Hệ thống tiêu chuẩn quốc tế
Năm 1999, Uỷ ban An toàn thực phẩm Codex đã ban hành tiêu chuẩn CAC/GL 32-1999 hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ. Bản soát xét mới nhất vào năm 2013 đã bao gồm các tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ trong trồng trọt và chăn nuôi. Cho đến nay, tiêu chuẩn này được xem là nền tảng để hình thành các tiêu chuẩn của khu vực.
Năm 2007, Liên minh châu Âu ban hành quy định EC834/2007 về sản xuất và gắn nhãn sản phẩm hữu cơ và quy định EC889/2008 để hướng dẫn chi tiết thực hiện nó, trong đó đề cập tới các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, sản phẩm chế biến, thu gom, đóng gói, vận chuyển và bảo quản, quy tắc chuyển đổi, quy tắc sản xuất ngoại lệ.
Năm 2014, trong khuôn khổ hoạt động của Uỷ ban Tư vấn về tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp của ASEAN (ACCSQ) mà Tổng cục TC-ĐL-CL là đại diện của Việt Nam tham gia, nhóm công tác đặc biệt của ASEAN đã hình thành tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ (NNHC) của ASEAN (ASOA) với nội dung được xây dựng dựa trên nền tảng tiêu chuẩn của Codex.
Sản phẩm chè hữu cơ của Ecolink được sản xuất theo tiêu chuẩn USDA-NOP. Ảnh: P. Nguyên
Hiện nay, 87 nước đã ban hành tiêu chuẩn quốc gia hoặc quy định về NNHC. Tại Việt Nam, năm 2015, Bộ KH&CN công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041:2015 hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ, được xây dựng trên cơ sở của tiêu chuẩn quốc tế Codex CAC/GL 32-1999, soát xét 2007, sửa đổi 2013. Hoạt động chứng nhận NNHC tại Việt Nam thời gian qua chủ yếu được thực hiện bởi một số tổ chức chứng nhận nước ngoài, đánh giá chứng nhận theo các tiêu chuẩn của USDA-NOP hay EC834/2007 để phục vụ yêu cầu cụ thể của một số thị trường xuất khẩu.
Theo thống kê sơ bộ, Việt Nam hiện có 18 doanh nghiệp được chứng nhận theo tiêu chuẩn USDA-NOP và 12 doanh nghiệp được chứng nhận theo tiêu chuẩn EC 834/2007. Hoạt động tự đánh giá, tự công bố theo hình thức của chương trình hệ thống đảm bảo cùng tham gia PGS của IFOAM đã được triển khai tại 6 hệ thống gồm Sóc Sơn (Hà Nội), Lương Sơn và Tân Lạc (Hoà Bình), Trác Văn (Hà Nam), Hội An, Bến Tre, thu hút 298 thành viên là các hộ nông dân, cung cấp khoảng 714 tấn rau mỗi năm cho thị trường nội địa.
Sửa đổi tiêu chuẩn quốc gia
Trong việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia TCVN về NNHC, quan điểm tiếp cận là phải hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp với tiêu chuẩn đã thống nhất trong ASEAN để đảm bảo yêu cầu hội nhập, đồng thời phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Trong năm 2017, Tổng cục TC-ĐL-CL sẽ tổ chức soát xét sửa đổi tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041:2015 để đảm bảo thuật ngữ, ngôn ngữ, văn phong, các nội dung hướng dẫn dễ hiểu hơn; xây dựng, công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN về chương trình chứng nhận sản phẩm NNHC trên cơ sở của nguyên tắc chứng nhận được quy định tại ISO/IEC 17065 và các yêu cầu đặc thù của lĩnh vực.
Tổng cục cũng xác định cần tiếp tục xem xét, tổ chức xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia TCVN nhằm hướng dẫn chi tiết quá trình sản xuất hữu cơ trong một số lĩnh vực cụ thể như trồng trọt hay chăn nuôi, gắn việc xây dựng tiêu chuẩn quốc gia TCVN về sản phẩm hữu cơ cho một số sản phẩm cụ thể có tiềm năng xuất khẩu lớn như gạo, càphê, tôm... với mục tiêu phát triển sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu quốc gia.
Giống như thế giới, hoạt động chứng nhận sản phẩm NNHC của Việt Nam không phải chứng nhận về an toàn mà là hoạt động chứng nhận tự nguyện để khẳng định sự tin cậy và chính xác của công bố thông tin về đặc tính sản xuất hữu cơ trên nhãn sản phẩm. Mục đích là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi chấp nhận bỏ chi phí lớn hơn cho sản phẩm hữu cơ. Trên quan điểm đó, Tổng cục TC-ĐL-CL đang xây dựng hệ thống chứng nhận NNHC theo cơ chế tự nguyện do tổ chức chứng nhận bên thứ ba thực hiện trên cơ sở của nguyên tắc chứng nhận được quy định tại ISO/IEC 17065, chứng nhận việc xử lý các hoạt động và quá trình sản xuất sản phẩm hữu cơ phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia TCVN trong lĩnh vực này.
Tổng cục TC-ĐL-CL cũng cho rằng cần khuyến khích và ghi nhận sự nỗ lực của các chương trình tự đánh giá, tự công bố như chương trình Hệ thống đảm bảo cùng tham gia (PGS) của IFOAM mà Hội NNHC Việt Nam đang thúc đẩy triển khai. Khuyến khích các hình thức tự công bố phù hợp tiêu chuẩn với sự giám sát, thanh, kiểm tra của các cơ quan chức năng là một phương thức quản lý chất lượng mà tổng cục đang đẩy mạnh.
Cơ quan này cũng khuyến khích các đơn vị sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất NNHC nói riêng đăng ký trong hệ thống mã số, mã vạch quốc gia.
Trái với các hệ thống thiết lập QR Code tự phát hiện nay, hệ thống mã số, mã vạch quốc gia cùng với các tiêu chuẩn ứng dụng phù hợp tiêu chuẩn quốc tế GS1 (ví dụ như GS1 QR Code) là cơ sở dữ liệu về tổ chức, đơn vị sản xuất nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp nói chung và NNHC nói riêng được đăng ký xác thực và đảm bảo độc lập, duy nhất trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về mã số, mã vạch cũng như trong cơ sở dữ liệu mã số, mã vạch kết nối với quốc tế, hỗ trợ cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm có xác thực thông tin.