Trong cuộc khai quật vào tháng tư vừa qua, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều dấu tích người cổ tại huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang.
Tại xã Bình Nhân, các nhà khoa học phát hiện được công cụ đá cuội ghè đẽo thuộc hậu kỳ Đá cũ (niên đại khoảng 20.000 năm), gồm công cụ mũi nhọn, công cụ chặt đập thô, rìu thô, nạo đá, dao đá, mảnh tước đá và hòn ghè.
Tại xã Vinh Quang, các nhà nghiên cứu phát hiện nhiều di vật, với các mốc thời gian trải dài từ hậu kỳ Đá cũ (khoảng 20.000 năm cách ngày nay) cho tới thời đá Đá mới (khoảng 8.000-9.000 năm cách ngày nay), ngoài những công cụ hậu kỳ đá cũ như ở xã Bình Nhân, còn có những công cụ có kỹ thuật chế tác tiến bộ, phân định chức năng rõ rệt như rìu ngắn, rìu hình bầu dục, công cụ gần hình đĩa. Ngoài ra, còn có nhiều rìu đồng, mũi tên đồng, giáo đồng, lao đồng kiểu đồ đồng văn hóa Đông Sơn, có niên đại khoảng 2.000 năm.
Bước đầu, PGS.TS Trình Năng Chung, Viện Khảo cổ học, trưởng đoàn khảo sát nhận định, địa điểm này là nơi cư trú khá liên tục của nhiều thế hệ cư dân, từ thời Đá cũ đến thời Đá mới. Bước sang thời đại Kim khí thì khu vực này có thể là một điểm cư trú khá lớn của cư dân thời Đông Sơn.
Phạm Vĩnh Hà/VASS