TS Trương Công Duẩn, Giám đốc đào tạo Đại học Swinburne Việt Nam, cho rằng, có những dấu hiệu rõ rệt cho thấy sự trưởng thành của quá trình quốc tế hóa giáo dục đại học Việt Nam, bao gồm xu hướng ngày càng tăng số sinh viên theo học các chương trình có tính quốc tế hoặc được thiết kế theo chuẩn quốc tế.

Việt Nam hiện có 352 chương trình liên kết quốc tế đang hoạt động, trong đó bậc đại học có 192 chương trình, bậc cao học có 153 chương trình, và bậc tiến sĩ có 7 chương trình. Trong ảnh: Sinh viên chương trình Cử nhân Quản trị Kinh doanh Quốc tế Việt – Hàn, Đại học Ngoại thương. Nguồn: ttvn.toquoc.vn
Việt Nam hiện có 352 chương trình liên kết quốc tế đang hoạt động, trong đó bậc đại học có 192 chương trình, bậc cao học có 153 chương trình, và bậc tiến sĩ có 7 chương trình. Trong ảnh: Sinh viên chương trình Cử nhân Quản trị Kinh doanh Quốc tế Việt – Hàn, Đại học Ngoại thương. Nguồn: ttvn.toquoc.vn

Nhiều chương trình liên kết quốc tế hoặc áp dụng chuẩn quốc tế

Theo thống kê vào tháng 7/2020 của Cục Hợp tác quốc tế - Bộ GD&ĐT, 70 cơ sở đào tạo tại Việt Nam đã liên kết với quốc tế mở 600 chương trình, dù hiện tại chỉ có 352 chương trình còn hoạt động. Tốp 5 các nước có nhiều chương trình liên kết đến từ Pháp (90 chương trình, 5.770 sinh viên theo học), Anh Quốc (71 và 6.700), Mỹ (38 và 3.190), Úc (27 và 2.090), Đức (20 và 1.750), và Đài Loan (19 và 1940).

Về cấp học, bậc đại học có 192 chương trình, bậc cao học có 153 chương trình, và bậc tiến sĩ có 7 chương trình.

Về ngành học, số sinh viên theo học các ngành thuộc khối kinh tế và quản trị chiếm tỷ trọng lớn nhất 74%; các ngành khoa học và công nghệ (đặc biệt là công nghệ thông tin) đứng thứ 2 nhưng chỉ chiếm 11%. Xu hướng này phù hợp với xu hướng tuyển sinh nói chung ở Việt Nam. Theo dữ liệu năm 2018, sinh viên đăng ký nguyện vọng vào ngành kinh doanh - kinh tế cao gấp rưỡi so với các ngành khoa học - công nghệ và chiếm phần lớn các nguyện vọng tuyển sinh.

Thủ tục mở các chương trình liên kết quốc tế cũng đã được cải thiện đáng kể. Bộ GD&ĐT chủ trương, các trường đã qua kiểm định thì được tự chủ liên kết đào tào, chỉ cần thông báo cho Bộ, chứ không cần làm các thủ tục rườm rà như trước nữa. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT đến ngày 5/10 năm nay, Việt Nam có 152 cơ sở đào tạo đã được kiểm định (7 trong số đó được kiểm định theo chuẩn nước ngoài), có thể chủ động liên kết với quốc tế để mở các chương trình thuộc các ngành mình được phép đào tạo.

Ngoài ra, những năm gần đây, các cơ sở đào tạo trong nước đã mạnh dạn thực hiện quyền tự chủ để triển khai nhiều chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến. Thậm chí có trường không còn chương trình thường nữa mà toàn bộ là các chương trình tiên tiến, chất lượng cao hoặc liên kết quốc tế. Các chương trình chất lượng cao, tiên tiến cũng đều theo xu hướng áp dụng các chuẩn đào tạo quốc tế và thường dựa vào chương trình của nước ngoài. Tất nhiên đi kèm với cơ sở vật chất của các chương trình này được nâng cao hơn thì học phí cũng tăng đáng kể. Có những chương trình chất lượng cao học phí ngang chương trình quốc tế trong nước (khoảng 3.500 - 4.000 USD/năm so với chương trình quốc tế 4.000 đến 10.000 USD/năm).

Tuyển sinh thuận lợi hơn

Số sinh viên đã tốt nghiệp các chương trình liên kết, theo báo cáo tháng 7/2020 của Cục Hợp tác quốc tế - Bộ GD&ĐT, vào khoảng 90.000, và số sinh viên đang theo học các chương trình này là 27.500.

Từ năm 2019, Đại học FPT trở thành đối tác chiến lược của Coursera, cho phép sinh viên của trường toàn quyền tiếp cận hơn 3.000 khóa học trực tuyến trên nền tảng này. Trong ảnh: Giảng viên Đại học FPT tìm hiểu về các chương trình học trực tuyến với đại diện của Coursera. Nguồn: fpt.edu.vn
Từ năm 2019, Đại học FPT trở thành đối tác chiến lược của Coursera, cho phép sinh viên của trường toàn quyền tiếp cận hơn 3.000 khóa học trực tuyến trên nền tảng này. Trong ảnh: Giảng viên Đại học FPT tìm hiểu về các chương trình học trực tuyến với đại diện của Coursera. Nguồn: fpt.edu.vn

So với số sinh viên đang học các chương trình nội địa vào khoảng 1.800.000 thì số sinh viên học chương trình liên kết vẫn còn khiêm tốn, chỉ tương đương 1,6%. Tuy nhiên, xu hướng ngày càng có nhiều sinh viên lựa chọn các chương trình liên kết khá rõ ràng. Ví dụ, Đại học Swinburne Việt Nam của chúng tôi – cơ sở liên kết đào tạo với Đại học FPT và cấp bằng của Đại học Công nghệ Swinburne, Australia ở 3 ngành chính: Công nghệ Thông tin, Kinh doanh, và Truyền thông Đa phương tiện – trong đợt tuyển sinh đầu tiên hồi năm ngoái tuyển được 100 sinh viên, năm nay đã tuyển được 250 sinh viên. Đáng nói là chất lượng sinh viên tăng rõ rệt. Nếu năm ngoái 40% các em đạt trình độ tiếng Anh IELTS từ 6.0 trở lên, là điều kiện để có thể học ngay chuyên ngành, thì năm nay con số này là 60%. Một ví dụ khác, dù không phải trường hợp chương trình liên kết nhưng cũng cho thấy xu hướng quốc tế hóa gia tăng, đó là việc Đại học RMIT Việt Nam năm ngoái tuyển được hơn 1.000 sinh viên, trong khi các năm trước đó tuyển được khoảng 700.

Năm nay, điểm thi THPT cao hơn năm trước đã tác động nhất định đến việc tuyển sinh cho các chương trình có tính quốc tế của các trường. Bản thân tôi quan sát thấy một số chương trình liên kết, chương trình tiên tiến đang tuyển sinh khá chậm nhưng sau khi các trường đại học công bố điểm chuẩn, đã nhanh chóng tuyển được đủ chỉ tiêu chỉ trong vòng 2-3 tuần, ví dụ như các chương trình liên kết của Đại học FPT hay Khoa quốc tế của Đại học Quốc gia Hà Nội. Lý do là khả năng vào các chương trình này chắc chắn hơn so với việc chờ được xét nguyện vọng 2-3-4 mà theo Bộ GD&ĐT có khi kéo dài hết năm nay.

Dịch bệnh Covid cũng có thể là một yếu tố nữa tác động đến lựa chọn của phụ huynh và học sinh. Tôi không có thống kê tổng thể của các trường nhưng nhìn vào trường hợp của Đại học Swinburne Việt Nam năm nay, dữ liệu thu được qua các cuộc phỏng vấn cho thấy có nhiều em giỏi theo nghĩa đủ tiêu chuẩn ra nước ngoài du học với mức học bổng khá, và thực tế là 15% số sinh viên nhập học đã sẵn sàng lên đường du học nhưng vì Covid nên quyết định “du học tại chỗ” ở Việt Nam.

Bên cạnh sự tăng lên về số lượng sinh viên theo học các chương trình liên kết giảng dạy trong nước thì số sinh viên học tập tại nước ngoài cũng tăng lên. Số liệu tháng 4/2020 của Bộ GD&ĐT cho biết, hiện có khoảng 192.000 lưu học sinh Việt Nam tại nước ngoài. Trong đó, về khu vực, nhiều nhất là tại Bắc Mỹ (Mỹ và Canada) có khoảng 50.000, châu Á có 70.000, châu Âu có 40.000, và 32.000 tại Úc.

Nếu tính trung bình tổng chi phí cho mỗi sinh viên hằng năm là 20.000 USD thì số ngoại tệ chuyển qua nước ngoài cho giáo dục là 3,84 tỷ USD. Để thấy con số này lớn như thế nào, chúng ta so sánh với tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2019 là 6,37 triệu tấn thu về 2,81 tỷ USD; số tiền này cũng tương đương 23% lượng kiều hối năm 2019 của Việt Nam (16,7 tỷ USD).

Một dấu hiệu quốc tế hóa đại học nữa, dù chưa thật rõ ràng, thể hiện ở việc bắt đầu có những cơ sở đào tạo đưa vào chương trình chính các môn học trực tuyến của đối tác nước ngoài nhằm tăng tính quốc tế về nội dung giảng dạy, chất lượng giảng viên, và kích thích năng lực tự học của sinh viên. Chẳng hạn, Đại học FPT đã trở thành đối tác chiến lược của Coursera để mỗi sinh viên của trường có thể học một môn từ MOOC này mỗi học kỳ.

Chú trọng kiểm định quốc tế

Cùng với các chương trình đào tạo liên kết, chất lượng cao, tiên tiến thì kiểm định quốc tế cũng là một khía cạnh hội nhập quốc tế đang được nhiều cơ sở đào tạo chú trọng thực hiện.

Theo thống kê đã đề cập ở trên của Bộ GD&ĐT, đến nay, trong nước đã có 125 chương trình ở 40 cơ sở đào tạo được kiểm định theo chuẩn của Việt Nam, và 195 chương trình ở 32 cơ sở đào tạo được kiểm định theo chuẩn của khu vực hoặc quốc tế (80% trong số đó được kiểm định theo chuẩn AUN-QA của Mạng lưới các trường đại học châu Á). Cần nhấn mạnh rằng, chuẩn kiểm định của Việt Nam giờ đây, về cơ bản, tương đương chuẩn kiểm định AUN-QA, và có thể nói xu hướng tiến tới kiểm định các chương trình đào tạo không chỉ là bắt buộc của Bộ GD&ĐT mà còn là nhu cầu tự thân của các cơ sở đào tạo mong muốn khẳng định mình, thu hút người học, đem lại lợi ích cho các bên liên quan.

Như vậy, chúng ta thấy, có nhiều yếu tố tích cực về quốc tế hóa giáo dục đại học đang diễn ra ở Việt Nam trên các khía cạnh tăng cơ hội cho người học các chương trình của quốc tế ngay tại Việt Nam hoặc các chương trình đạt chuẩn quốc tế. Và chỉ có bằng cách gia tăng hàm lượng quốc tế, chúng ta mới trang bị cho người học các kỹ năng toàn cầu để thích ứng với sự biến đổi ngành nghề cũng như mở cửa lao động. Xa hơn nữa, khi tăng tính quốc tế, chúng ta mới có nhiều cơ hội hợp tác, trao đổi sinh viên, thu hút sinh viên nước ngoài tới học nhiều hơn.


Một số nghiên cứu về du học đã chỉ ra, nguyên nhân chủ yếu khiến cho mỗi năm có hàng chục nghìn sinh viên Việt Nam lựa chọn ra nước ngoài học tập là do chất lượng đào tạo trong nước không đáp ứng nhu cầu. Ấn tượng này nằm trong cảm nhận của phụ huynh và học sinh suốt nhiều năm, dẫn đến đôi khi có những chương trình trong nước đã đổi mới, đã làm tốt nhưng không có cơ hội được phụ huynh và học sinh để mắt tới. Dịch bệnh Covid xảy ra, nhiều phụ huynh và học sinh phải tiếp xúc với các chương trình này một cách bất khả kháng, nhờ đó hai bên xích lại gần nhau hơn.

TS Phạm Hiệp, Giám đốc nghiên cứu tại EdLab Asia


Có ba nhánh sinh viên giải thích cho việc số sinh viên vào học các chương trình liên kết quốc tế, chương trình tiên tiến tăng trong thời gian diễn ra dịch Covid. Nhánh thứ nhất gồm những em đang chuẩn bị đi du học nhưng do Covid, gia đình thua sút về kinh tế hoặc cảm thấy ra nước ngoài không an toàn, nên quyết định chọn học ở Việt Nam. Nhánh thứ hai gồm những em tạm thời học ở Việt Nam để chờ đi du học vào năm sau, khi dịch Covid có thể sẽ thoái lui. Nhánh thứ ba gồm những em đã du học ở nước ngoài nhưng năm nay về thăm nhà rồi bị mắc kẹt và do không muốn gián đoạn việc học nên tìm đến các trường, các chương trình có yếu tố quốc tế để theo học.

Như vậy mặc dù con số các em vào các chương trình liên kết, chương trình tiên tiến có thể tăng 15-20% theo các báo cáo khác nhau của các trường nhưng chúng ta phải đợi đến sang năm mới biết chính xác sự tăng trưởng này bình ổn như thế nào. Tôi cho rằng sang năm sẽ có những em rời Việt Nam ra nước ngoài học tiếp.

Nhưng dù có thế nào, số sinh viên vào các chương trình liên kết và tiên tiến tăng tạm thời vẫn là dấu hiệu tích cực. Một khó khăn hiện nay của các trường quốc tế và các chương trình liên kết tại Việt Nam là chưa có được niềm tin đầy đủ từ phụ huynh và học sinh. Nếu đứng trước hai lựa chọn với mức đầu tư ngang nhau, người ta vẫn sẵn sàng chọn đầu tư vào trường ở nước ngoài, dù trường này danh tiếng hoặc ranking thấp hơn trường quốc tế trong nước. Tôi tin rằng việc nhiều sinh viên đã cởi mở chấp nhận thậm chí chỉ là học đỡ một năm ở Việt Nam rồi đi nước ngoài, là cơ hội rất tốt để các trường quốc tế và các chương trình liên kết ở Việt Nam chứng minh năng lực đào tạo của mình.

ThS giáo dục Lê Đình Hiếu, CEO Học viện G.A.P