Các mối lo về kinh tế không còn là tâm điểm trong kết quả Khảo sát nhận thức về các rủi ro toàn cầu như cách đây 15 năm.
Khi Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần đầu đưa ra Khảo sát nhận thức về các rủi ro toàn cầu GRPS vào năm 2006, rủi ro kinh tế chiếm hầu hết vị trí dẫn đầu về khả năng xảy ra cũng như mức độ tác động.
Sau hơn 15 năm và một cuộc Đại suy thoái (2007-2009), nền kinh tế thế giới một lần nữa phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng như sự bất bình đẳng, chủ nghĩa bảo hộ và sự chậm phát triển, nhưng các rủi ro kinh tế đã không còn là tâm điểm trong kết quả Khảo sát. Trong Báo cáo các rủi ro toàn cầu gần nhất, năm 2020, tất cả 5/5 rủi ro đứng đầu theo khả năng xảy ra và 3/5 rủi ro đứng đầu theo tác động đều liên quan đến môi trường. Xu thế này đã gia tăng và càng trở nên rõ nét từ năm 2016.
Một vấn đề rủi ro chiếm lĩnh toàn bộ nội dung Khảo sát là điều chưa từng xảy ra trước đây. Ngay cả khi cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 diễn ra, những mối lo ngại về kinh tế cũng chỉ chiếm 3/5 vị trí dẫn đầu theo khả năng xảy ra và 4/5 vị trí dẫn đầu theo tác động. Vì sao nhận thức rủi ro thay đổi rõ rệt từ kinh tế sang khí hậu như vậy? Bốn xu hướng sau có thể giải thích cho sự dịch chuyển đó.
1. Biến đổi khí hậu trở thành mối quan tâm hàng đầu của giới trẻ
Ngày nay, giới trẻ trên toàn cầu rất quan tâm đến số phận của Trái đất. Khoảng 90% số người từ cộng đồng các nhà hoạch định trên toàn cầu của WEF tham gia Khảo sát tin rằng hiện tượng “nhiệt độ cực đoan”, “hệ sinh thái bị phá hủy” và “sức khỏe bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm” sẽ càng tồi tệ hơn vào năm 2020. Họ cũng cho rằng những vấn đề này sẽ gây ra các tác động cực đoan trong thời gian tới.
Giới trẻ toàn cầu đã lên tiếng, không chỉ qua mạng xã hội mà còn qua lá phiếu của họ. Năm ngoái, hàng triệu học sinh trên toàn thế giới đã tham gia các cuộc biểu tình vì khí hậu. Cuộc thăm dò gần đây cũng cho thấy chính sách môi trường sẽ là mối quan tâm lớn của giới trẻ Mỹ trong cuộc bầu cử năm 2020. Chủ nghĩa hành động của thế hệ trẻ đã ảnh hưởng tới các nhận thức về rủi ro toàn cầu.
2. Thông tin nhiều hơn và bao quát hơn
Nhiều dữ liệu chính xác hơn về biến đổi khí hậu đã được công bố trong những năm gần đây. Bên cạnh những báo cáo thường xuyên của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu IPCC, Báo cáo đánh giá toàn cầu của tổ chức liên chính phủ IPBES về đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái đã được công bố vào tháng 5/2019. Đây là báo cáo nghiên cứu đa dạng sinh học lớn nhất, xem xét hơn 15.000 ấn phẩm từ các nguồn khoa học và chính phủ để xác định các xu hướng chính trên Trái đất và đưa ra kết luận có thẩm quyền.
Tương tự, HadSST4 - bộ dữ liệu về nhiệt độ mặt nước biển được sử dụng rộng rãi nhất, đã được cập nhật năm ngoái, cho thấy các đại dương ấm hơn so với ước tính trước đây.
Cả hai nguồn dữ liệu nói trên đều cảnh báo một tương lai tàn khốc hơn nhiều của Trái đất và khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại để ngăn chặn điều đó.
3. Tác động trực tiếp từ biến đổi khí hậu
Các hiện tượng thời tiết cực đoan đã xuất hiện ở mọi châu lục và tần suất thiên tai xảy ra tăng lên 1 lần/tuần. Trong vài năm qua, Bỉ, Pháp, Đức, Luxembourg, Hà Lan và Vương quốc Anh ghi nhận những đợt nắng nóng kỷ lục. Những vụ cháy rừng lớn đã xảy ra ở Nam Mỹ, Úc, Canada, Chile, Tây Ban Nha. Trong khi đó, Bangladesh, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Sri Lanka ghi nhận những vụ hạn hán nghiêm trọng và kéo dài. Ngày càng có nhiều người cảm nhận được tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là những người từng sống ở những khu vực mà trước đó chưa hề bị ảnh hưởng và không nghĩ rằng mình có khả năng bị ảnh hưởng.
4. Coi trì trệ kinh tế không phải là rủi ro
Các thế hệ sau có thể không còn coi một nền kinh tế bấp bênh là một rủi ro, mà chỉ đơn giản coi đó là một thực tế. Ví dụ, những người Mỹ sinh trong khoảng từ năm 1980 - 1989 kém giàu có hơn 34% so với các thế hệ trước, 67% thanh niên Mỹ La tinh đã phải trải qua sự bất ổn về tài chính, và những người trong độ tuổi 30 ở Vương quốc Anh là nhóm người đầu tiên sau chiến tranh không bắt đầu lao động với với thu nhập cao hơn các thế hệ trước.
Xét cho
cùng, những năm 2010 là thời kỳ hậu khủng hoảng với tốc độ tăng trưởng
chậm nhất kể từ những năm 1970. Nền kinh tế thế giới đã chững lại ở mức
tăng trưởng xấp xỉ 3% kể từ cuộc Đại suy thoái 2007-2009.
Rõ ràng, nhiều bên liên quan đang lo lắng cho số phận của Trái đất. Điều này chứng tỏ nhận thức về môi trường đã tốt hơn. Người ta hi vọng rằng những nhận thức đó sẽ được chuyển thành hành động thiết thực.
Tuy nhiên, các rủi ro môi trường và kinh tế luôn có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Việc chỉ nhìn thấy rủi ro từ một phía có thể tạo ra các điểm mù và khiến chúng ta thiếu những nỗ lực chung làm dịu tác động.
Nền kinh tế ổn định trong thập kỷ qua đã thúc đẩy các hành động vì môi trường phát triển. Nhưng bối cảnh kinh tế khó khăn có thể cản trở những tiến bộ của nhiều năm qua. Nền kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu chững lại trong nhiều năm tới, và nếu các bên liên quan tách biệt rủi ro kinh tế và môi trường thì khả năng cao là trong tương lai gần, những mối lo về kinh tế và chính trị tức thời sẽ xuất hiện, bám rễ và lấn át những mối lo về môi trường trong nhận thức của con người.