Một phần ba tổng số thực phẩm được sản xuất phục vụ nhu cầu con người trên thế giới bị thất thoát hoặc lãng phí trong quá trình từ nông trại đến bàn ăn. Tại Việt Nam, tỷ lệ này cũng không hề nhỏ, từ 20 - 25%, ước tính tổng thiệt hại khoảng 8,8 triệu tấn, tương đương 3,9 tỷ USD mỗi năm.
Ngày 2/10, tại TPHCM, Đại sứ quán Đan Mạch đã tổ chức hội thảo “Giới thiệu các công nghệ hỗ trợ giảm lãng phí thực phẩm và xử lý phụ phẩm trong sản xuất và chế biến thực phẩm”.
Ông Kim Højlund Christensen, Đại sứ Đan Mạch, cho rằng thất thoát và lãng phí thực phẩm đang là một vấn đề nghiêm trọng trên toàn cầu, đặc biệt trong thời điểm đang diễn ra đại dịch Covid-19. 1/3 lượng thực phẩm được sản xuất phục vụ nhu cầu của con người trên toàn cầu bị thất thoát hoặc lãng phí, trong khi số người phải đối mặt với tình trạng đói ăn nghiêm trọng có thể tăng gấp đôi trong năm nay lên 265 triệu người do Covid-19.
“Để sản xuất lượng thực phẩm bị thất thoát và lãng phí này, chúng ta phải sử dụng khoảng một phần tư tổng lượng nước dùng cho nông nghiệp toàn cầu, canh tác trên một diện tích đất rộng bằng diện tích Trung Quốc và gây ra 8% lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Tất cả các nguồn lực tự nhiên này đã và đang bị lãng phí, gây ô nhiễm môi trường” – ông Kim Højlund Christensen nhấn mạnh.
Ông Mogens Jensen - Bộ trưởng Bộ Lương thực, Thủy sản Đan Mạch - cho biết, đối với Đan Mạch, ngăn ngừa thất thoát và lãng phí thực phẩm đã trở thành ưu tiên quốc gia kể từ năm 2010. Chính vì vậy, Chính phủ Đan Mạch đã triển khai Chương trình chống lãng phí lương thực và kêu gọi sự chung tay thực hiện của toàn xã hội, nhằm đạt mục tiêu giảm một nửa lượng thực phẩm bị thất thoát đến năm 2025. Ban tư vấn giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm do Chính phủ Đan Mạch thành lập cũng đưa ra các chương trình để quy tụ các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp nhằm tìm ra những công nghệ, sáng kiến giảm thất thoát lương thực, thực phẩm.
Bà Dương Thu Hằng, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, cho biết thêm, hiện nay, lương thực, thực phẩm đang bị sử dụng một cách lãng phí và vứt bỏ khoảng 1,6 tỷ tấn/năm (tương đương 1.200 tỷ USD). Đối với các nước đang phát triển, tình trạng lãnh phí thực phẩm xảy ra ở khâu sản xuất, chế biến. Đối với các nước phát triển, tình trạng này xảy ra ở khâu phân phối của các nhà bán lẻ và người tiêu dùng “quá tay” trong việc mua thực phẩm.
Ở Việt Nam, tổn thất sau thu hoạch cũng chiếm con số không nhỏ từ 20 - 25%, ước tính tổng thiệt hại khoảng 8,8 triệu tấn (tương đương 3,9 tỷ USD) mỗi năm. Trong đó, tỷ lệ thất thoát ở nhóm rau ăn lá là cao nhất với hơn 30% sản lượng, các loại quả hơn 25%, rau ăn củ từ 10 – 20%. Tổn thất sau thu hoạch lúa từ 14 – 15 %, ngô 18%, sắn 25%, thịt 14%, thủy sản 12%,...
Theo bà Hằng, nguyên nhân của những tổn thất này là do sản xuất nông nghiệp của Việt Nam còn manh mún, thành các trang trại siêu nhỏ (khoảng 0,4ha) nên khó khăn cho việc cơ giới hóa trong khâu thu hoạch. Ngoài ra, thiếu cơ sở hạ tầng bảo quản, máy móc chế biến sâu, các biện pháp đóng gói và xử lý sau thu hoạch trong chuỗi cung ứng chưa đáp ứng được yêu cầu.
Bà Hằng cho rằng, để giảm thiểu tình trạng thất thoát sau thu hoạch tại Việt Nam, cần phải đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao công nghệ chế biến tiên tiến, các tiến bộ kỹ thuật về vật liệu, chế phẩm bảo quản vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm rau quả có giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị phù hợp để hình thành hệ thống các cơ sở chế biến, đóng gói rau quả tươi, các kho lạnh bảo quản tại các vùng sản xuất tập trung. Việc phát triển các dịch vụ logistics cũng cần được chú trọng.
Tại hội thảo, các doanh nghiệp của Đan Mạch đã giới thiệu một số công nghệ nhằm giảm thất thoát lương thực, thực phẩm như giữ thực phẩm tươi ngon lâu hơn bằng giải pháp vi sinh; tiết kiệm và xử lý nước để tăng khả năng sinh trưởng của tôm, cá; kỹ thuật làm sạch gạo phục vụ xuất khẩu; các phương pháp và kỹ thuật bảo quản lạnh;... Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch cũng giới thiệu một số dây chuyền thiết bị sơ chế, bảo quản, bao gói nho, táo, thanh long; công nghệ chiên chân không liên tục do Viện nghiên cứu và chế tạo.