Hiện nay, nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm gạo đặc sản, nguyên chủng ngày càng lớn và đã có doanh nghiệp bắt tay vào việc khôi phục, nhân rộng các giống lúa quý này để cung ứng.


Đây là việc rất đáng ủng hộ, nhất là về chính sách của Nhà nước; song để thành công, trước hết doanh nghiệp cần hiểu rõ phân khúc thị trường này để có bước đi phù hợp.

Sở dĩ tôi đặt vấn đề như vậy là vì chính sách phát triển thị trường vẫn là yếu tố trọng yếu của nông nghiệp Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xây dựng các chính sách để phát triển thị trường nông nghiệp dường như còn rất ít được quan tâm hoặc chưa đúng hướng, chưa hiệu quả.

Đặc biệt, thị trường xuất khẩu đang phụ thuộc vào 3 bộ, mỗi bộ quyết định một khâu trong khi cơ chế liên kết còn yếu (cụ thể là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách việc sản xuất, Bộ Tài chính phụ trách về giá, Bộ Công Thương phụ trách việc xúc tiến thương mại). Khi liên kết này yếu, sẽ rất khó để tìm được tiếng nói chung, thống nhất.


Chính vì thế, khi doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lúa gạo bước chân vào “sân chơi” thuộc phân khúc thị trường cao hơn (so với phân khúc bình dân mà phần lớn các sản phẩm lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp cận), phải biết rõ nhu cầu của đối tượng tiêu dùng mình hướng đến nhằm tạo ra các sản phẩm có khả năng đáp ứng cho họ.

Cần nghiên cứu và phân tích thị trường một cách có chiến lược, có trọng tâm, từ đó thực hiện các bước đi bài bản, đầu tư cơ sở vật chất để triển khai sản xuất, từ khâu giống, quy trình canh tác đến nhà máy chế biến sau thu hoạch... Song song với việc chuẩn bị cho sản xuất, doanh nghiệp cũng cần xúc tiến các hoạt động quảng cáo, tiếp thị, tìm kiếm khách hàng. Để có đơn đặt hàng trước khi bắt tay vào sản xuất, doanh nghiệp có thể kết nối với các siêu thị lớn ở nước ngoài và đàm phán, ký hợp đồng với họ.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Nhà nước cần có chính sách về thị trường cho nông nghiệp nhằm tận dụng mạnh mẽ các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam; tạo cơ chế để doanh nghiệp thực hiện xúc tiến thương mại, còn Nhà nước đóng vai trò ''mở thị trường''. Đồng thời, Nhà nước cũng cần có cơ chế hỗ trợ về vay vốn với lãi suất ưu đãi, đất đai... để tạo động lực cho doanh nghiệp tham gia quảng bá các sản phẩm gạo quý của Việt Nam.