Các nhà khoa học tại Đại học Tasmania (Australia) phát hiện tần suất xảy ra các đám cháy rừng nghiêm trọng trên khắp thế giới đã tăng hơn gấp đôi trong hai thập kỷ vừa qua do hoạt động của con người làm Trái đất ngày càng nóng lên.

Ảnh: Shutterstock
Ảnh: Shutterstock

Xu hướng này được thúc đẩy bởi sự gia tăng theo cấp số nhân của các đám cháy rừng cực đoan trên khắp các khu vực rộng lớn ở Canada, miền Tây nước Mỹ và Nga. Kết quả nghiên cứu của họ được công bố trên tạp chí Nature Ecology & Evolution vào ngày 24/6.

Nhóm nghiên cứu đã thu thập dữ liệu vệ tinh toàn cầu về hoạt động cháy rừng. Họ sử dụng dữ liệu ảnh hồng ngoại để đo cường độ năng lượng của gần 31 triệu vụ cháy trong hai thập kỷ, tập trung vào những vụ cháy nghiêm trọng nhất - khoảng 2.900 vụ cháy.

Họ phát hiện tần suất xảy ra các sự kiện cháy rừng cực đoan trên toàn cầu đã tăng 2,2 lần trong giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2023, và cường độ trung bình của 20 vụ cháy dữ dội nhất hằng năm tăng gấp 2,3 lần.

Các khu rừng bị ảnh hưởng nặng nề nằm ở phía Tây Bắc nước Mỹ, nơi sinh sống của các loài cây lá kim như vân sam và thông. Số vụ cháy rừng tại khu vực này đã tăng 11,1 lần trong thời gian nghiên cứu. Rừng Taiga (rừng lá kim phương Bắc) ở các vùng vĩ độ cao thuộc các quốc gia như Canada, Mỹ và Nga cũng bị ảnh hưởng đáng kể, với số vụ cháy tăng gấp 7,3 lần.

Nguồn: Nature.com