‘Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai’ là thông điệp mà các nhà nghiên cứu muốn nhấn mạnh lần nữa tại Hội thảo khoa học quốc tế kỷ niệm 65 năm Chiến dịch Điện Biên Phủ - Nhìn từ góc độ quốc tế và địa phương. Chương trình đã được tổ chức tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQGHN trong hai ngày 2-3/5.
Hội thảo lần này diễn ra dưới sự phối hợp tổ chức của trường Đại học KHXH&NV, Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN, Học viện Ngoại giao Việt Nam, Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội và trường Đại học Paul-Valéry Montpellier 3 – Pháp. Các diễn giả tham dự hội thảo đưa ra tham luận và nghiên cứu mới giúp làm sáng tỏ thêm các nhìn nhận về sự kiện Điện Biên Phủ, dưới các tầm nhìn địa phương, tầm nhìn xuyên quốc gia - toàn cầu, và tầm nhìn tưởng niệm.
Đẩy mạnh nghiên cứu ký ức lịch sử
Một trong những vấn đề mà các nhà nghiên cứu thảo luận tại hội thảo là việc đẩy mạnh tập hợp và nghiên cứu ký ức lịch sử (historical memories) về chiến trận Điện Biên Phủ. Những lời kể lại của các sĩ quan, cựu chiến binh và những người dân từng tham gia trong trận chiến rõ ràng là một nguồn thông tin quan trọng cho phép bổ sung và đánh giá lại các nguồn sử liệu viết, trong khi mở ra một hướng tiếp cận mới cho phép chúng ta hiểu nhiều hơn về những trải nghiệm khốc liệt của chiến tranh qua chính con mắt của các nhân chứng của cuộc chiến.
Hướng tiếp cận này cũng là chủ đề của cuốn sách “Dien Bien Phu – la fin d’un monde” (tạm dịch: Điện Biên Phủ, cái kết của một thế giới) do GS. Pierre Journoud (ĐH Paul-Valéry Montpellier 3) là tác giả chính, xuất bản bởi nhà Vendemiaire, Paris mới tháng 4 năm nay. Tập hợp những lời kể của hàng trăm nhân chứng lịch sử ở cả hai phía Pháp và Việt Nam, cuốn sách đã đặt trận đánh trong ‘một điểm nhìn không-thời gian mới’ giúp mở rộng hiểu biết về các diễn biến và những hậu quả toàn cầu mà Điện Biên Phủ, hay cả cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam đã mang lại.
“Những ký ức về Điện Biên Phủ có thể giống nhau hay khác nhau, tùy thuộc vào mỗi người,” GS. Journoud phát biểu trong chương trình diễn ra liền sau hội thảo tại Trung tâm Văn hóa Pháp (L’espace) Hà Nội, “Vậy các nhà sử học cần phải thận trọng để không bị rơi vào bẫy – [điều này] đòi hỏi phải sử dụng và so sánh rất nhiều các nguồn tư liệu khác nhau để có được thông tin khách quan và xác thực nhất.” Tuy nhiên, dù có những hạn chế, tiếp cận từ ký ức lịch sử “là một cơ hội mà các nhà sử học không thể bỏ qua.”
Những năm gần đây tại Pháp xuất hiện nhiều nghiên cứu mới trên chủ đề ký ức lịch sử thuộc địa, như của Pierre Journoud về Điện Biên Phủ, hay Yves Denéchère về con lai Pháp – Việt, hay Henry Eckert và Pierre Daum về lính thợ Đông Dương. Những nghiên cứu mới phản ánh quá trình nhìn lại lịch sử quốc gia trong hoàn cảnh xã hội Pháp đang ngày càng trở nên đa dạng, trong khi về phương pháp chúng kết hợp các lĩnh vực và góc nhìn mới bổ sung cho các phương pháp sử học truyền thống.
Tác động của chiến thắng Điện Biên Phủ cũng không chỉ giới hạn trong các không gian địa lý là Pháp, Việt Nam, hay Đông Dương. Thất bại của người Pháp ở Điện Biên Phủ đưa đến không chỉ sự sụp đổ của nền thuộc địa Pháp tại Đông Dương, mà đồng thời là hệ thống thuộc địa Pháp – với sự nổi lên của các phong trào giải phóng dân tộc tại châu Phi, đặc biệt tại Angiêri. Nhưng cũng thất bại đó đưa đến sự quyết tâm mới muốn vượt qua “hội chứng Đông Dương” của quân đội Pháp, và kết quả là một cuộc chiến tàn khốc kéo dài hơn 7 năm tại nước này (1954-1962).
Lăng kính của những người lính chiến bại
Ký ức lịch sử Điện Biên Phủ cũng được phản ánh qua những lăng kính mới. Nhà thơ, nhà văn người Cameroun Marc Alexandre Oho Bambe đã nêu lên một góc nhìn hiếm có từ một người châu Phi tại Điện Biên Phủ trong tiểu thuyết cùng tên – “Dien Bien Phu” – của mình, xuất bản năm 2018. Câu chuyện được Oho Bambe kể lại để tôn vinh ký ức về những người lính châu Phi đã từng tham chiến tại Đông Dương. Cuốn tiểu thuyết xoay quanh người lính trẻ tên Alexandre, mối tình của anh với cô gái người Việt tên Mai Lan và hành trình tìm lại bản ngã của anh. Cuốn sách đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình và giải thưởng văn học Louis Guilloux năm 2018.
Là một trong gần 2 vạn lính Senegal tham chiến trên chiến trường Đông Dương, người thanh niên Alexandre phải nếm trải thất bại của quân đôi Pháp tại Điện Biên Phủ, nơi mà anh cay đắng nhận ra khi phải quay súng bắn những người lính “cũng bị đô hộ giống mình”. Kết thúc chiến tranh, anh trở về Senegal để tham gia cuộc đấu tranh giành độc lập cho quê hương xứ sở.
Tác giả Oho Bambe chia sẻ, các nhân vật của ông đến từ nhiều nguồn cảm hứng có thật. Nhân vật Alexandre được dựa trên một người lính bắn tỉa Senegal tên George. “Ông từng nói với tôi: Làm sao có thể nói đây là một sự vinh quang được? Chúng ta đi đến một đất nước xa xôi, chẳng liên quan gì đến mình rồi tàn sát những người dân ở đó, vậy thì vinh dự chiến tranh của chúng ta là gì? Vinh dự của chúng ta là với nhân loại, trong khi ta lại tàn sát nhân loại như vậy,” anh nhấn mạnh, “Tôi cảm nhận được những sự chia sẻ giữa hai dân tộc Việt Nam và Cameroun. Gần gũi đấy, có thể không hẳn về văn hóa, mà về lịch sử, số phận của lịch sử đã đưa hai dân tộc lại gần nhau.”
GS. Journoud cho rằng những điểm nhìn từ ký ức hay văn học nên trở thành một sự bổ sung cần thiết cho nghiên cứu lịch sử: “Một mình nhà sử học sẽ không bao giờ kể được hết câu chuyện về một trận đánh lớn như Điện Biên Phủ (…) Tất cả các tiếp cận ký ức, lịch sử và văn học sẽ bổ sung lẫn cho nhau, cho phép chúng ta nắm, tái hiện lại lịch sử một cách hoàn hảo nhất, một cách tổng thể nhất và khách quan nhất có thể.”
“Lịch sử để tồn tại được cần văn học, nhà văn có khả năng không bị gò bó bởi quy tắc, họ có sự tự do được mơ mộng và nghi hoặc về quá khứ, dừng lại lâu hơn ở một con người để mô tả cảm xúc của họ, những khuyết điểm của họ. Nhà văn tự do hơn là các sử gia, họ đến và mô tả thực tế thông qua những nỗi đau, giằng xé cảm xúc”, GS. Pierre Journoud cho biết. |