Dự án “Room for the River” (Không gian cho sông ngòi) trị giá 2,8 tỷ USD của Chính phủ Hà Lan đã thể hiện tinh thần sự đổi mới trong tư duy quản lý lũ truyền thống, thay vì chống lại nước, chúng ta cần học cách “sống chung với lũ”.
Lâu nay, người Hà Lan đã nổi tiếng về khả năng “thuần hóa” những con sông với mạng lưới đê điều lớn ngăn lũ lụt. Những con đê đã định hình và tạo nên toàn bộ quốc gia Hà Lan. Giờ đây, họ thấy sai lầm ở chính nơi họ tự hào về những kỳ quan về kỹ thuật. “Chúng tôi đã chiến đấu chống lại thiên nhiên trong nhiều thế kỷ”, Brouwer nói. “Chúng tôi có thể chiến đấu, nhưng không bao giờ chiến thắng. Bởi vậy, chúng tôi cố gắng tìm cách hòa hợp với thiên nhiên bằng cách hiểu được hoạt động của các con sông, và cho chúng thêm không gian”.
Giải pháp từ ý tưởng mới
Biến đổi khí hậu khiến những con sông ở Hà Lan chảy mạnh hơn, gia tăng sức ép lên các hệ thống đê điều, trong đó nhiều con đê đã lạc hậu và không còn hiệu quả. Điều này đã được thể hiện rõ vào đầu những năm 1990, khi nước lũ dâng cao khiến gần 200.000 người phải sơ tán khỏi miền Nam Hà Lan.
Trước thực tế này, thay vì tiếp tục xây dựng những con đê lớn hơn, Hà Lan quyết định thực hiện những cuộc rút lui có chiến lược. Năm 2007, Chính phủ Hà Lan đã triển khai chương trình “Room for the River” tại hơn 30 địa điểm trên toàn quốc nhằm loại bỏ các công trình xây dựng nhân tạo và định hình lại cảnh quan để có thêm không gian cho các dòng sông. Dự án thực hiện trên lưu vực bốn con sông là Rhine, Meuse, Waal và IJssel ở Hà Lan nhưng các tác động địa mạo mở rộng tới Đức, một phần của Pháp và Bỉ, thậm chí tới đầu nguồn sông Rhine ở Thụy Sĩ.
Do đó, dự án “Room for the River” đã triển khai nhiều giải pháp thông qua 39 dự án thành phần dọc theo các con sông như nạo vét lòng sông, phá bỏ hoặc di dời các con đê xa bờ sông hơn, thậm chí tạo vùng ngập thoát lũ để tạo ra một địa hình tự nhiên hơn... Ý tưởng chính của dự án là trả lại các bãi bồi tự nhiên cho dòng sông, cho phép lượng nước lớn hơn tràn qua đất nước một cách an toàn. Đây là chìa khóa để phát triển bền vững trong tương lai, khi các cơn bão được dự đoán sẽ gây ra lượng mưa cực kì lớn trong khoảng thời gian ngắn hơn nhiều so với trước đây.
Mặc dù dự án được “đón nhận nồng nhiệt như một truyền thống của người Hà Lan với các giải pháp chống lũ”, song cũng như các dự án cần giải tỏa đất đai khác, “ban đầu cũng có một số người phản ứng kiểu ‘không được đụng đến nhà của tôi’ khi dự án cần phá bỏ một số ngôi nhà”, Willem Jan Goossen (Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan) cho biết. Do vậy, Chính phủ Hà Lan đã đề nghị mua lại tài sản của người dân sống trong khu vực chịu ảnh hưởng của dự án theo mức giá thị trường. Khoảng 20% trong tổng số 2,8 tỷ USD kinh phí của dự án được dùng để mua nhà và hỗ trợ người dân tái định cư. Tuy nhiên, không phải ai cũng hài lòng về việc chuyển đi. Để đạt được sự đồng thuận, dự án cho phép cộng đồng địa phương đề xuất giải pháp thay thế, miễn là phù hợp với mục tiêu dự án. Một số người dân đã thương lượng về việc tạo ra những gò đất lớn hoặc cải tạo những ngọn đồi cao để có thể tiếp tục cư trú trong các vùng ngập lụt mở rộng. Điều này thể hiện cách tiếp cận linh hoạt của chính phủ: coi trọng và xem xét ý kiến của người dân một cách cẩn thận.
Dự án cũng là một ví dụ về tinh thần hợp tác, bao gồm 17 cơ quan thuộc các cấp chính phủ và các công ty tư nhân, trường đại học, Bộ Cơ sở hạ tầng và Môi trường (Hà Lan) là cơ quan chịu trách nhiệm chính về dự án. Bên cạnh đó, dự án cũng hợp tác với các nước láng giềng có chung mạng lưới sông với Hà Lan. Các quan hệ đối tác song phương này đảm bảo rằng dự án sẽ giải quyết vấn đề lũ lụt từ nguồn.
Một số giải pháp dường như hoàn toàn đi ngược lại những gì mà Hà Lan đã làm trong hơn hai thiên niên kỷ vừa qua. Tuy nhiên, thành công của dự án đã chứng minh hiệu quả của các phương pháp này. Chẳng hạn, dự án triển khai ở thành phố Noordwaard đã giảm nguy cơ ngập lụt cho hơn 60 000 người dân, đồng thời giúp giảm mực nước của thành phố Werkendam lân cận xuống vài cm, thậm chí mực nước của thành phố Gorinchem cách đó khoảng 5 dặm về phía thượng nguồn đã giảm 0,3m. Ngoài ra, dự án cũng góp phần cải thiện hệ sinh thái. “Thiên nhiên đã phản ứng rất nhanh chóng” Brouwer nói. “Ngay sau khi thay đổi cảnh quan, rất nhiều loài chim, trong đó một số loài ở mức độ nguy cấp đã cư trú tại đây”.
Hà Lan đã mất khoảng 15-17 năm để hoàn thành dự án “Room for the River” vào năm 2018. Hiện nay, Hà Lan đang dự định triển khai giai đoạn tiếp theo hoặc các chương trình mới tương tự dự án này.
Mở rộng ở các quốc gia khác
Thành công của dự án “Room for the River” đã nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt những quốc gia thường phải vật lộn với bão lũ như Ấn Độ, Hoa Kỳ,... Bang Illinois (Hoa Kỳ) đã thực hiện các chương trình tương tự, đồng thời ban hành một số quy định nghiêm ngặt về việc phát triển ở các vùng bãi bồi ven sông. Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia của Ấn Độ (NDMA) cũng ban hành hướng dẫn phân vùng lũ, trong đó đưa ra dự tính không gian cho các dòng sông và quy định việc sử dụng đất ở các vùng lũ. “Phương pháp tiếp cận ‘hòa hợp với thiên nhiên’ ngày càng được ủng hộ”, Goossen nhận xét.
Tuy nhiên, việc thay đổi cách tiếp cận không phải là vấn đề “một sớm một chiều”, trong đó vấn đề kinh tế vẫn là một trong những rào cản lớn nhất trong việc thực hiện các giải pháp này. “Dự án sẽ khó thực hiện trên những con sông được quản lý chặt chẽ như sông Mississippi, vì nó sẽ đòi hỏi một khoản kinh phí lớn để lại đất từ các chủ đất tư nhân và di chuyển hoặc xây dựng hệ thống đê mới,” Samuel Muñoz, trợ lý giáo sư về hàng hải và kỹ thuật môi trường ở Đại học Northeastern (Hoa Kỳ) cho biết.
Tuy nhiên, khi cơ sở hạ tầng chống lũ đang dần xuống cấp, kết hợp với biến đổi làm tăng nguy cơ lũ lụt, các quốc gia sẽ phải đưa ra quyết định khó khăn về việc liệu có nên tiếp tục xây đập hay đê điều ngăn lũ hay không. Theo Muñoz, các chiến lược kiểm soát lũ lụt truyền thống gây hại nhiều hơn là có ích trong một số trường hợp. Nghiên cứu của ông phát hiện ra rằng các dự án kỹ thuật dọc theo hạ lưu sông Mississippi khiến tình trạng ngập lụt thêm trầm trọng bằng cách biến con sông uốn khúc thành sông thẳng và “sông tù” kém lưu thông nước. Điều này khiến tốc độ dòng chảy và lưu lượng nước tăng lên khi có lũ.
“Nếu có thể, chúng ta nên dành không gian để các con sông có thể ngập lụt định kỳ mà không tàn phá cộng đồng”, ông nói. “Đầu tư nhiều vào các công trình kỹ thuật để chống lũ có xu hướng mang lại những hậu quả khôn lường và về lâu dài có thể tốn kém hơn so với dự kiến ban đầu”.
Nguồn: nola.com; nextcity.org; yaleclimateconnections.org