Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Trends in Microbiology, các nhà khoa học tại Đại học Exeter (Anh) phát hiện nồng độ vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh trên các hạt vi nhựa ở đại dương cao gấp 100 – 5.000 lần so với nước biển xung quanh.

Vi nhựa là các hạt nhựa có đường kính nhỏ hơn 5mm. Chúng có thể được tạo ra từ quá trình phân hủy các sản phẩm nhựa lớn hơn như chai nhựa, sợi quần áo, đầu lọc thuốc lá,…

Những tác nhân gây bệnh cho con người và động vật, chẳng hạn như vi khuẩn, có thể bám vào bề mặt vi nhựa để tạo thành màng nhầy sinh học. Chúng sẽ theo dòng hải lưu di chuyển từ vùng biển này đến vùng biển khác.

Nhiều động vật hai mảnh vỏ [như trai và hàu] lọc nước biển để tìm kiếm thức ăn sẽ nuốt phải các hạt vi nhựa chứa mầm bệnh. Con người khi sử dụng chúng làm thực phẩm có nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh nguy hiểm. Đây là một mối đe dọa ít được chú ý trong hoạt động nuôi trồng thủy sản hiện nay.