BIS gọi sự kiện gắn với biến đổi khí hậu có khả năng gây rối loạn tài chính cực kì nghiêm trọng dẫn tới khủng hoảng đó là "thiên nga xanh" (green swan) - tương tự như khái niệm "thiên nga đen" - tức những diễn biến bất ngờ, không chắc chắn và xác suất xuất hiện không được phản ánh trong những dữ liệu hoặc hiểu biếtquá khứ.
Nhận định nêu trên không hề vô căn cứ. Hãy tưởng tượng một cuộc khủng hoảng bất động sản gây ra bởi nước biển dâng và ngập lụt ven biển khiến hàng ngàn km2 đất không thể ở hoặc sử dụng cho nông nghiệp. Các nhà kinh tế đã nhìn thấy dấu hiệu này và thậm chí đo đạc được tác động của chúng. Chẳng hạn,
nghiên cứu của TS Asaf Bernstein và các cộng sự tại ĐH Colorado và ĐH bang Pennsylvania cho thấy những khu vực bất động sản có khả năng chìm xuống nếu nước biển dâng lên 30 cm hiện có giá bán thấp hơn 15% so với những khu vực tương đương không có nguy cơ ngập lụt.
Cựu chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Thế chấp Mỹ Michael Berman đánh giá, mức sụt giảm giá trị tài sản như vậy có khả năng
lan truyền trong hệ thống tài chính, đe dọa với những khoản vay dài hạn 20-30 năm và làm suy yếu khả năng tiếp cận tài chính của những nơi vốn đã nghèo khổ hoặc luôn phải vật lộn với lụt lội.
Biến đổi khí hậu cũng vừa được Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC) nhắc đến lần đầu tiên trong
báo cáo tháng 9/2020 như một “rủi ro hệ thống” đối với ngành tài chính-ngân hàng của nước này. Những tác động phức tạp của nó bao gồm các đợt điều chỉnh giá hỗn độn đối với nhiều loại tài sản khác nhau, nguy cơ lan sang khu vực khác trong hệ thống tài chính và khả năng gián đoạn hoạt động của toàn bộ thị trường tài chính.
Đó là chưa kể, bản thân quá trình chống biến đổi khí hậu đòi hỏi phải chuyển đổi quy mô lớn sang nền kinh tế không phát thải ròng carbon và điều này gây rủi ro cho hệ thống tài chính nếu thị trường và những người tham gia thị trường không thể thích ứng với những thay đổi nhanh chóng về chính sách, công nghệ, và sở thích của người tiêu dùng. Chẳng hạn, nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) do chính phủ Đức tài trợ năm 2017 đã cảnh báo
khối tài sản toàn cầu lên tới 20 nghìn tỷ USD có nguy cơ bị "mắc cạn" - tức trở nên vô giá trị vào năm 2050 khi thế giới ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Trong khi đó, báo cáo từ tổ chức thúc đẩy thị trường vốn bền vững Ceres công bố tháng 10/2020 cảnh báo, nhiều ngân hàng lớn nhất ở Mỹ đã đánh giá quá thấp rủi ro của các danh mục cho vay hợp vốn trước những thay đổi về chính sách biến đổi khí hậu hoặc tâm lý tiêu dùng.
Báo cáo của Ceres lập luận rằng, việc ngân hàng thương mại hoặc ngân hàng đầu tư cho vay nhiều vào các công ty nhiên liệu hóa thạch chỉ mang lại rủi ro thua lỗ ở mức khiêm tốn nếu những công ty này mất đi, nhưng khi cộng thêm
rủi ro cho vay đối với những ngành khác bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu - chẳng hạn như nông nghiệp, xây dựng, giao thông... - thì tổng rủi ro sẽ tăng vọt lên hơn một nửa giá trị khoản vay của ngân hàng. Những ông lớn như JP Morgan, Citigroup, Morgan Stanley, Goldman Sachs và Bank of America đều có tên trong danh sách báo động này.
“Các ngân hàng không chỉ bị thua lỗ từ các khoản vay trong một số ngành công nghiệp lớn, mà việc bảng cân đối tài sản của họ nhanh chóng bị suy thoái sẽ khiến các ngân hàng không thể cho vay lẫn nhau”, cây bút tài chính David Callaway
nhận xét. Đây chính là những gì đã xảy ra với ngân hàng Lehman Brothers và Bear Stearns trong cuộc khủng hoảng năm 2008 khiến họ rơi vào tình cảnh phá sản.
Các ngân hàng trung ương bắt đầu hành động
Việc nhận diện và cảnh báo nguy cơ của biến đổi khí hậu đối với hệ thống ngân hàng mới chỉ thực sự nổi lên trong vài năm gần đây. Nhìn chung, so với nhiều ngân hàng trung ương khác, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã chậm chạp hơn trong việc đề cập những rủi ro khí hậu, một phần do sự phân cực chính trị trong quan điểm ủng hộ hoặc phủ nhận biến đổi khí hậu ở quốc gia này. Tuy nhiên, từ đầu năm ngoái, FED đã bắt đầu nói về những nguy hiểm mà biến đổi khí hậu có thể gây ra đối với hệ thống tài chính. Nhiều
giám đốc chi nhánh của FED cho biết, cơ quan này đang tính đến "các sự kiện thời tiết khắc nghiệt" trong vai trò giám sát tài chính của mình và coi những biến động gắn với biến đổi khí hậu “ngày càng liên quan”.
Ở bên kia đại dương, không ít ngân hàng trung ương của châu Âu cũng đã bắt đầu có các điều chỉnh. Đầu năm 2020, bà Christine Lagarde, chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), cơ quan điều hành chính sách tiền tệ của khu vực đồng Euro, đã cam kết
đưa biến đổi khí hậu vào chương trình nghị sự của mình.
Một liên minh toàn cầu mang tên Mạng lưới xanh hóa hệ thống tài chính (NGFS) - gồm 74 ngân hàng trung ương, trong đó có các nước châu Á như Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Malaysia và Thái Lan nhưng không có Mỹ, được thành lập từ năm 2017 nhằm đưa các rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu vào hoạt động thanh tra và giám sát ổn định tài chính của hệ thống ngân hàng toàn cầu.
Năm ngoái, trong bức thư ngỏ ký chung với chủ tịch NGFS, thống đốc ngân hàng trung ương Anh và Pháp đã nhấn mạnh những nguy cơ của biến đổi khí hậu đối với nền kinh tế toàn cầu. Họ đề cập, để đạt mức phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050, trong thập kỷ tới, cần giảm lượng phát thải khí nhà kính này 45% so với mức của năm 2010 và điều đó đòi hỏi sự
phân bổ lại vốn, hệ quả là dẫn đến những rủi ro như làm gián đoạn về lao động, công nghệ và biến động chính trị-xã hội.
Hiện nay, NGFS đã bắt tay xây dựng một cơ chế phân loại các hoạt động kinh tế thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Liên minh châu Âu (EU) cũng đang nghiên cứu một hệ thống phân loại của riêng mình, được theo dõi chặt chẽ bởi các cơ quan quản lý trên toàn thế giới.
Những người đứng đầu hệ thống tài chính của các quốc gia thành viên NGFS cảnh báo, nếu các ngành và công ty không tính đến tác động của biến đổi khí hậu trong các điều chỉnh hoặc kế hoạch của mình thì khó mà tồn tại được. Họ cũng nói rằng các ngân hàng trung ương nên "làm gương" bằng cách làm cho hoạt động của chính họ bền vững hơn. Quan trọng nhất, họ kêu gọi
sự phối hợp đồng bộ hơn trong chính sách tiền tệ giữa các quốc gia để cùng đối phó với một vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu.