Với chủ đề "Kết nối công nghệ, bắt nhịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0", TechDemo 2019 đặt mục tiêu kết nối cung - cầu công nghệ và cung cấp thông tin khoa học công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến phục vụ cho các sản phẩm chủ lực của Tây Nguyên.

Sự kiện trình diễn, kết nối cung - cầu công nghệ Gia Lai năm nay (TechDemo 2019) sẽ diễn ra từ ngày 24 - 26/11/2019 tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai do Bộ Khoa học và công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại buổi họp báo.

Đại bộ phận các doanh nghiệp công nghiệp của Việt Nam chưa sẵn sàng tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, theo kết quả khảo sát trên hơn 2600 doanh nghiệp của nhóm chuyên gia từ Bộ Công thương với sự hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP). Khảo sát này cho thấy có tới 85% các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam thuộc mức "ngoài cuộc", 13% các doanh nghiệp đang ở mức "mới bắt đầu". Do đó, TechDemo 2019 với chủ đề "Kết nối công nghệ, bắt nhịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0" đặt mục tiêu "thúc đẩy kết nối nguồn cung nguồn cầu công nghệ, phát triển thị trường khoa học công nghệ", ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nói tại buổi họp báo TechDemo ngày 13/11.

Vùng Tây Nguyên có những sản phẩm đặc thù nổi tiếng như chè, cà phê, hạt tiêu, v.v…Bởi vậy “công nghệ đưa về đây phải là công nghệ chế biến, làm sao nâng cao giá trị sản phẩm khi
xuất khẩu, không thì chỉ có xuất khẩu thô, không có giá trị gia tăng”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nói. Thời gian qua, những doanh nghiệp đã đầu tư quy mô lớn ở Gia Lai cũng chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản, có thể kể tới một số doanh nghiệp đã đầu tư vào sản xuất chế biến nông sản như Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã đầu tư nhà máy 100 tỉ, Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đầu tư nhà máy 400 tỉ, Công ty Phát triển Khoa học Quốc tế Trường Sinh đầu tư nhà máy 500 tỉ.

Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Gia Lai tại buổi họp báo sự kiện TechDemo ngày 13/11.

Nhưng nhìn chung, “phải nói Gia Lai và Tây Nguyên nói chung vẫn là vùng lõm về khoa học công nghệ”, ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Gia Lai nói. Có lợi thế về nông sản, môi trường rừng nhiều tiềm năng và đa dạng sinh học, nên “Gia Lai rất cần công nghệ để hỗ trợ phát huy các lợi thế này, thông qua sự kiện kết nối lần này các doanh nghiệp sẽ là lực lượng để triển khai”, ông Nghĩa nói.

Năm nay TechDemo giới thiệu trên 800 sản phẩm/ quy trình/ công nghệ/ thiết bị nghiên cứu của 130 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, viện nghiên cứu, trường đại học. Các công nghệ này chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến để phục vụ cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Tây Nguyên.

Không chỉ riêng Gia Lai, nhu cầu của doanh nghiệp trên phạm vi cả nước cũng tập trung chủ yếu vào công nghệ chế biến, theo khảo sát của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (SATI) với 8000 doanh nghiệp trong năm 2019, bà Trần Thị Hồng Lan, Phó cục trưởng SATI cho biết.

Cũng theo báo cáo của nhóm chuyên gia từ Bộ Công thương, doanh nghiệp Việt Nam không chỉ có mức độ sẵn sàng thấp, mà đại bộ phận chưa có kế hoạch điều chỉnh trong bối cảnh CMCN 4. Có khoảng 4/5 số doanh nghiệp không có dự định thực hiện những điều chỉnh trong bối cảnh CMCN 4, trong đó có 34% số doanh nghiệp nói rằng họ chưa biết phải làm gì. "Nhiều khi chỉ cần chuyên gia tư vấn thay đổi một khâu, doanh nghiệp cũng có thể tạo ra sản phẩm tốt hơn, vì thế họ rất cần thông tin và sự tư vấn", bà Trần Thị Hồng Lan nói.

Vì thế bên cạnh hoạt động trình diễn, kết nối cung cầu công nghệ, tại TechDemo Gia Lai cũng sẽ có các hoạt động (i) Diễn đàn Doanh nghiệp và Đổi mới công nghệ 2019, (ii) Hội thảo Xúc tiến Chuyển giao công nghệ và Đầu tư và (iii) Tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp, dự kiến tư vấn cho 20 doanh nghiệp tham dự sự kiện.

Diễn đàn Doanh nghiệp và Đổi mới công nghệ 2019 sẽ thảo luận về đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp vừa và nhỏ, với các vấn đề: nhận thức của doanh nghiệp về vai trò của công nghệ; nguồn lực cho đổi mới công nghệ; thông tin về các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước,...

Hội thảo Xúc tiến Chuyển giao công nghệ và Đầu tư sẽ thảo luận về việc tạo ra môi trường pháp lý dễ tiếp cận với doanh nghiệp; cơ chế thu hút các bên liên quan để tạo dựng mạng lưới liên kết, đặc biệt là giữa khu vực nghiên cứu và khu vực sản xuất; cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các đơn vị quản lý khoa học từ trung ương tới địa phương,...

Cả hai sự kiện diễn ra từ 24 - 26/11/2019 tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, có sự tham gia của lãnh đạo trung ương, địa phương, các doanh nghiệp và nhà khoa học trong và ngoài nước.