Các nhà nghiên cứu mới dò được sự tái tổ hợp trên virus gây bệnh tả lợn châu Phi trên sáu tỉnh phía Bắc. Điều này rất có thể sẽ khiến cho việc thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh ở các vùng này trở nên phức tạp hơn.

Tiêm phòng vaccine rất quan trọng đối với chăn nuôi. Ảnh minh họa
Tiêm phòng vaccine rất quan trọng đối với chăn nuôi. Ảnh minh họa

PGS. TS Lê Văn Phan (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và các đồng nghiệp ở ĐH Chungnam, ĐH Seoul, Cơ quan kiểm dịch Cây trồng vật nuôi Hàn Quốc, Trung tâm Phòng bệnh động vật nước ngoài Canada đã nêu kết quả mới này trong bài báo “Detection of Recombinant African Swine Fever Virus Strains of p72 Genotypes I and II in Domestic Pigs, Vietnam, 2023”, xuất bản trên tạp chí Emerging Infectious Diseases của Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh CDC Mỹ.

Các nhà nghiên cứu cho biết, vào tháng 9 và tháng 10/2023, họ đã thu thập 26 mẫu máu lợn nghi ngờ nhiễm virus tả lợn châu Phi (ASFV) từ các trang trại gia đình ở sáu địa phương khác nhau (Hải Dương, Bắc Giang, Hà Nội, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên).

Sau khi kiểm tra các mẫu này, họ phát hiện ra tất cả các mẫu đều dương tính với ASFV. Việc thực hiện phân tích phát sinh loài cho thấy 6/26 mẫu chứa virus ASFV tái tổ hợp kiểu gene I và II và đều khớp với các trình tự tương ứng của chủng rASFV I/II từ Trung Quốc. Do đó, chủng rASFV I/II phát hiện ở Việt Nam có thể có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Hiện có hai loại vaccine ASFV sống giảm độc lực được cấp phép tại Việt Nam. Tuy nhiên, các chủng rASFV I/II được phát hiện ở Trung Quốc dường như có khả năng kháng hai vaccine này.

Điều đó đặt ra thách thức cho việc kiểm soát dịch bệnh và phát triển vaccine, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường cảnh giác trong việc kiểm soát ASFV trên toàn cầu.

Bài đăng số 1291 (số 19/2024) KH&PT