“Cái gọi là tiến bộ sẽ không có ý nghĩa gì nếu nó chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm nhỏ, một số người, nếu nó không góp phần xóa đói giảm nghèo, giảm thiểu bất bình đẳng ở thế giới chúng ta đang sống” - bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO, nói.
Quan điểm trên được bà chia sẻ ngày 24/8tại lễ ký thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) về việc thành lập 2 trung tâm khoa học dạng 2 về toán học và vật lý tại Việt Nam được UNESCO công nhận và bảo trợ.
Theo bà Irina Bokova, 2 trung tâm này sẽ góp phần xây dựng mạng lưới các nhà nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, hỗ trợ các nước còn đang tụt hậu.
Bà Irina Bokova nhìn nhận, thời gian qua Việt Nam đã có những tiến bộ tuyệt vời về giáo dục và đang đặt ra những trọng tâm mới về khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo, coi đây là những động lực thúc đẩy sự phát triển chung.
Khẳng định sự tương đồng về quan điểm, tầm nhìn chung, bà Irina Bokova cho rằng Việt Nam và UNESCO sẽ cùng nhau thúc đẩy mục tiêu này bằng cách xây dựng một nền khoa học mạnh mẽ hơn, mang tính chất kết nối hơn; cần có một nền khoa học được hội nhập, tích hợp sâu sắc với chính sách.
Tổng Giám đốc UNESCO nhấn mạnh, việc đưa các tiến bộ góp phần xóa đói giảm nghèo, giảm thiểu bất bình đẳng là lý do giáo dục, KH&CN, đổi mới sáng tạo là trái tim, trọng tâm của một chương trình nghị sự toàn cầu mới và cũng thể hiện tầm quan trọng của việc ký kết hai trung tâm toán học và vật lý tại Việt Nam.
“Nó quan trọng không chỉ đối với bản thân Việt Nam mà còn cả với UNESCO. Đây là các trung tâm đào tạo sau đại học về vật lý và toán học, là những trung tâm đầu tiên được thành lập trên thế giới. Với UNESCO, ý nghĩa của nó là góp phần vào việc thực hiện chương trình đào tạo về khoa học cơ bản cũng như vật lý lý thuyết” - bà Irina Bokova nói.
Theo bà Irina Bokova, thế giới rất cần đến khoa học cũng như các nhà khoa học. Chính vì vậy, việc tạo lập một mạng lưới các nhà nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo là cần thiết.
“Nó sẽ góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, giúp cho các nước hiện còn tụt lại phía sau. Việc xây dựng mạng lưới là điều chúng tôi hết sức quan tâm thông qua các hoạt động của chương trình về khoa học cơ bản quốc tế hay nghiên cứu vật lý lý thuyết của UNESCO. Chúng tôi sẽ ưu tiên giúp các khu vực kém phát triển hơn như châu Phi” - bà Irina Bokova cho biết các hoạt động sẽ được triển khai dưới sự bảo trợ của UNESCO sau khi 2 trung tâm dạng 2 của Việt Nam thành lập chính thức.
Cho rằng thế giới đã và đang thực hiện các SDG (các mục tiêu phát triển bền vững), bà Irina Bokova khẳng định để thực hiện các mục tiêu này thì từ nay đến năm 2030 chúng ta phải có thêm hơn 1 triệu nhà khoa học.
“Trong lĩnh vực này, chúng tôi rất mong đợi vào chuyên môn của các nhà khoa học và Việt Nam có sự tham gia quý báu của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam - nơi đặt trụ sở của 2 trung tâm. Đây là sự tham gia rất tốt vào sự phát triển chung của quốc tế để qua đó, chúng ta cùng đạt tới mục tiêu phát triển bền vững” - bà Irina Bokova kỳ vọng.
Ngày 24/8, tại trụ sở Bộ KH&CN, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh thay mặt Chính phủ Việt Nam đã cùng bà Irina Bokova ký thỏa thuận thành lập 2 trung tâm khoa học dạng 2 về toán học và vật lý tại Việt Nam được UNESCO công nhận và bảo trợ.
Các trung tâm này được thành lập nhằm phát triển, hỗ trợ khoa học cơ bản cho các nước trong khu vực, hướng tới các nước châu Á/ Thái Bình Dương/châu Phi; đóng góp vào các chương trình của UNESCO thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo và hoạt động khác ở cấp quốc gia cũng như khu vực.
Trung tâm sẽ tham gia các dự án nghiên cứu quốc tế với sự hợp tác của IBSP (chương trình Khoa học cơ bản quốc tế), ICTP (Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế) thuộc UNESCO và các tổ chức khoa học khác; tổ chức các sự kiện khoa học và chuyển giao tri thức thông qua các hoạt động ngắn hạn, bao gồm các lớp học, hội thảo, hội nghị, seminar phù hợp với các chương trình của UNESCO.
|