Hệ thống sấy hồng ngoại do các nhà nghiên cứu ở Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp (IMI) phát triển không chỉ tạo ra sản phẩm trà táo mèo và bột chùm ngây có giá trị dinh dưỡng cao mà còn mở ra tiềm năng ứng dụng một công nghệ sấy mới cho ngành dược liệu ở Việt Nam.
Tìm công nghệ sấy phù hợp cho cây trồng bản địa
Trong hội nghị Tổng kết chương trình Tây Bắc do ĐHQGHN phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức ngày 24/7, quầy trưng bày sản phẩm trà táo mèo và bột chùm ngây của Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp (IMI) đã thu hút sự chú ý của nhiều khách tham quan. Đây là kết quả đề tài “Thử nghiệm sản xuất trà và bột dinh dưỡng từ táo mèo và chùm ngây với việc ứng dụng công nghệ sấy bằng hồng ngoại đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho vùng Tây Bắc” (TB.DA.02/13-18) thuộc chương trình Tây Bắc do IMI thực hiện. Nhiều người tò mò vì đây là một trong những sản phẩm tiêu biểu của chương trình Tây Bắc, số khác lại bất ngờ khi biết sản phẩm này xuất phát từ một nơi vốn chẳng có liên quan gì đến lĩnh vực dinh dưỡng, dược liệu như IMI. Thoạt nhìn bên ngoài, có lẽ không ai thấy được bài toán của cơ khí nằm trong hệ thống máy sấy của IMI, thiết bị để họ chế tạo ra các sản phẩm này, cũng không ai thấy được sự linh hoạt trong việc kết hợp công nghệ sấy hồng ngoại của Đức giúp giữ nguyên các chất có trong dược liệu với việc lập trình tự động hóa toàn bộ quy trình thực hiện, “đảm bảo thiết bị đạt tiêu chuẩn chất lượng châu Âu nhưng lại có giá rẻ hơn so với các sản phẩm nhập khẩu từ Đức”, TS. Trần Ngọc Hưng, Phó giám đốc IMI giới thiệu.
Thực chất, ý tưởng về hai sản phẩm này không đến với IMI một cách ngẫu nhiên. Thông qua mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp của Đức trong lĩnh vực cơ khí, các nhà khoa học ở IMI nhận thấy nhiều khách hàng châu Âu quan tâm đến sản phẩm táo mèo (còn gọi là quả sơn tra) ở Việt Nam. Với tác dụng bồi bổ sức khỏe, tăng sức đề kháng, “táo mèo được nhiều người châu Âu biết đến và ưa chuộng vì một số nước ở đó cũng có táo mèo nhưng rất ít, hơn nữa theo xu hướng bây giờ, họ cũng thích các thực phẩm chức năng có nguồn gốc tự nhiên”, TS. Trần Ngọc Hưng ở IMI, chủ nhiệm đề tài cho biết. Bởi vậy, một số đối tác đã nhờ IMI “dẫn đường” tìm mua sản phẩm làm từ táo mèo của Việt Nam.
Tuy nhiên, các sản phẩm táo mèo ở Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp Đức do công nghệ chế biến chưa đảm bảo chất lượng, đây cũng là thực trạng chung của nhiều loại nông sản Việt Nam. Táo mèo có vị chua, chát nên ít khi dùng để ăn trực tiếp, phần lớn táo mèo ở Việt Nam được sấy khô để dùng như một vị thuốc Nam hoặc ngâm rượu. “Tôi đã dẫn hai đoàn của Đức đi tham quan trước khi mua, sau khi xem xét toàn bộ công nghệ chế biến, họ nói rằng công nghệ sấy không đạt yêu cầu, làm ảnh hưởng đến các chất dinh dưỡng có trong táo mèo. Khi đó, mình mới hỏi và biết rằng ở Đức bắt buộc sấy dược liệu bằng công nghệ hồng ngoại”, TS. Trần Ngọc Hưng kể lại.
Đây là lí do khiến các nhà khoa học ở IMI quyết định chế tạo một hệ thống sấy hồng ngoại cho táo mèo, chùm ngây cũng như dược liệu nói chung. Về bản chất, hệ thống này có nguyên lý hoạt động tương tự với các thiết bị sấy hồng ngoại thông thường, điểm khác biệt lớn nhất nằm ở các thanh hồng ngoại sử dụng công nghệ Đức. “Trong các thanh hồng ngoại có chứa một loại bột gốm có tác dụng ngăn các bước sóng khác nhau, giữ lại bước sóng phù hợp để sấy các loại dược liệu, nhờ đó chất dinh dưỡng không bị mất đi. Trên thế giới không nhiều nơi làm được công nghệ này, ở Đức hiện nay cũng chỉ có một vài doanh nghiệp làm về sấy hồng ngoại cho dược liệu”, anh cho biết.
Vốn có mối quan hệ hợp tác với nhiều doanh nghiệp và viện, trường của Đức, việc tiếp nhận công nghệ sấy hồng ngoại từ Đức không phải điều khó với các nhà khoa học ở IMI. Với sự hỗ trợ của các đề tài nghiên cứu thuộc Bộ Công thương và chương trình Tây Bắc, nhóm dự án đã phát triển thành công hệ thống sấy hồng ngoại cho dược liệu sử dụng phần mềm điều khiển tự động.
Để ứng dụng trong thực tế, nhóm dự án đã tích hợp hệ thống sấy hồng ngoại vào dây chuyền chế biến trà táo mèo và bột chùm ngây, bao gồm hệ thống thiết bị sơ chế nguyên liệu, cô chiết, trộn, nghiền, tạo hạt trà và đóng gói. “Các thiết bị này chúng tôi có kinh nghiệm làm từ trước rồi nên chỉ mất thời gian vài tháng để hiệu chỉnh, đưa ra quy trình tối ưu nhất”, theo nhóm dự án.
Mở rộng ứng dụng cho dược liệu Việt Nam
Họ đã kiểm tra hiệu quả của thiết bị ở nhà máy chè shan tuyết Suối Giàng (Yên Bái). Kết quả, sản phẩm trà táo mèo, bột chùm ngây đã chứng minh hiệu quả của hệ thống này. “Hệ thống hiện nay đã đi vào hoạt động ổn định với công suất khoảng 1 tấn táo tươi/ngày. Chúng tôi đã gửi mẫu sản phẩm sang Đức để kiểm nghiệm chất lượng và kết quả trả lại đều tốt. Ngoài phía Đức, một doanh nghiệp ở Nga cũng đang có ý định nhập khẩu sản phẩm này”, TS. Trần Ngọc Hưng cho biết.
Dù nhận được đánh giá cao của hội đồng nghiệm thu chương trình Tây Bắc và phản hồi tích cực của doanh nghiệp, nhóm dự án vẫn đang tiếp tục tìm cách hoàn thiện sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. “Hiện nay bao bì mẫu mã sản phẩm chưa đạt yêu cầu, bên Đức đang yêu cầu làm lại. Ngoài ra, chúng tôi đang nghiên cứu điều chỉnh hương vị phù hợp với mỗi đơn hàng, chẳng hạn bên Đức thích trà có vị sữa, còn Nga lại muốn có vị quế”, TS. Trần Ngọc Hưng cho biết.
Với mong muốn mở rộng ứng dụng ở Việt Nam, hệ thống sấy hồng ngoại do nhóm dự án phát triển có thể dùng để sấy nhiều loại dược liệu khác nhau, ngoài táo mèo và chùm ngây. So với phương pháp sấy thông thường, công nghệ sấy hồng ngoại dược liệu sẽ đắt hơn vì thời gian sấy lâu hơn, tốn nhiều năng lượng hơn. Tuy nhiên, nhóm dự án đã nhìn thấy những tiềm năng từ công nghệ này: “Một số doanh nghiệp ở Việt Nam bắt đầu quan tâm, vì họ cũng muốn nâng cao chất lượng cho sản phẩm. Hiện nay bên tập đoàn TH đang thử nghiệm sấy màng gấc bằng hệ thống này. Họ cũng đang rất hứng thú với công nghệ này vì kết quả sau khi sấy cho thấy hàm lượng chất chống ung thư lycopen cao gấp hai lần so với phương pháp sấy thông thường”.