Biến đổi khí hậu và cơ sở hạ tầng thường được coi là hai vấn đề riêng biệt, nhưng đã đến lúc chúng cần nhìn nhận như một.
Các nhà hoạt động trong lĩnh vực biến đổi khí hậu thường khó nhận được ủng hộ khi kêu gọi các hành động cá nhân, ví dụ ít lái xe hơn, ít đi máy bay hơn hoặc ít ăn thịt hơn. Trong khi đó, hành động tập thể mới thực sự tạo ra sự khác biệt.
Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đòi hỏi nhiều hành động to lớn mang tầm quốc tế và quốc gia với những công cụ rất rõ ràng. Chẳng hạn áp dụng thuế carbon để có chỉ báo giá cho từng tấn carbon phát thải ra môi trường, từ đó tạo động cơ cho các công ty giảm phát thải. Hoặc thiết kế, xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất để tạo thuận lợi cho việc tái thiết lập lại hành vi sinh hoạt, sản xuất. Về một mặt nào đó, có thể nói cơ sở hạ tầng là nhân tố thiết yếu để thúc đẩy hoặc phá hủy tiến trình môi trường của cả cộng đồng.
Cầu đường là hai loại hình cơ sở hạ tầng các chính trị gia hay nói đến.
Công chúng cũng rất rõ điều này vì nó quá hiển nhiên. Nhưng liệu thế
giới có cần thêm cầu đường? Có lẽ là không, ít nhất với những nước phát
triển. Sau Thế Chiến thứ II, Hoa Kỳ đã xây dựng một hệ thống đường cao tốc liên bang rộng lớn và bỏ bê hệ thống đường sắt chở người và hàng hóa. Đây chẳng phải là điều ngẫu nhiên, bởi ngành công nghiệp ô tô Hoa Kỳ đã bắt tay với chính quyền Liên bang nhằm thúc đẩy việc lái xe cũng như xây dựng hạ tầng thuận tiện cho loại hình giao thông đường bộ. Giờ đây, di sản để lại là thách thức mà Hoa Kỳ phải đối mặt. Để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, chúng ta cần nhiều hệ thống giao thông công cộng tốt hơn nhằm khuyến khích người dân đô thị giảm đi phương tiện cá nhân và giảm quãng đường hoặc thời gian họ di chuyển đến chỗ làm việc.
Sản xuất và tiêu thụ năng lượng cũng là vấn đề trọng tâm trong cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu, nhưng vấn đề căn bản thực sự thường bị lãng quên, rằng chính hệ thống cơ sở hạ tầng hỗ trợ nó mới quyết định mức sản xuất và tiêu thụ năng lượng. Do vậy, nếu chúng ta thay đổi cơ sở hạ tầng thì mọi thứ cũng sẽ thay đổi.
Chủ đề chúng ta thường nghe nhiều nhất chính là cuộc đấu giữa năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) với nhiên liệu hóa thạch. Điều này cũng đúng, nhưng dù có bao nhiêu trang trại điện mặt trời hay bao nhiêu pin mặt trời áp mái được lắp đặt đi chăng nữa, cũng chẳng đi đến đâu cho đến khi các nước xây dựng được hệ thống đường truyền tải để đưa điện đến với người dùng, và lắp đặt được công nghệ lưới điện thông minh cho phép điện áp mái hòa vào lưới.
Tương tự, cho dù những chiếc xe ô tô điện trở nên hấp dẫn và/hoặc rẻ đến cỡ nào, chúng vẫn chỉ là ‘đồ trang trí’ cho đến khi xây dựng được hệ thống trạm sạc điện nhanh trên khắp hệ thống đường bộ để hỗ trợ người dùng.
Thu nhốt carbon là một lĩnh vực mà cơ sở hạ tầng sẽ tạo ra sự khác biệt. Người ta cần nhốt khí CO2 thải ra từ các ngành công nghiệp như chế biến chế tạo, sản xuất thép, hóa chất, phân bón cho nông nghiệp; sau đó bơm chúng vào những tầng ngậm nước sâu trong lòng đất. Để thực hiện điều đó ở quy mô nhất định, chúng ta cần các hệ thống ống dẫn và khu lưu trữ rộng lớn. Nếu không bắt giữ được carbon thì bất kể sản xuất và tiêu thụ năng lượng như thế nào, chúng ta cũng sẽ không thể đạt tới mức phát thải bằng 0.
Mặc dù các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng cơ sở hạ tầng không hoàn toàn trùng nhau 100%, nhưng rõ ràng chúng cũng có nhiều điểm chung đến mức khá vô lý nếu suy xét đây là hai vấn đề riêng biệt. Dĩ nhiên, cũng có những nhu cầu cơ sở hạ tầng tách biệt với biến đổi khí hậu, ví dụ nước uống sạch.
Việc tiếp cận vấn đề biến đổi khí hậu từ góc độ cơ sở hạ tầng đưa cuộc tranh luận về các biện pháp ứng phó vượt ra khỏi câu hỏi về 'lựa chọn cá nhân' và tập trung vào thực tế rằng để giải quyết thì bắt buộc phải có hành động trên diện rộng của các chính phủ. Giải quyết biến đổi khí hậu không giống như buộc mọi người phải ngừng xả rác mà là những điều chỉnh khổng lồ ảnh hưởng tới lối sống của chúng ta do chính phủ toàn cầu dẫn dắt. Rộng hơn, nó là về hệ thống cơ sở hạ tầng mà chúng ta sẽ xây dựng để làm thay đổi hành vi của mình.