Từ nghiên cứu mới của mình, TS. Lê Huy Hoàng (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) và cộng sự tại Học viện Quân y, ĐH Y Hà Nội, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã đề xuất cần phải giám sát tình trạng kháng kháng sinh và cập nhật các hướng dẫn điều trị tại các bệnh viện, đặc biệt ở các khoa hồi sức tích cực.

Bệnh viện là một nguồn lây nhiễm kháng kháng sinh phổ biến. Ảnh: VNN
Bệnh viện là một nguồn lây nhiễm kháng kháng sinh phổ biến. Ảnh: VNN

Đó là kết quả rút ra từ nghiên cứu “Antimicrobial Resistance Patterns of Staphylococcus Aureus Isolated at a General Hospital in Vietnam Between 2014 and 2021” (Các mẫu hình kháng kháng sinh của tụ cầu vàng được phân lập trong một bệnh viện trung ương ở Việt Nam vào giữa năm 2014 và 2021), xuất bản trên tạp chí Infection and Drug Resistance.

Các nhà khoa học cho biết Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng) là loại vi khuẩn thường xuất hiện ở nhiều môi trường khác nhau và là nguyên nhân gây rất nhiều bệnh, từ nhiễm trùng da thể nhẹ đến các bệnh nặng như nhiễm khuẩn huyết. Sự phân bố và mẫu hình kháng kháng sinh (AMR) của tụ cầu vàng biến thiên theo dân số, thời gian, vị trí địa lý và bệnh viện.

Trong nghiên cứu cắt ngang (cross sectional study) - nghiên cứu được thực hiện tại một thời điểm hay trong khoảng một thời gian ngắn, các tác giả đã thu thập dữ liệu về các loại nhiễm tụ cầu vàng từ năm 2014 đến 2021 ở Khoa Vi sinh vật Bệnh viện Quân y 103.

Có tổng số 1.130 người được chẩn đoán nhiễm tụ cầu vàng, trong đó 1.087 chủng kháng kháng sinh. Phần lớn bệnh nhân có tụ cầu vàng đều ở độ tuổi 41–65 (39,82%).

Tụ cầu vàng xuất hiện nhiều nhất ở phòng phẫu thuật, trong đó chủ yếu ở mẫu mủ (50,62%). Chúng chủ yếu kháng thuốc kháng sinh như azithromycin (82,28%), erythromycin (82,82%), clindamycin (82,32%) và ít kháng với teicoplanin (0,0%), tigecycline (0,16%), quinupristin-dalfopristin (0,43%), linezolid (0,62%), vancomycin (2,92%).

Đáng chú ý, chủng lưu hành nhiều nhất là tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA) và tụ cầu vàng đa kháng (MDR) còn các chủng phân lập từ Khoa Chăm sóc tích cực lại kháng đa thuốc cao nhất trong bệnh viện.

Bài đăng số 1290 (số 18/2024) KH&PT