Theo tiến sỹ Ngô Kiều Oanh - nhóm liên kết Các nhà sản xuất hữu cơ Ba Vì, chương trình xây dựng và phát triển nền nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã được một số học giả đề xuất hơn 10 năm nay, nhưng do không có khuôn chính sách nên chưa phát triển được.

Giống như các lĩnh vực khác trong nông nghiệp, bà Kiều Oanh cho rằng quá trình xây dựng, phát triển nông nghiệp hữu cơ cần bám sát các khía cạnh thực tiễn để vừa xây dựng vừa điều chỉnh cho đến khi hoàn thiện.

Theo các chuyên gia, hiện Việt Nam vẫn chưa có cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp hữu cơ.
Theo các chuyên gia, hiện Việt Nam vẫn chưa có cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp hữu cơ.

Cụ thể theo bà, hệ thống chính sách nông nghiệp hữu cơ cần đạt một số mục tiêu chiến lược như sau: Giải quyết căn bản vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường sinh thái nông nghiệp một cách bền vững, góp phần giảm thiểu hiệu ứng nhà kính thông qua quy trình canh tác hữu cơ trên diện rộng; đảm bảo an ninh thực phẩm dựa trên cơ sở phát triển sức sống nền kinh tế hộ gia đình để đối phó với tác hại trầm trọng của biến đổi khí hậu; tạo bước đột phá trong xuất khẩu cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa dựa trên giá trị gia tăng về nông sản, thực phẩm hữu cơ mang thương hiệu Việt Nam.

Chính sách nông nghiệp hữu cơ cũng chính là nền tảng để xây dựng khung pháp lý giải quyết tệ nạn về thực phẩm hữu cơ giả đang làm mất lòng tin của người tiêu dùng, gây ra nhiều hệ luỵ khác trong xã hội. Thêm nữa, chính sách nông nghiệp hữu cơ cũng sẽ là chỗ dựa tin cậy thu hút dòng đầu tư trong và ngoài nước vốn đang có xu hướng ngày càng tăng lên.


Cho rằng để phát triển nông nghiệp hữu cơ hoặc bất kỳ ngành nghề nào khác đều không thể thiếu được hành lang pháp lý, đại diện Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam - ông Hà Phúc Mịch - kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) xem xét sự phù hợp trong việc ban hành và thực hiện tiêu chuẩn quốc gia do Bộ KH&CN ban hành năm 2015 (TCVN 11041:2015). Theo ông, cần có các văn bản hướng dẫn thực hiện tiêu chuẩn quốc gia của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.

Ông Mịch cũng kiến nghị Nhà nước có chính sách ưu tiên dành vốn ngân sách cho các nhà khoa học có tâm huyết với phát triển nông nghiệp hữu cơ, các viện nghiên cứu, trường đại học tập trung nghiên cứu về phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam, đào tạo nguồn nhân lực (nhân lực khoa học và nhân lực thực hành).

“Đến nay, chưa có một trường cao đẳng, đại học hay cơ sở nào đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, ngoại trừ Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Bộ ở Xuân Mai, Hà Nội - nơi nhận được sự hỗ trợ của dự án nước ngoài (dự án ADDA của Đan Mạch)” - ông Hà Phúc Mịch bày tỏ. Ông cũng cho rằng cần thực hiện chính sách giảm thuế, miễn thuế có thời hạn đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.