Hơn 100 công nghệ và thiết bị của trên 50 đơn vị đã tham gia Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) chuyên ngành trồng trọt, bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm” trong hai ngày từ 9 – 10/5, tại Sàn Giao dịch công nghệ TPHCM.
Đây là hoạt động thường niên do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN thuộc Sở KH&CN TPHCM tổ chức nhằm hỗ trợ các hoạt động kết nối cung cầu công nghệ, phục vụ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất để nâng cao năng suất chất lượng, giá trị sản phẩm.
Các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ, và các nhóm khởi nghiệp tại TPHCM đã mang đến Techmart hơn 100 công nghệ, thiết bị tiên tiến và sẵn sàng cung cấp, chuyển giao cho các đơn vị có nhu cầu. Điển hình như Công nghệ tự động hóa điều tiết dinh dưỡng,vi sinh và tưới nhỏ giọt; Trồng rau bằng đèn led; Hệ thống bơm nước bằng năng lượng mặt trời; Máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu; Máy đo độ mặn của nước; Hệ thống sấy nông sản bằng năng lượng mặt trời;…
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Techmart còn diễn ra các hội thảo giới thiệu, trình diễn công nghệ và hoạt động tư vấn của các chuyên gia để giúp các đơn vị, doanh nghiệp tìm được những công nghệ, thiết bị phù hợp.
GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, cho rằng, nông sản Việt Nam thua kém các nước khác về chất lượng. Lượng nông sản còn thất thoát nhiều, từ 9% - 30%. “Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do hạn chế về việc ứng dụng công nghệ trong các khâu trồng trọt, vận chuyển, bảo quản và chế biến sau thu hoạch” – GS. Phùng nhấn mạnh và hy vọng Techmart chuyên ngành được tổ chức sẽ thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, thu hút doanh nghiệp đầu tư công nghệ vào nông nông nghiệp trong tất cả các khâu, nhằm giải quyết được tình trạng trên.
Một số công nghệ, thiết bị tiêu biểu tại Techmart:
Viện Vật lý TPHCM mang đến Tecchmart những thiết bị cầm tay, điều khiển tự động như máy đo độ mặn (muối NaCl) của nước biển, nước lợ từ kênh rạch, ruộng đồng, nước nuôi trồng thủy hải sản, theo dõi sự xâm nhập mặn từ ven biển vào sâu trong ruộng đồng. Máy đo pH để đo độ axit và kiềm, gồm hai thành phần điện cực và đồng hồ điện thể hiện giá trị đo được. Các sản phẩm đều do Viện tự nghiên cứu và sản xuất, độ chính xác cao, giá thành giảm 30% so với thiết bị nhập ngoại có chất lượng tương đương.
Thiết bị tạo nước tưới ion EWATER của Công ty TNHH Ewater Engineering (TPHCM) sử dụng sóng điện từ tần số thấp để tạo ra một từ trường cảm ứng trong lòng ống nước. Sóng điện từ này sẽ cung cấp năng lượng thích hợp để ion hóa nước và làm thay đổi cấu trúc phân tử của nước. Từ đó giúp giảm độ cứng trong nước và đất, nước được hấp thu vào đất dễ hơn, rễ cây khỏe hơn, tiết kiệm 10 – 15% lượng nước tưới và 5 – 20% lượng phân bón.
Đến từ Nha Trang (Khánh Hòa), nhà sáng chế Bùi Tiến Hòa giới thiệu Hệ thống sản xuất bánh hỏi tự động giúp giảm thiểu nhân công tại các cơ sở sản xuất và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Toàn hệ thống chỉ cần một nhân công ngồi làm nhiệm vụ đưa các vỉ trống vào vị trí để hứng bánh được nén từ 6 píttông thủy lực bên trên, được “ngón tay máy” cắt thành những đoạn đều nhau và bẻ ngoặt thành những cái bánh mang hình dấu hỏi. Khi vỉ đầy bánh, máy tự động dừng nén. Để hoàn thành một khay bánh bằng thủ công mất 60 giây, nếu sử dụng hệ thống trên chỉ mất hết 7 giây.
Thiết bị đóng gói khí áp dụng công nghệ bao gói khí quyển biến đổi (MAP) của Công ty Cổ phần Rynan Agrifoods (Trà Vinh) giúp duy trì độ tươi, tăng thời gian bảo quản thực phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất, vận chuyển và giảm thiểu lãng phí thực phẩm. MAP là phương pháp thay đổi thành phần không khí bên trong bao bì bằng một hỗn hợp của 3 loại khí CO2, N2 và O2. Đây là phương thức bao bọc thực phẩm trong các vật liệu chắn khí, trong đó môi trường khí được thay đổi để ức chế tác nhân gây hư hỏng, nhờ đó có thể duy trì chất lượng của thực phẩm ở mức tốt nhất cũng như kéo dài thời hạn sử dụng. Những loại thực phẩm thường được áp dụng công nghệ này là rau củ quả, thịt và các sản phẩm thịt, hải sản, thức ăn sẵn và thực phẩm khô đóng gói.