Ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi hạn chế đến mức thấp nhất ô nhiễm môi trường, mùi hôi của các chất thải, góp phần nâng cao năng suất chăn nuôi.
Ô nhiễm môi trường, mùi hôi thối của phân và chất thải của gia súc, gia cầm là một trong các trở ngại đối với việc phát triển bền vững ngành chăn nuôi ở Sóc Trăng, do ảnh hưởng đến sức khỏe con người và cộng đồng xung quanh, nhất là người lao động trực tiếp chăm sóc đàn heo, và tác động xấu với môi trường sống.
Việc ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi được xem là một giải pháp hữu hiệu để hạn chế đến mức thấp nhất ô nhiễm môi trường, mùi hôi của các chất thải của gia súc. Trong đó, nguyên liệu để làm đệm lót sinh học là mùn cưa, trấu và chế phẩm men Balasa - No1. Đây chính là giải pháp kỹ thuật được Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng rất quan tâm trong việc chuyển giao, tuyên truyền phổ biến và triển khai nhân rộng qua các mô hình trình diễn năm 2014.
Trạm Khuyến nông Cù Lao Dung (Sóc Trăng) triển khai 1 mô hình trình diễn kỹ thuật trong đó có mô hình “Chăn nuôi heo thịt an toàn sinh học ứng dụng đệm lót sinh thái”. Mô hình thực hiện tại xã An Thạnh Nhất, tổng số đàn heo 857 con. Trước khi thực hiện, Trạm Khuyến nông Cù Lao Dung đã tập huấn kỹ thuật và tham quan mô hình chăn nuôi heo trên đệm lót sinh thái ở huyện Mõ Cày - tỉnh Bến Tre cho 01 hộ tham gia mô hình trình diễn và các hộ chăn nuôi khác. Mô hình trình diễn thực hiện từ tháng 8/2014 đến tháng 12/2014 với tổng quy mô 10 con/10 m2. Tổng chi phí hỗ trợ và nông dân đóng góp là 32.500.000 đồng.
Mô hình chăn nuôi heo ứng dụng đệm lót sinh học cho năng suất cao tại Sóc Trăng.Ảnh minh họa
Ông Lưu Thành Long,Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng cho hay, sau 3,5 - 4 tháng nuôi, bình quân mỗi con trong mô hình đạt trọng lượng 90-100 kg/con, tổng thu 40.500.000 đồng, lợi nhuận sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư được 800.000 đồng/con. Kết quả cho thấy mô hình sử dụng đệm lót sinh thái mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Đệm lót sinh thái giúp tiêu hủy hết mùi hôi của chất thải chăn nuôi, khí độc trong chuồng nuôi hầu như không còn, tạo môi trường sống tốt cho con người và vật nuôi. Đệm lót được làm từ vật liệu rẻ tiền có sẵn, như trấu, mùn cưa mức đầu tư thấp, chỉ khoảng 1.800.000 đồng/10 m2/10 con heo và có thể tái sử dụng vào những vụ nuôi tiếp theo (chỉ cần bổ sung thêm nguyên liệu để đảm bảo độ dày cho lớp đệm lót). Mức khấu hao đệm lót chỉ khoảng 200.000 - 250.000 đồng/10 con heo/vụ nuôi.
Đặc biệt, khi chất thải được phân giải còn tạo ra vi sinh vật có lợi, kích thích tiêu hóa cho heo. Kết quả thực tế cho thấy, thực hiện phương pháp này tiết kiệm 10% chi phí thức ăn, trọng lượng heo tăng 5%, giảm được 80% nước do không phải tắm, rửa chuồng so với chăn nuôi thông thường. Đàn heo khỏe mạnh, không bệnh tật, lớn nhanh và đồng đều, đàn heo ít tạo mỡ, nên bán được giá cao hơn. Tiết kiệm chi phí điện, nước, công lao động, tiết kiệm chi phí thuốc thú y (thuốc sát trùng chuồng trại...)
Qua thực hiện mô hình trình diễn “Chăn nuôi heo thịt an toàn sinh học ứng dụng đệm lót sinh học” tại xã An Thạnh Nhất thành công đã tạo điều kiện cho người chăn nuôi tiếp cận mô hình chăn nuôi hiệu quả và mang lại tính bền vững với nhiều ưu điểm. Qua đó, tạo thuận lợi cho Trạm Khuyến nông Cù Lao Dung trong công tác tuyên truyền vận động, tổ chức tham quan nhân rộng mô hình.
Năm 2015, Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng tiếp tục triển khai mô hình trình diễn chăn nuôi heo thịt, gia cầm, thủy cầm sử dụng đệm lót sinh thái trên địa bàn tại các huyện Kế Sách, Trần Đề, Mỹ Tú, Châu Thành và Long Phú nhằm mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người chăn nuôi.