Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, mới chỉ có khoảng 67 quốc gia và 8 bang của Mỹ có tham vọng đạt cân bằng carbon - tức trạng thái lượng carbon thải ra bằng với lượng carbon được loại bỏ.
Phần Lan, Thụy Điển và Đan Mạch là những quốc gia đi đầu trong lộ trình đạt đến cân bằng carbon. Những tham vọng mạnh mẽ của họ đã được chuyển hóa thành mục tiêu cụ thể và có khung chính sách hiệu quả.
Sau hơn một tháng đàm phán giữa 5 đảng phái, chính phủ Phần Lan đã đạt được thỏa thuận đặt mục tiêu đạt cân bằng lượng carbon vào năm 2035.
Trong khi đó, Thụy Điển đã ban hành Luật Khí hậu có hiệu lực vào tháng 1/2018 nhằm đưa ra một lộ trình chặt chẽ để chính phủ thực thi mục tiêu dài hạn là đạt được lượng khí thải bằng 0 vào năm 2045.
Đan Mạch cũng ban hành nhiều luật mới liên quan đến khí hậu và sử dụng một hệ thống quan trắc nghiêm ngặt nhằm đạt cân bằng carbon vào năm 2050. Những luật này đặt ra các mục tiêu ràng buộc về pháp lý sau mỗi 5 năm.
Tuy nhiên không phải quốc gia nào cũng tích cực như vậy. Báo cáo Thách thức Cân bằng Phát thải (
The Net-Zero Challenge: Global Climate Action at a Crossroads) do Diễn đàn Kinh tế Thế giới và công ty tư vấn BCG công bố tháng 12/2019 chỉ ra rằng, "nhiều chính phủ mới chỉ cam kết nhưng chưa thực hiện một cách đầy đủ".
Cụ thể, năm 2015, đại diện chính phủ 197 quốc gia đã gặp gỡ tại Paris và đồng ý hạn chế tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 2°C vào cuối thế kỷ. Thế nhưng, đến năm 2019, mới có 67 quốc gia - không bao gồm 5 quốc gia phát thải nhiều nhất - và 8 bang ở Mỹ cam kết mục tiêu không phát thải, trong đó chỉ có 16 quốc gia chuyển những tham vọng thành mục tiêu cụ thể cho từng ngành và chỉ có 8 quốc gia có những mục tiêu mạnh mẽ được hỗ trợ bởi khung chính sách hiệu quả.
Tương tự, với khu vực doanh nghiệp, trong số hàng triệu tập đoàn trên toàn thế giới, mới có khoảng 7.000 doanh nghiệp công bố mức phát thải của họ cho Dự án Công bố Carbon. Trong số đó, 1/3 công bố đầy đủ và 1/4 đặt ra bất kì mục tiêu giảm phát thải nào. Cuối cùng, chỉ có 1/8 thực sự giảm phát thải hàng năm. Các lĩnh vực như Tài chính, Bán lẻ, Dịch vụ, Năng lượng, Sức khỏe, Công nghệ và Truyền thông là những ngành có tỷ lệ doanh nghiệp thực sự giảm phát thải cao nhất, khoảng 13-34%.
Do vậy, Báo cáo kêu gọi các quốc gia chủ động ban hành các quy định giảm phát thải, đồng thời đưa ra “khung chính sách tham vọng bao gồm mức giá hợp lý cho việc phát thải khí nhà kính, quy định cụ thể cho từng ngành và khuyến khích các biện pháp khắc phục như chuyển từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, sử dụng phương tiện chạy điện, thực hiện tiêu chuẩn công trình xanh… - thúc đẩy bởi đổi mới sáng tạo”.