bản. Nhóm nghiên cứu đã đưa ra những khuyến nghị cụ thể ở 6 lĩnh vực là phát triển các kỹ năng số; Thuế và quy định pháp lý về kinh tế số; Cơ sở hạ tầng CNTT&TT và năng lượng; An ninh mạng và quản trị dữ liệu; Hệ thống ĐMST quốc gia và CMCN4; Chính phủ điện tử và mua sắm đấu thầu.

Bên cạnh đó, bà Cameron cũng chỉ ra phương pháp cung cấp một quy trình và công cụ để đánh giá tính khả thi của một chính sách bất kỳ cho việc phát triển kinh tế số: nếu chính sách đó không thỏa mãn cả 4 kịch bản, nó sẽ bị loại bỏ hoặc vào vòng lặp sửa đổi đến khi đáp ứng tất cả các tương lai thay thế đã nêu.Do đó, việc nhìn thấy những tương lai thay thế sẽ kích thích tư duy hoạch định chính sách cởi mở và linh động hơn.

“Trong các kịch bản thì phương án chuyển đổi số là mong đợi nhất mặc dù cũng là phương án khó nhất. Muốn đột phá thì cần làm rõ các yếu tố của kịch bản này, chúng ta nên đưa ra 1 đề án phân tích riêng tập trung vào nó.”

“Việt Nam là nước đang chuyển đổi nên không bao giờ được bỏ qua vai trò của thể chế. Bởi vậy trong các yếu tố quan trọng mà Báo cáo đề xuất để cải thiện, nhân tố thể chế cần được đưa vào một cách cụ thể hơn”.

Ý kiến của bà Phạm Chi Lan tại hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về dự thảo Báo cáo tương lai nền kinh tế số của Việt Nam đến năm 2040, ngày 11/1/2019.