Nhiệt độ đại dương đã tăng trung bình 1,45°C so với mức tiền công nghiệp, với nhiều “điểm nóng” đã tăng trên 2°C ở Địa Trung Hải, Đại Tây Dương và Nam Đại Dương.
Với sự tham gia của hơn 100 nhà khoa học đến từ gần 30 quốc gia,
Báo cáo Hiện trạng Đại dương năm 2024 do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công bố vào tháng 6/2024 đã tiết lộ dữ liệu mới đáng báo động về các mối đe dọa đối với đại dương.
Báo cáo cho thấy, tốc độ nóng lên của đại dương đã tăng gấp đôi sau 20 năm và tốc độ nước biển dâng đã tăng gấp đôi sau 30 năm, trong đó năm 2023 chứng kiến mức tăng nhiệt độ cao nhất kể từ thập niên 1950.
Trong khi Hiệp định Paris đặt mục tiêu hạn chế tình trạng nóng lên của Trái đất ở mức dưới 2°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp, nhiệt độ đại dương đã tăng trung bình 1,45°C, với nhiều “điểm nóng” đã tăng trên 2°C ở Địa Trung Hải, Đại Tây Dương và Nam Đại Dương.
Kể từ những năm 1960, đại dương đã mất 2% lượng oxy do nhiệt độ ấm lên và các chất ô nhiễm, bao gồm cả nước thải công nghiệp và chất thải nông nghiệp. Các đại dương trên thế giới hiện nay có khoảng 500 “vùng chết”, nơi gần như không còn sinh vật biển sinh sống do hàm lượng oxy suy giảm.
Sự gia tăng độ axit cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Đại dương ở thời điểm hiện tại có tính axit cao hơn khoảng 30% so với thời kỳ tiền công nghiệp và tỷ lệ đó sẽ là 170% vào năm 2100.
Nguồn: unesco.org
Đăng số 1297 (số 25/2024) KH&PT
Quốc Hùng cùng nhóm tác giả