Sáng 1/10, các đơn vị tham gia Đề án Chính phủ Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa đã phát động chiến dịch thiện nguyện trên nền tảng số iNhandao.
Chương trình có sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam….
Thông qua nền tảng nhân đạo số iNhandao.vn, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp cùng Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB), Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động Chiến dịch “Kết nối tương lai” quyên góp máy tính bảng và điện thoại thông minh cũ còn sử dụng được cho học sinh 2 tỉnh Phú Thọ và Yên Bái. Chiến dịch kéo dài trong 3 tháng, từ 1/10-31/12/2020. Mọi tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ có thể chuyển tặng phẩm đến các bưu cục của Bưu điện Việt Nam nơi gần nhất. Thiết bị sẽ được kiểm tra kỹ thuật, làm sạch, và bàn giao đến thầy, cô, các em học sinh.
Tiếp nối dự án giai đoạn 1, iNhandao trong giai đoạn 2 được xây dựng theo mô hình mạng xã hội, khuyến khích người dùng chia sẻ, cập nhật thông tin địa chỉ nhân đạo và các chiến dịch nhân đạo, dù ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào.
Cụ thể, iNhandao cho phép hỗ trợ các cá nhân đăng tải các địa chỉ nhân đạo, tìm đường ngay trên nền tảng bản đồ số Vmap. Mục tiêu của iNhandao là tạo ra cầu nối cung cấp miễn phí các tài khoản và hạ tầng cho công tác thiện nguyện.
Trên nền tảng này, cộng đồng có thể cập nhật địa chỉ cần được giúp đỡ thông qua những biểu mẫu có sẵn. Sau khi thông tin được đăng tải lên hệ thống, đại diện của Hội Chữ thập đỏ tại các tỉnh, thành phố sẽ xác nhận lại và đánh dấu lên trang web để cộng đồng có thể nhìn thấy.
Dựa vào thông tin trên, các nhà hảo tâm truy cập vào hệ thống, điền theo biểu mẫu có sẵn về kế hoạch tài trợ, ngày dự kiến tài trợ để Hội Chữ thập đỏ sắp xếp cho những phần quà có thể đến tay các hoàn cảnh khó khăn một cách sớm nhất.
Những trường hợp đã nhận quà từ nhà tài trợ sẽ không còn xuất hiện trên hệ thống iNhandao nhằm đảm bảo sự công bằng và dành cơ hội cho những hoàn cảnh khó khăn khác.
Đánh giá về thành công của iNhandao trong 1 năm triển khai, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói, “Hạt mầm iNhandao đã phát triển thành một cái cây và bước đầu cho quả. Nó không đơn thuần là dự án mà Hội Chữ thập đỏ mong muốn ban đầu để quản lý tất cả những địa chỉ của hội mà giờ đây đã trở thành nền tảng cho cộng đồng và nhóm thiện nguyện tham gia. Người tham gia thiện nguyện không chỉ ủng hộ về mặt vật chất mà tới đây có thể là tinh thần, thời gian, sự chia sẻ. Kỳ vọng của chúng tôi là nếu như ở đâu đó có một bạn học ở miền núi mơ ước về cái cặp màu đỏ thì một người ở Hà Nội đọc được có thể lập tức gửi tặng thông qua các nền tảng mua bán thương mại điện tử, chuyển phát nhanh”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng mong rằng tinh thần như vậy sẽ lan tỏa
không chỉ trong lĩnh vực thiện nguyện mà còn nảy mầm trong 3 nền tảng mới mà Đề án Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa tuyên bố khởi động cũng trong sáng nay, đó là Bản đồ chung sống an toàn Covid, nền tảng giáo dục
số, và Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam.
Trong đó, Bản đồ chung sống an toàn Covid (antoancovid.vn) bao gồm các tiện ích trên nền tảng Bản đồ số Việt Nam để thể hiện thời gian thực về tình hình an toàn phòng chống dịch của các cơ sở đông người, trước mắt là trường học và cơ sở y tế. Các đơn vị này hằng ngày kiểm tra và cam kết hoàn thành các tác vụ theo hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch, đồng thời cho phép người dân phản hồi nếu phát hiện những điểm chưa đúng.
Nền tảng giáo dục số - iGiaoduc.vn đặt mục tiêu tạo ra một Kho học liệu số trực tuyến nhằm thu thập, lựa chọn, chia sẻ học liệu số dùng chung, phục vụ đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá trong các nhà trường. Đến nay, Dự án đã hoàn thành phần mềm nền tảng thu thập và chia sẻ dữ liệu trên địa chỉ giaoduc.vn và cập nhật gần 5.000 bài giảng e-learning (do giáo viên xây dựng), hơn 2.000 bài giảng trên truyền hình, hơn 36.000 câu hỏi trắc nghiệm, gần 200 đầu sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông. Hệ thống đã cấp tài khoản cho hơn 1 triệu giáo viên trên cả nước để tham gia đóng góp, chia sẻ và khai thác sử dụng.
Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam - bktt.vn là dự án hợp tác giữa Đề án Hệ tri thức Việt số hóa và Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam, do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam V-Viện nghiên cứu công nghệ FPT phối hợp triển khai trên nền tảng mã nguồn mở. Mục tiêu của bktt.vn là tạo ra môi trường để các nhà khoa học của các tổ chức nghiên cứu khoa học và đào tạo, tham gia biên soạn các mục từ theo lĩnh vực chuyên môn sâu trong Bảng mục từ đã được Ban Chủ nhiệm Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam xác lập.