Các sáng chế, giải pháp này chủ yếu liên quan đến lĩnh vực tái tạo mô, xương khớp.

Ngày 21/11, Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TPHCM (CESTI) đã tổ chức hội thảo “Xu hướng nghiên cứu công nghệ tế bào gốc phục vụ lĩnh vực y tế”.

Ông Lê Trần Duy Sang, Trung tâm CESTI, cho biết, theo cơ sở dữ liệu WIPO Publish của Cục Sở hữu trí tuệ, từ năm 1999 đến nay, có 87 sáng chế, giải pháp hữu ích đề cập đến nghiên cứu công nghệ tế bào gốc trong lĩnh vực y tế đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam. Trong đó, có 19 sáng chế, giải pháp hữu ích có chủ đơn là các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam. Các sáng chế, giải pháp hữu ích đề cập chủ yếu đến việc ứng dụng tế bào gốc trung mô (tế bào gốc trưởng thành, thu nhận được từ cơ thể trưởng thành, có khả năng biệt hóa thành một số lượng hạn chế các loại tế bào chuyên biệt), trong kỹ thuật nuôi cấy, điều chế dược phẩm trị liệu, ứng dụng nhiều trong tái tạo mô, xương, khớp.

Tại Hội thảo, đại diện các viện, trường đã trình bày một số nghiên cứu, công nghệ liên quan đến tế bào gốc có thể hợp tác tiếp tục nghiên cứu và chuyển giao.

Cụ thể, TS Phạm Lê Bửu Trúc, Phó trưởng phòng Phòng Công nghệ Sinh học Động vật - Trung tâm Công nghệ Sinh học TPHCM, cho biết, bà cùng các cộng sự đã nghiên cứu công nghệ tế bào gốc trong điều trị bệnh tim. Đó là nghiên cứu biệt hoá tế bào gốc thành tế bào cơ tim; xây dựng được mô hình chuột tắc nghẽn mạch vành; thử nghiệm tiêm trực tiếp tế bào vào thành tim vùng thiếu máu; tạo được tấm tế bào dựa trên liên kết quang; thử nghiệm ghép tấm gel tế bào gốc (SCGel) trên chuột suy tim.

Trong đó, có thể ứng dụng tấm SCGel trong điều kiện mổ hở, tuy nhiên, cần nghiên cứu thiết kế hệ thống Catheter (thiết bị y dẫn lưu hoặc cung cấp chất lỏng vào hoặc ra khỏi cơ thể) để có thể mổ nội soi bằng cách vừa bơm gel chứa tế bào phủ lên vùng mô tim tổn thương, vừa chiếu sáng để liên kết gel tạo thành tấm tại chỗ phủ lên vùng mô tim bị tổn thương nhằm giảm thiểu sự xâm lấn cho bệnh nhân.

Đặc biệt, nhóm chế tạo được tấm tế bào gốc trung mô dây rốn người (SCS), bằng cách cấy tế bào gốctrung mô cuống rốn người lên giá thể được tạo ra từ màng ối Col-T (cũng do nhóm chế tạo). Các tế bào sau khi được cấy bám đầy trên bề mặt giá thể, có khả năng sống và tăng sinh tốt trên giá thể Col-T. Tấm SCS có thể ứng dụng cho việc cấy ghép các mô có tính co bóp liên tục như mô tim.
.
C
Báo cáo những nghiên cứu về TBG tại hội thảo. Ảnh: CT

Theo bà Trúc, nếu ứng dụng trên lâm sàng, có thể sử dụng tấm giá thể Col-T trong điều kiện mổ hở, do tấm CoI-T có độ bền và đàn hồi khá tốt. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thiết kế hệ thống Catheter, để có thể mổ nội soi bằng cách đưa tấm SCS vào đến nơi mô tim tổn thương, sau đó bung tấm SCS phủ lên vùng tổn thương, nhằm giảm thiểu sự xâm lấn cho bệnh nhân.

Có thể ứng dụng cả tấm SCS và SCGel trong làm lành thương, nuôi trứng 3D, nuôi tế bào 3D, tạo các vật liệu sinh học kết hợp khác,…

GS TS Đồng Khắc Hưng và cộng sự tại Học viện Quân y thì nghiên cứu điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) bằng tế bào gốc trung mô đồng loài từ mô dây rốn. Thử nghiệm lâm sàng trên gần 100 bệnh nhân cho thấy, ghép tế bào gốc trung mô từ mô dây rốn cho người bệnh an toàn, không có tử vong hay sốc phản vệ. Đồng thời, có hiệu quả qua sáu và 12 tháng theo dõi điều trị, không ảnh hưởng đến các cơ quan, chức năng sinh lý của người bệnh, cải thiện chức năng phổi và ức chế viêm.

N
Nghiên cứu ứng dụng tế bào gốctrung mô từ mô dây rốn. Ảnh: NNC

Đến từ Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM, TS Trần Lê Bảo Hà, Trưởng phòng thí nghiệm Kỹ nghệ mô và Vật liệu Y sinh, và cộng sự nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc từ răng người. Đó là nghiên cứu nuôi cấy tế bào gốc tủy răng và tạo khung nâng đỡ chứa tế bào gốc tủy răng người; sử dụng ngà răng người đã xử lý làm giá thể cho tế bào gốc tủy răng tạo mô dạng ngà; phân lập tế bào gốc từ răng người và ứng dụng tế bào gốc tủy răng sữa tự thân để điều trị răng vĩnh viễn bị tổn thương; sử dụng tế bào gốc răng trong đánh giá các vật liệu trám răng, tái tạo nha chu;.. Theo TS Hà, tế bào gốc răng có khả năng biệt hóa thành các mô của răng, xương, sụn, cơ, mô thần kinh... lại dễ thu thập từ răng sữa đã nhổ hoặc răng khôn.

Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng có những nghiên cứu liên quan đến ứng dụng tế bào gốc trong y học tái tạo và điều trị các bệnh lý phức tạp như điều trị xương khớp, bằng cách phân lập nuôi cấy tế bào gốc từ mô mỡ, tạo ra tấm sụn trong điều trị thoái hóa khớp gối; nuôi cấy và biệt hóa tế bào gốc thành tế bào sừng và ứng dụng trong điều trị thay da; sử dụng san hô làm khung xương mang các tế bào gốc tự thân được thu nhận từ tủy xương, từ đó tạo ra những mảnh ghép thay xương, dùng trong ghép điều trị cho những trường hợp xương bị tổn thương;….