Nền kinh tế số đang tạo nên rất nhiều sự thay đổi, cả về mô thức, tính chất và tương quan giữa các thành phần trong bức tranh đời sống - kinh tế - xã hội, dù chúng ta có nhận thức và gọi tên những thay đổi ấy hay không.
Trong đó, đã, đang và sẽ trở nên rất phổ biến vai trò của thành phần “micro-entrepreneur” (người làm kinh doanh ở quy mô siêu nhỏ) trên hầu hết lĩnh vực, thị trường.
“Micro-entrepreneur”, còn được gọi là “auto-entrepreneur” hay “solo-entrepreneur”, chỉ một thực thể hoàn toàn độc lập về thời gian, năng lực, giá trị và trách nhiệm trong mối hợp tác kinh tế với các platform (nền tảng công nghệ) lớn để cung cấp dịch vụ - sản phẩm dưới thương hiệu chung do platform đó tạo ra.
Mở tài khoản để bán hàng trên Amazon, Alibaba, Tiki, Lazada. Đăng ký cho thuê phòng trên Airbnb, Booking, Agoda. Tham gia làm tài xế của Uber, Grab, Be... Nghĩa là anh đã trở thành đối tác của họ trong vai trò một “micro - entrepreneur” chứ không phải một là một employee (người làm thuê được trả công) nữa.
Khi dùng từ “micro - entrepreneur” thay cho “self-employed person” (người tự doanh) hay “freelancer” (người lao động tự do), người ta muốn nhấn mạnh “entrepreneurship” (tinh thần doanh chủ) trong mối quan hệ kinh tế này. Trong đó, các “micro - entrepreneur” sẽ hoàn toàn tự chủ, tự quản về tài nguyên, phương tiện, trách nhiệm... của chính mình. Và đương nhiên, phải tự lo về bảo hiểm, rủi ro, những nguy cơ thay đổi. Bù lại, anh được thụ hưởng công nghệ, hạ tầng, mạng lưới khách hàng và sức mạnh thương hiệu mà platform đó đã đầu tư. Anh hoàn toàn có quyền tự quyết định, tự sáng tạo những cách thức tốt nhất để tối ưu hiệu quả, thời gian, năng lực trong khuôn khổ giao kết.
Grab gọi các tài xế tham gia hoạt động cùng họ là đối tác, là “micro-entrepreneur”, chứ không phải là người làm công. Nhưng hễ mỗi lần mâu thuẫn với doanh nghiệp này được dấy lên, thì ngay cả trên báo chí, vẫn thấy “đấu tranh” bằng những luận điểm từ góc nhìn cũ. Tiêu biểu như: Grab khôn lỏi, kinh doanh mà không cần phải đầu tư phương tiện hoặc Grab vô trách nhiệm khi không đóng bảo hiểm và đảm bảo phúc lợi cho tài xế...
Trong khi đó, làm sao tôi phải đóng bảo hiểm cho anh khi mà tôi không quản lý anh về thời gian và cách thức làm việc, không bắt anh phải chịu trách nhiệm về doanh số và hay những điều kiện tương tự dành cho một người làm thuê toàn thời gian?...
Gần đây, được biết, bên Be có đóng bảo hiểm cho tài xế và thực hiện một số điều mà Grab bị cho là thiếu sót. Song, nên hiểu đó là cách họ gia tăng quyền lợi cho đối tác chứ không phải là nghĩa vụ bắt buộc trong mô hình kinh doanh này.
Tất nhiên, những mô hình như Grab vẫn có nhiều điều để phải “đấu tranh” nhằm đảm bảo sự hợp lý, công bằng trong môi trường kinh doanh nói chung. Góc độ quản lý vĩ mô ấy thuộc về vai trò của nhà nước. Hiện tại, với sự phát triển vũ bão của công nghệ và sức sáng tạo bùng nổ của nhiều thành phần kinh tế, các mô hình kinh doanh mới liên tục được mở ra. Phía nhà nước vẫn đang chới với trong việc nắm bắt và quản lý.
Giữa môi trường kinh doanh còn tranh tối tranh sáng như đang có, giới “micro-entrepreneur” có cả sự bỡ ngỡ lẫn thời cơ. Điển hình là đang được tự do, công khai, thuận lợi để bán hàng giả, hàng nhái, hàng chưa có quy chuẩn mà hiếm khi bị “sờ gáy”. Hễ “có biến” thì chỉ cần đóng tài khoản rồi lặn mất tăm là xong.
Đây chỉ là một ví dụ cho thấy sự bỡ ngỡ và mâu thuẫn của chúng ta giữa sự chuyển động của kinh tế và xã hội. Muốn phát triển theo cơ chế thị trường nhưng lại luôn đòi được bảo hộ mỗi khi “đụng chuyện” với đối phương. Muốn khao khát “ra biển lớn”, “chinh phục xứ người” nhưng lại lên án, kỳ thị cách người ta chinh phục xứ mình.
Thực thể nào, trên vai trò gì, đều có quyền lợi, nghĩa vụ và tính chất có liên quan. Hiểu đúng về vị thế của chính mình để chuẩn bị và cạnh tranh phù hợp mới là chuyện quan trọng. Trong nền kinh tế thị trường mà cạnh tranh bằng những giá trị cũ về “lòng yêu nước”, về “thương hiệu Việt” và dỗi hờn, than oán vô lý thì chắc chắn rất khó để thay đổi cục diện và tìm thấy những triển vọng khả quan hơn.