Cuối tháng 7/2019, quỹ đầu tư SoftBank Vision Fund (Nhật Bản) và quỹ đầu tư GIC (Singapore) thông báo đầu tư 300 triệu USD vào VNLIFE, công ty mẹ của startup thanh toán VNPay. Số tiền cam kết lần lượt theo thứ tự là 200 triệu USD và 100 triệu USD.
Ra đời vào năm 2017, VNPay là một trong những công ty cung cấp giải pháp thanh toán phi tiền mặt lớn tại Việt Nam. Theo số liệu công bố, công ty đang có quan hệ với hơn 40 ngân hàng, 5 công ty viễn thông và hơn 20.000 doanh nghiệp trong nước.
MOMO – 100 triệu USD
Tháng 1/2019, ứng dụng ví điện tử Momo cho biết họ đã gọi vốn thành công 100 triệu USD từ công ty quỹ tư nhân toàn cầu Warburg Pincus (Mỹ) trong vòng Series C. Khoản đầu tư này sẽ được công ty dùng để xây dựng hạ tầng thanh toán, áp dụng công nghệ nhằm nâng cao phổ cập tài chính tại Việt Nam. Hiện ứng dụng đã có trên 10 triệu người dùng.
Từ khi thành lập năm 2013, đây là khoản đầu tư thứ 3 mà Momo nhận. Trước đó, quỹ đầu tư Goldman Sachs Investment Partners (Mỹ) đã rót 5,75 triệu USD hồi tháng 1/2013 tại vòng gọi vốn series A. Đến tháng 3/2016, hai quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity (Singapore) và Goldman Sachs Investment Partners (Mỹ) đã đầu tư tổng cộng cho Momo thêm 28 triệu USD ở vòng gọi vốn Series B.
SCOMMERCE – 100 triệu USD
Cuối tháng 10/2019, Scommerce, một nhà cung cấp các dịch vụ logistics tại Việt Nam, công ty mẹ của một số startup như Giao Hàng Nhanh hay AhaMove, xác nhận kêu gọi thành công 100 triệu USD trong vòng gọi vốn do quỹ đầu tư Temasek (Singapore) dẫn dắt. Khoản vốn này dự kiến dùng để mở rộng phạm vi và khả năng hoạt động của công ty con, đồng thời tiếp tục tập trung vào công nghệ tự động hoá.
Ra đời vào năm 2012, Scommerce cung cấp đa dạng dịch vụ giao nhận tại Việt Nam như giao hàng nhanh, giao hàng chặng cuối, cho thuê xe tải và dịch vụ trung tâm xử lý hàng hoá. GHN và AhaMove đang là đối tác giao hàng của một số công ty lớn như Shopee, Tiki, Sendo và Lazada, đồng thời có khoảng hơn 100.000 khách hàng là công ty nhỏ và vừa khác.
TIKI – 75 triệu USD
Hồi tháng 3/2019, trang thương mại điện tử Tiki nhận 75 triệu USD đầu tư trong một vòng gọi vốn series C do quỹ đầu tư Northstar Group (Singapore) dẫn dắt. Vào tháng 6/2019, Nikkei đưa tin Tiki có mục tiêu gọi thêm 100 triệu USD cho vòng gọi vốn từ một số nhà đầu tư Hàn Quốc hiện hữu như Korea Investment Partners, STIC Investments và Sparklabs Ventures, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có thêm thông tin.
Trước đó năm 2017, công ty VinaGame (VNG) đã chi hơn 380 tỷ đồng mua 38% cổ phần của Tiki để trở thành một trong những cổ đông lớn nhất. Đến năm 2018, trang thương mại điện tử lớn JD.com (Trung Quốc) đã rót hơn 44 triệu USD và trở thành cổ đông chính của Tiki.
SENDO – 61 triệu USD
Cuối tháng 11/2019, trang thương mại điện tử Sendo cho biết đã gọi được vốn 61 triệu USD từ ngân hàng Thai Kasikornbank (Thái Lan) và quỹ mạo hiểm Indonesian EV Growth (Indonesia), trong vòng gọi vốn series C để mở rộng các dịch vụ, đầu tư vào công nghệ AI và học máy.
Năm 2018, Sendo thực hiện vòng gọi vốn Series B với giá trị 51 triệu USD từ một số nhà đầu tư như SBI Group, BEENOS, SoftBank Ventures Asia, Daiwa PI Partners và Digital Garage. Sendo thành lập năm 2012 và trực thuộc tập đoàn FPT. Theo đại diện công ty, tổng giá trị giao dịch hàng năm của Sendo đã vượt một tỷ USD.
VNG – 29 triệu USD
Tháng 3/2019, quỹ đầu tư Seletar Investments, đơn vị trực thuộc tập đoàn Temasek Holdings (Singapore) đã đầu tư 29 triệu USD để mua cổ phiếu của công ty VinaGame (VNG), nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty này lên 5,04% vốn điều lệ và 6,35% lượng cổ phiếu đang lưu hành. Trong thương vụ này, VNG đã được định giá ở mức 2,2 tỷ USD.
Được thành lập năm 2004, công ty VNG hoạt động trong các lĩnh vực như trò chơi trực tuyến, nền tảng kết nối, thanh toán điện tử và dịch vụ đám mây. Công ty hiện đang sở hữu các ứng dụng như Zalo, Zing, Zalopay… với 100 triệu người dùng.
TELIO – 25 triệu USD
Tháng 12/2019, Telio tuyên bố nhận vốn 25 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A, được dẫn dắt bởi Quỹ đầu tư Tiger Global (Mỹ), cùng các nhà đầu tư khác là Sequoia Capital India (Mỹ), GGV Capital (Mỹ) và RTP Global (Nga).
Thành lập vào cuối năm 2018, Telio là một nền tảng thương mại điện tử B2B phục vụ các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc hộ gia đình, hiện có hơn 3.000 nhà bán lẻ tại Hà Nội và TP HCM. Công ty có kế hoạch mở rộng tại 4 thành phố khác và đặt mục tiêu phục vụ 15.000 cửa hàng bán lẻ trước tháng 6/2020.
VEXERE – con số chưa tiết lộ
Cuối tháng 12/2019, VeXeRe tuyên bố gọi vốn thành công vòng thứ 4 từ công ty Woowa Brothers (Hàn Quốc), quỹ đầu tư NCore Venture (Hàn Quốc), quỹ đầu tư Access Ventures (Hong Kong) cùng một nhà đầu tư ẩn danh. Thông tin cụ thể về số tiền không được tiết lộ.
Thành lập năm 2013, VeXeRe cung cấp 3 giải pháp chính: ứng dụng đặt vé xe trực tuyến cho khách hàng, phần mềm quản lý cho nhà xe và phần mềm hỗ trợ bán vé cho đại lý.
LUXSTAY – 13,5 triệu USD
Tháng 1/2019, Luxstay thu hút được 3 triệu USD từ quỹ CyberAgent Ventures (Nhật) và các nhà đầu tư khác. Tháng 5/2019, startup này hoàn tất vòng gọi vốn Bridge với giá trị 4,5 triệu USD từ quỹ đầu tư Bon Angels (Hàn Quốc) và công ty bán lẻ GS Shop (Hàn Quốc). Giữa tháng 7/2019, công ty cũng có màn gọi vốn trị giá 6 triệu USD trên chương trình Shark Tank Việt Nam. Những năm trước đó, công ty cũng trải qua một số vòng gọi vốn thành công từ nhiều quỹ ngoại.
Luxstay thành lập từ năm 2017 là một nền tảng kết nối cho thuê nhà ngắn hạn ở phân khúc trung và cao cấp tại Việt Nam, tương tự như Airbnb.
LOZI – 8 chữ số (trên 10 triệu USD)
Lozi huy động được khoản đầu tư lên tới “8 con số” trong vòng gọi vốn dẫn dắt bởi quỹ Smilegate Investment (Hàn Quốc) hồi đầu tháng 11/2019.
Trước đó, năm 2015, Lozi đã nhận khoản đầu tư đầu tiên từ Vietnam Silicon Valley (Việt Nam) khoảng trên dưới 20,000 USD, và thực hiện thêm vòng gọi vốn khác với số tiền đầu tư trên 1 triệu USD từ quỹ đầu tư Golden Gate Ventures (Singapore) và tập đoàn truyền thông DesignOne Japan Inc (Nhật Bản).
Ra đời năm 2013, Lozi ban đầu là một ứng dụng cho phép mọi người tìm kiếm các cửa hàng thực phẩm, đồ uống và cà phê. Hiện startup này có 2 mảng ứng dụng – sàn thương mại điện tử C2C và dịch vụ giao nhận. Sắp tới, công ty có ý định dấn thân vào lĩnh vực gọi xe điện tử đầy khốc liệt với những đối thủ sẵn có như Grab, Be, GoViet. Doanh nghiệp này được kì vọng sẽ đạt doanh thu 31 triệu USD trong năm 2020.
YOLA – 10 triệu USD
Vào cuối tháng 7/2019, Tổ hợp giáo dục Yola được tuyên bố được rót vốn 10 triệu USD từ quỹ đầu tư Kaizen Private Equity (Ấn Độ) chuyên đầu tư vào lĩnh vực giáo dục tại các thị trường mới nổi. Trước đó, Yola cũng đã được quỹ đầu tư Mekong Capital (Việt Nam) đầu tư 4,9 triệu USD năm 2016.
Thành lập năm 2009, Yola chuyên sâu vào chương trình luyện thi, đào tạo tiếng Anh và các khóa học kỹ năng. Hiện công ty đã có 16 trung tâm trên cả nước.
ELSA – 7 triệu USD
Tháng 2/2019, trong vòng Series A, ứng dụng học nói tiếng anh Elsa Speak công bố gọi vốn thành công 7 triệu USD từ một số nhà đầu tư, trong đó dẫn đầu là quỹ mạo hiểm Gradient Ventures (Mỹ) chuyên dành cho AI của Google. Tính đến nay, tổng số tiền huy động được của công ty là 12 triệu USD.
Ra đời năm 2015, Elsa Speak hiện có 4 triệu người dùng tại 101 quốc gia. Tại một số trang xếp hạng của công ty độc lập, Elsa đã xuất hiện trong Top 5 các ứng dụng AI toàn cầu, cùng với phần mềm trợ lý ảo Cortana của Microsoft hay ứng dụng nhắn tin nhanh Google Allo của Google.
Tháng 11/2019, công ty này cũng tuyên bố sẽ tham gia vào thị trường Thái Lan, bằng cách hợp tác độc quyền với tập đoàn giáo dục SEAC tại đây.
LEFLAIR – 7 triệu USD
Tháng 1/2019, Leflair vừa công bố vòng gọi vốn Series B mới nhất từ công ty bán lẻ GS Shop (Hàn Quốc) và Belt Road Capital Management (Campuchia) có trị giá 7 triệu USD. Tại vòng series A trước đó, công ty đã huy động được 3 triệu USD từ quỹ Capital Management Group (Mỹ). Tổng tiền đầu tư mà Leflair đã nhận từ trước đến giờ lên tới 12 triệu USD.
Thành lập cuối năm 2015 tại Việt Nam bởi hai doanh nhân người Pháp, Leflair là một nền tảng thương mại điện tử dành cho người mua hàng hiệu như các hãng thời trang Dior, DKNY, Calvin Klein... Mô hình kinh doanh chính là "flash-sale" (bán online giảm giá trong một khoảng thời gian nhất định).
KIOTVIET – 6 triệu USD
KiotViet đã gọi được 6 triệu USD từ quỹ đầu tư Jungle Ventures (Singapore) và công ty Traveloka (Indonesia) tại vòng gọi vốn series A hồi tháng 8/2019.
Thành lập năm 2014, KiotViet là phần mềm quản lý bán hàng trên nền tảng điện toán đám mây. Công ty cho biết họ có hơn 70.000 cửa hàng đang sử dụng phần mềm, có mặt trên 15 tỉnh thành và đặt tham vọng tăng độ phủ lên 63 tỉnh thành trong hai năm tới.
LOGIVAN – 5,5 triệu USD
Tháng 1/2019, Logivan công bố gọi vốn được 5,5 triệu USD đầu tư từ đối tác Alpha JWC Ventures (Indonesia) và Matrix Partners China (Trung Quốc). Trước đó, công ty đã gọi được 600,000 USD từ quỹ Insignia Ventures Partners (Singapore) vào tháng 4/2018 và gọi thêm được 1,75 triệu USD từ các quỹ Ethos Partners (Singapore), Vinacapital Ventures (Việt Nam) và Insignia Venture Partners (Singapore) vào tháng 8/2018.
Logivan được thành lập năm 2017, là một ứng dụng gọi xe như kiểu “Uber của xe tải”. Công ty cho biết sẽ đầu tư vào phân tích và tích hợp dữ liệu, đồng thời sẽ áp dụng trí tuệ nhân tạo AI nhằm tăng hiệu quả chuỗi cung ứng.
KOBITON – 5,2 triệu USD
Tháng 8/2019, Kobiton nhận 5.2 triệu USD vốn từ quỹ BIP Capital (Mỹ) tại vòng gọi vốn series A, để tập trung vào marketing, hỗ trợ khách hàng và phát triển sản phẩm. Trước đó năm 2018, công ty cũng đã nhận khoản đầu tư 3 triệu USD từ phía quỹ Kinetic Ventures (Mỹ), công ty KMS Technology (Mỹ) và quỹ Service Provider Capital (Mỹ).
Kobiton ra đời năm 2016 do 5 kỹ sư Việt thành lập tại Mỹ, cung cấp phần mềm điện toán đám mây cung cấp giải pháp cho các doanh nghiệp quản lý, truy cập và kiểm thử ứng dụng di động từ xa.
JIO HEALTH – 5 triệu USD
Jio Health đã gọi được vốn 5 triệu USD do quỹ đầu tư mạo hiểm Monk’s Hill Ventures (Singapore) dẫn đầu tại vòng series A hồi tháng 4/2019. Đây là vòng gọi vốn thứ 2. Công ty cho biết họ sẽ sử dụng tiền đầu tư để mở rộng dịch vụ và quy mô đội ngũ hoạt động tại Việt Nam, tương lai sẽ hướng tới thị trường Đông Nam Á.
Startup này được thành lập năm 2014 tại Mỹ và tiếp cận vào thị trường Việt Nam vào giữa năm 2017. Công ty tận dụng công nghệ để cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo yêu cầu, bao gồm thăm khám bác sĩ tại nhà, điều dưỡng chăm sóc, tư vấn sức khỏe từ xa và quản lý bệnh án điện tử.