Trong thời gian 10 năm trở lại đây, số lượng đơn đăng ký sáng chế chiếm khoảng 64%, tuy nhiên, 15% trong số đó được chấp nhận và phạm vi, thời gian sử dụng, áp dụng khá thấp. Điều này chứng tỏ chất lượng sáng chế của Việt Nam chưa đáp ứng được các điều kiện về tính mới hoặc tính sáng tạo.

Thông tin này được ông Nguyễn Hữu Cẩn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (VIPRI) cho biết tại Hội thảo “Bảo hộ sáng chế và vai trò của kinh tế nhãn hiệu” do VIPRI phối hợp với Sở KH&CN TPHCM, Viện Quản trị tài sản trí tuệ Minh Đức tổ chức ngày 13/11 tại TPHCM.

Chất lượng sáng chế thấp

Theo ông Cẩn, trong khoảng thời gian từ 2009 – 2018, số lượng đơn đăng ký sáng chế luôn chiếm tỷ trọng cao hơn đơn giải pháp hữu ích. Tuy nhiên, số lượng đơn giải pháp hữu ích được chấp nhận lại lớn hơn đơn sáng chế - 37% so với 15%. Điều này ngược lại hoàn toàn với lượng đơn đăng ký của người nước ngoài tại Việt Nam. Lượng đơn sáng chế của người nước ngoài được bảo hộ chiếm 30% và giải pháp hữu ích là 22%.

Bên cạnh đó, mức độ sử dụng sáng chế trong các ngành công nghiệp được lựa chọn ưu tiên phát triển đến năm 2035 còn rất ít so với mức trung bình (3.07). Cụ thể như ngành sản xuất ô tô, hệ số mức độ sử dụng sáng chế chỉ 0.08, cơ khí từ 0.81 – 2.67, thép chế tạo 0.12,...

Ông Cẩn cho biết thêm, phạm vi áp dụng sáng chế, giải pháp hữu ích được bảo hộ của người Việt Nam, trung bình chỉ là 2 chỉ số theo Bảng phân loại quốc tế về sáng chế. Nghĩa là trên mỗi một bằng độc quyền sáng chế hoặc giải pháp hữu ích chỉ áp dụng được 2 lĩnh vực công nghệ khác, trong khi ở Mỹ trung bình là 15. Tuổi đời thực tế sáng chế được bảo hộ của Việt Nam cũng rất thấp, chỉ hơn 5 năm, tính từ ngày nộp đơn. Hết 5 năm, chủ sở hữu không tiếp tục duy trì được sáng chế, điều này cho thấy giá trị của sáng chế thấp. Trong khi đó, ở Mỹ là 12 năm, Nhật 17 năm, Anh và Đức 13 năm.

Ông
Ông Nguyễn Hữu Cẩn, Phó Viện trưởngVIPRI. Ảnh: KA

“Bức tranh nói trên cho thấy, hiện nay ở Việt Nam, xu hướng bảo hộ đối tượng giải pháp hữu ích là chủ yếu, vì chỉ cần đáp ứng tính mới, trình độ sáng tạo không cao. Bên cạnh đó, tỷ lệ chấp nhận bảo hộ sáng chế thấp, phạm vi sử dụng ít, tuổi đời ngắn, mức độ sử dụng trong các ngành công nghiệp hạn chế cho thấy chất lượng sáng chế của người Việt Nam không cao, ít có tính mới hoặc tính sáng tạo” – ông Cẩn nhấn mạnh.

Cần chú trọng khai thác thông tin sáng chế

Theo ông Cẩn, toàn bộ quá trình tạo ra một sáng chế được bảo hộ từ hoạt động sáng tạo đến xác lập quyền đều liên quan đến khai thác thông tin sáng chế. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng vì nhờ thông tin nay, nhà sáng chế sẽ biết được tình trạng kỹ thuật, các giải pháp kỹ thuật đang được quan tâm. “Tra cứu được thông tin sáng chế cho biết được nhiều thông tin hữu ích liên quan đến việc tạo ra một sáng chế có chất lượng” – ông Cẩn nói và cho biết, VIPRI đã thiết lập công cụ IPPLATFORM nhằm hỗ trợ hoạt động quản trị tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. Qua công cụ này, các nhà sáng chế khai thác thông tin một cách đầy đủ, dễ dàng. Hiện nay, Viện đã thiết lập 2 trạm IPPLATFOM ở TPHCM, được đặt tại Phòng SHTT Sở KH&CN TPHCM và Viện Quản trị tài sản trí tuệ Minh Đức.

Chia sẻ kinh nghiệm, ông Thân Thế Hào, Giám đốc Công ty TNHH Ninh Phong, cho biết,
Công ty đưa ra các định hướng cho việc khai thác các tài sản trí tuệ bằng cách trực tiếp sản xuất và phân phối sản phẩm vào trị trường; dùng tài sản trí tuệ để góp vốn với các đối tác; cấp quyền sử dụng tài sản trí tuệ (li – xăng); chuyển nhượng hoàn toàn tài sản trí tuệ.

Ông
Ông Thân Thế Hào, Giám đốc Công ty TNHH Ninh Phong. Ảnh: KA

Riêng đối với việc trực tiếp sản xuất và phân phối sản phẩm, ngay từ đầu, Công ty đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát thị trường, rà soát lại các bằng sáng chế hiện hữu, tra cứu các thông tin sáng chế mới để từ đó đánh giá, dự thảo các đơn sáng chế mới. Sau đó, Công ty tiếp tục thực hiện chế tạo, hoàn hiện các nguyên mẫu, thử nghiệm, mô phỏng, lựa chọn vật liệu, lấy ý kiến chuyên gia trong và ngoài nước, lựa chọn công nghệ, sản xuất hàng loạt, lắp đặt, dùng thử, tham gia các hội chợ để quảng bá sản phẩm.

“Khi thực hiện các quá trình trên, nếu tạo ra các kỹ thuật mới, chúng tôi đều bổ sung vào sáng chế của mình và nộp đơn xác lập quyền” – ông Hào nói và cho biết, tất cả các quá trình tạo ra một sáng chế, Công ty đều tiến hành tra cứu thông tin sáng chế. Đây là vấn đề rất quan trọng, bởi nếu làm sáng chế mà không tra cứu thông tin thì sẽ không có khả năng xác lập quyền sau này, nếu đụng phải các đối chứng trong nước hoặc nước ngoài.