Quá trình phát triển bền vững trên toàn cầu đang bị giới hạn bởi những hiểu lầm thường thấy như pin là tồi tệ, hành động bền vững là bất tiện hay những thách thức lớn cần sự can thiệp từ những gã khổng lồ…

Lầm tưởng số 1: Đột phá là chỉ về những cái mới

Đột phá công nghệ số thường gợi lên hình ảnh của các thành phố tương lai hiện đại, tủ lạnh biết nói, robot hay xe tự hành. Thực tế chúng ít mang tính khoa học viễn tưởng như vậy. Việc cập nhập và số hóa những cơ sở hạ tầng hiện tại có thể đem lại lợi ích môi trường to lớn. Vài năm trước, sáng kiến các trung tâm hạ tầng toàn cầu của nhóm các nước G20 đã đưa ra một dự án đầu tư hạ tầng khổng lồ trị giá 97 nghìn tỷ USD đến năm 2040 nhằm đạt được những chỉ tiêu nêu ra cho Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc. Nhưng thay vì thực hiện những đòi hỏi ‘sụn lưng’ cho hạ tầng mới, các quốc gia nên tận dụng nhiều hơn những hạ tầng đã có.

Tiềm năng doanh thu của 5 khu vực kinh tế truyền thống và kinh tế chia sẻ
Tiềm năng doanh thu của 5 khu vực kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống

Điều tương tự cũng đúng với các chuỗi giá trị ngành. Chúng ta không cần phải bắt đầu lại từ đầu. Các chuỗi giá trị toàn cầu đang chiếm hơn 80% dòng chảy thương mại và cung cấp 1/5 số việc làm trên toàn thế giới. Mặc dù việc mở ra những cơ hội mới cho startup là điều quan trọng, ta vẫn cần phải trân trọng những đóng góp của các doanh nghiệp đang hoạt động và giúp họ chuẩn bị sẵn sàng cho những gián đoạn chuỗi giá trị sắp tới.

Lầm tưởng số 2: Những thách thức lớn cần sự can thiệp lớn từ những gã khổng lồ

Ở cả khu vực tư và công, các tổ chức lớn đều chịu áp lực ngày càng tăng khi đóng vai trò dẫn dắt trong cuộc chiến chống lại những vấn đề nghiêm trọng toàn cầu. Tuy nhiên, sự khác biệt mà các doanh nhân xã hội đang tạo ra hướng tới các Mục tiêu phát triển bền vững cũng rất ấn tượng.

Khi Quỹ Schwab công bố danh sách các nhà đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực xã hội của năm 2019, thật thú vị khi biết cách họ đã giúp những người tiên phong xích lại gần nhau hơn. Có thể nói, những vấn đề như nghèo đói, bất bình đẳng và biến đổi khí hậu đều là thách thức quá lớn và phức tạp để bất kỳ một doanh nhân hay tổ chức đơn lẻ nào có thể tự giải quyết một mình. Do vậy, con đường phía trước đòi hỏi phải có sự tương tác năng động và quan hệ đối tác của nhiều bên liên quan.

Cách suy nghĩ như vậy khá thú vị. Có lẽ những công nghệ kích hoạt niềm tin như blockchain có thể giúp ích bằng cách cho phép các đối tác bỏ qua những người trung gian, tránh nguy cơ sai sót, trì hoãn, quan liêu và thông tin dắt mũi.

Lầm tưởng số 3: Những “gã khổng lồ” đó không được chào đón trong nền kinh tế chia sẻ

Khi nói về nền kinh tế chia sẻ, hình ảnh nảy ra trong đầu chúng ta sẽ là những dịch vụ chia sẻ cuốc xe, đạp xe miễn phí hoặc lưu trú kiểu Airbnb. Thường dân, dựa vào cộng đồng và theo nguyên tắc ngang hàng là những đặc tính cơ bản của kinh tế chia sẻ. Người ta cho rằng kinh tế chia sẻ sinh ra để phá hủy các ngành công nghiệp truyền thống chứ không phải củng cố chúng, nhưng điều này liệu có đúng?

Kinh tế chia sẻ có nhiều nguyên tắc áp dụng cho những ngành nghề khác
Kinh tế chia sẻ đã phát triển ở nhiều nơi trên thế giới

Thực tế chỉ ra rằng rất nhiều tổ chức tư nhân và chính phủ có thể học hỏi từ nguyên tắc hình thành kinh tế chia sẻ. Chẳng hạn đã có những nền tảng công nghệ cộng tác để kết nối các công ty lại với nhau, nhằm cùng giải quyết các thách thức toàn cầu như gia tăng bất ổn địa chính trị, khan hiếm tài nguyên và chi phí đầu vào ngày càng cao. Bằng việc hợp tác với các đối thủ, những tập đoàn lớn có thể tạo ra công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh bền vững, đồng thời nắm bắt được cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Các quốc gia ngày càng phải hợp tác để chia sẻ trữ lượng tài nguyên thiên nhiên như nước, các loài hoang dã và năng lượng. Tuy nhiên, hiện vẫn có tới 60% nguồn nước thuộc lưu vực sông xuyên biên giới thiếu thỏa thuận hợp tác. Việc chia sẻ dữ liệu xuyên biên giới là một công cụ chính sách mạnh mẽ để có thể quản lý tốt hơn các nguồn dự trữ này. Nhìn chung để phát triển, việc cố gắng hợp tác sẽ tốt hơn là tự cô lập mình.

Lầm tưởng số 4: Hành động bền vững là bất tiện

Cuộc thảo luận về tiêu dùng và sản xuất bền vững đã đặt ra bài toán: Làm thế nào để sản xuất nhiều hơn nhưng tiêu tốn ít tài nguyên hơn trong suốt vòng đời sản phẩm? Làm thế nào để tạo ra những lựa chọn bền vững và thuận tiện cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng?

Công ty quản lý chất thải TerraCycle, Mỹ, đang thu gom những loại rác mà hầu hết mọi người nghĩ rằng không thể tái chế được. Trong khi các quốc gia và công ty đang ngày càng đặt ra các lộ trình và mục tiêu cho nền kinh tế tuần hoàn, hiện mới chỉ có 9% nguyên liệu trên thế giới được tái chế trở lại.

Các công ty công nghệ blockchain đang cố gắng tạo ra sự minh bạch cho các thị trường. Trong thời đại thông tin mở, giá trị của nhiều ngành công nghiệp - từ kim cương, mặt hàng hàng xa xỉ cho đến quản lý chất thải điện tử - sẽ được chia sẻ bởi tất cả các bên liên quan trong chuỗi giá trị. Những thực hành bền vững giúp cuộc sống và công việc kinh doanh trở nên dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, đối với nhiều người - và đặc biệt là giới trẻ - sống xanh không chỉ là lựa chọn mà còn là trách nhiệm. Không thể không kể đến những tiếng nói kiên quyết của các nhà hoạt động trẻ, chẳng hạn như Melati Wijsen (18 tuổi), người sáng lập phong trào “Bye Bye Plastic Bags” nhằm đấu tranh cho việc cấm dùng túi nhựa, ống hút và hộp xốp tại hòn đảo Bali. Cô nói, phong trào thanh niên sẽ ở lại lâu dài. Nếu phần còn lại của thế giới không tìm thấy giải pháp cho cuộc khủng hoản khí hậu thì những người trẻ sẽ làm được.

Lầm tưởng số 5: Pin là tồi tệ

Trong những năm gần đây, báo chí bàn bạc nhiều chuyện tiêu cực xung quanh pin và việc chúng phụ thuộc vào nhiều kim loại, khoáng chất, khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Xét về tính bền vững, liệu pin có tệ hơn so với các nhiên liệu hóa thạch mà chúng đang tìm cách thay thế?

Pin
Các loại pin có thể cung cấp năng lượng cho sự phát triển bền vững

Nếu tham gia các hội thảo, chúng ta nhận ra câu chuyện không hẳn như thế. Khi xem xét chuỗi giá trị của pin, người ta nhấn mạnh đến việc phải đảm bảo pin có nguồn gốc, sản xuất và tái chế theo cách có trách nhiệm hơn. Tuy nhiên, điểm hấp dẫn chính nằm ở chỗ pin có tiềm năng cung cấp năng lượng cho sự phát triển bền vững.

Một thực tế đáng kinh ngạc là công nghệ pin có thể cho phép các ngành vận tải và năng lượng giảm 30% lượng khí thải đến năm 2030, cho phép các nền kinh tế toàn cầu theo kịp các cam kết của họ về giảm thiểu biến đổi khí hậu như trong Thỏa thuận Paris. Cuộc cách mạng về pin cũng có thể tạo ra 10 triệu việc làm, giúp nền kinh tế toàn cầu tăng thêm 150 tỷ USD và lần đầu tiên cung cấp được điện cho 600 triệu người.

Kể từ năm 2017, Liên minh Pin Toàn cầu – một nền tảng hợp tác công tư của hơn 70 tổ chức trên thế giới – đã có những hoạt động nâng cao nhận thức về thách thức và cơ hội của chuỗi giá trị pin bền vững. Họ cũng có những đề xuất liên quan đến việc thiết lập khả năng truy suất nguồn gốc suốt vòng đời sản phẩm độc hại, nhằm hỗ trợ việc tái sử dụng và tái chế có trách nhiệm từ các loại pin điện tử trong thiết bị cầm tay cho đến những pin dành cho xe điện.

Lầm tưởng số 6: Blockchain là câu trả lời cho tất cả mọi việc

Blockchain không phải là viên đạn bạc. Đây là một thông điệp liên tục trong những cuộc thảo luận về lợi ích minh bạch và tin cậy của blockchain trong chuỗi cung ứng khai thác mỏ, kim loại và vật liệu.

IBM đã đặt ra cụm từ “blockchain là một môn thể thao đồng đội” và chúng hoàn toàn đúng. Nó cần phải được phát triển cùng lúc để cộng hưởng với các công nghệ khác như AI, IoT và công nghệ nano, và phải được hỗ trợ từ việc hợp tác chặt chẽ với các công ty liên quan trong ngành.

Nếu làm tốt, blockchain sẽ là một khối xây dựng cơ bản của chuỗi giá trị minh bạch, giúp các bên liên quan dễ dàng tuân thủ hơn, thúc đẩy hiệu quả và tạo ra các đề xuất giá trị độc đáo trong thị trường toàn cầu đang ngày càng cạnh tranh. Bằng việc quy định một cách cẩn thận, các tổ chức thế giới phải đảm bảo rằng blockchain là một lực lượng tốt, mang lại lợi ích cho lượng lớn người theo cách công bằng nhất. Nếu chúng ta tạo ra các hệ thống đứt gãy, tập trung vào hiệu quả thay vì minh bạch thì blockchain sẽ phải đối mặt với rủi ro mất đi niềm tin vốn có của nó.

Nguồn tham khảo: WEF