Sáng 24/8, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh thay mặt Chính phủ Việt Nam đã cùng bà Irina Bokova - Tổng Giám đốc UNESCO - ký thỏa thuận thành lập 2 trung tâm khoa học dạng 2 về toán học và vật lý tại Việt Nam được UNESCO công nhận và bảo trợ.
Lễ ký kết thỏa thuận diễn ra với sự chứng kiến của đại diện lãnh đạo Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc) Việt Nam và các đơn vị có liên quan.
Việc ký kết thỏa thuận giúp Việt Nam tăng cường hợp tác không chỉ với các nước trong khu vực ASEAN và châu Á mà cả với các nước phát triển, đang phát triển khác thông qua mạng lưới của UNESCO, nâng cao vị thế của khoa học Việt Nam đối với khu vực và quốc tế, góp phần đóng góp cho sự phát triển khoa học cơ bản của khu vực và trên thế giới.
Đặc biệt, việc thành lập hai trung tâm dạng 2 này cũng phù hợp với Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ về mục tiêu hình thành các tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đạt trình độ khu vực và thế giới.
Đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, Bộ KH&CN và cá nhân Bộ trưởng Chu Ngọc Anh về những cố gắng trong việc thành lập 2 trung tâm cũng như những cam kết để 2 trung tâm này hoạt động hiệu quả, bà Irina Bokova tin tưởng về sự thành công trong tương lai.
Theo bà Irina Bokova, Việt Nam là quốc gia đi tiên phong trong UNESCO với 8 di sản thế giới, 11 di sản được đưa vào danh sách các di sản văn hóa phi vật thể, 9 khu dự trữ sinh quyển... và nay danh sách được bổ sung bởi 2 trung tâm mới.
"Tôi tin tưởng những trung tâm quốc tế này sẽ đóng vai trò trụ cột trong việc thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của ASEAN cũng như cả khu vực châu Á, châu Phi, hỗ trợ hoạt động đào tạo nâng cao năng lực thể chế cũng như thúc đẩy hoạt động chính sách công mạnh mẽ hơn" - bà Irina Bokova nói.
Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết đây là lần đầu tiên Việt Nam có trung tâm khoa học dạng 2 được UNESCO công nhận và bảo trợ, và trở thành một trong 4 quốc gia ASEAN có trung tâm khoa học dạng 2 trong lĩnh vực khoa học tự nhiên được UNESCO công nhận và bảo trợ.
"Chúng tôi tin tưởng rằng, 2 trung tâm khoa học dạng 2 này của Việt Nam sẽ góp phần cho sự phát triển khoa học cơ bản của khu vực và trên thế giới" - Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói. "Việt Nam mong muốn thể hiện trách nhiệm đối với việc phát triển khoa học cơ bản theo những mục tiêu mà UNESCO đề ra, hỗ trợ các quốc gia trong khu vực và các quốc gia đang phát triển khác trong 2 lĩnh vực toán và vật lý".
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng cũng cam kết ủng hộ cao nhất đối với hoạt động của hai trung tâm:"Chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện cần thiết về thể chế, tài chính, nhân lực… để hai trung tâm hoạt động hiệu quả, tích cực tham gia Chương trình khoa học cơ bản quốc tế của UNESCO và đạt được các mục tiêu chung của UNESCO đề ra".
Hai trung tâm có mục tiêu phát triển, hỗ trợ khoa học cơ bản cho các nước trong khu vực, hướng tới các nước châu Á/ Thái Bình Dương/ Châu Phi; đóng góp vào các chương trình của UNESCO thông qua các hoạt động: nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo, và hoạt động khác ở cấp quốc gia cũng như khu vực.
Trung tâm sẽ tham gia vào các dự án nghiên cứu quốc tế với sự hợp tác của IBSP (Chương trình Khoa học cơ bản quốc tế), ICTP (Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế) thuộc UNESCO và các tổ chức khoa học khác; tổ chức các sự kiện khoa học và chuyển giao tri thức thông qua các hoạt động ngắn hạn, bao gồm các lớp học, hội thảo, hội nghị, seminar phù hợp với các chương trình của UNESCO.