Biến thể này của SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu vào tháng 1/2021 ở Colombia, trở nên phổ biến hơn trong những tháng gần đây và khả năng kháng vaccine của nó đã thu hút sự chú ý đặc biệt của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Biến thể Mu (còn được gọi là B.1.621) là biến thể SARS-CoV-2 mới nhất được Tổ chức Y tế Thế giới đưa vào danh sách “Biến thể cần quan tâm”. Lý do là các ca nhiễm Mu ở Ecuador và Colombia đang tăng nhanh. Theo số liệu của WHO, tại Colombia, Mu gây ra gần 40% các ca nhiễm COVID-19.

Biến thể này có chung các đột biến với một số biến thể khác, đáng chú ý nhất là biến thể Beta (B.1.351) được xác định lần đầu ở Nam Phi, theo kết quả giải trình tự gen từ Public Health England. Mu bao gồm các đột biến E484K và K417N được cho là có liên quan đến khả năng né tránh miễn dịch. Đột biến K417N cũng xuất hiện ở biến thể Delta Plus. Ngoài ra, Mu có đột biến P681H được tìm thấy trong biến thể Alpha (B.1.1.7), liên quan đến việc tăng khả năng lây truyền.

Vẫn chưa có các nghiên cứu chi tiết về đặc điểm của biến thể Mu, nhưng dữ liệu sơ bộ do Nhóm công tác về tiến hóa virus của WHO thu thập cho thấy biến thể này có khả năng né tránh miễn dịch do vaccine mang lại giống như Beta và dễ lây truyền hơn so với SARS-CoV-2 ban đầu, nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm Paúl Cárdenas tại Đại học San Francisco de Quito, Ecuador, người đã nghiên cứu Mu, cho biết. Cárdenas nói thêm rằng Mu đã chiếm ưu thế hơn Gamma và Alpha ở Ecuador và Colombia.

Biến thể Mu, có khả năng kháng vaccine và miễn dịch tự nhiên mạnh hơn, đã được tìm thấy ở 41 quốc gia. Trong ảnh: Người dân đeo khẩu trang khi xếp hàng để được xét nghiệm COVID-19 ở thủ đô Bogota của Columbia, vào ngày 21/1/2021 trong bối cảnh xuất hiện biến thể mới.

Tuy nhiên, các nhà phát triển vaccine không quá lo ngại. “Cho đến nay, cả dữ liệu thực tế và các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm về vaccine không cho thấy bằng chứng nào về việc các biến thể đáng lo ngại đang lưu hành né tránh được khả năng miễn dịch do vaccine mang lại một cách thường xuyên”, người phát ngôn Kit Longley của Pfizer nói với Washington Post.

Trong lần cập nhật danh sách "Biến thể đáng lo ngại" mới nhất, WHO kêu gọi nghiên cứu thêm về biến thể Mu, bao gồm cả cách nó tương tác với biến thể Delta (B.1.617) đang lưu hành phổ biến hiện nay. Để được xếp vào danh sách "Biến thể cần quan tâm" theo tiêu chuẩn của WHO, một biến thể phải có các đột biến khiến nó dễ lây lan hơn, có hại cho con người hơn hoặc có khả năng né tránh vaccine/phương pháp điều trị.

Theo Outbreak.info - trang web tổng hợp dữ liệu từ các phòng thí nghiệm thuộc Viện Scripps Research, tính đến ngày 7/9, Mu đã được phát hiện ở ít nhất 41 quốc gia và 5 vùng lãnh thổ. Ở Mỹ, dù Delta vẫn là biến thể thống trị nhưng đã phát hiện hơn 2.100 trường hợp nhiễm biến thể Mu. Mu xuất hiện ở mọi bang của nước này, trừ Nebraska; trong đó California có nhiều trường hợp nhiễm biến thể Mu nhất, với 399 trường hợp; tiếp theo là Florida - 305 trường hợp, New York - 203 trường hợp. Ở Alaska, với 147 trường hợp, biến thể Mu chiếm khoảng 4% các ca nhiễm trùng.

Trong khi đã được phát hiện ở nhiều quốc gia Nam Mỹ, Bắc Mỹ và châu Âu, Muchưa được tìm thấy ở châu Phi hoặc Úc. Cũng chỉ có một số ít các trường hợp được tìm thấy ở châu Á. Theo GISAID, chỉ có Trung Quốc, Israel, Nhật Bản và Hàn Quốc đã báo cáo các trường hợp nhiễm biến thể Mu.

New York Times đưa tin Anthony Fauci, giám đốc Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm, cho biết các quan chức Mỹ đang theo dõi sát sao biến thể Mu. "Chúng tôi nghiêm túc theo dõi các biến thể mới, nhưng không coi đó [biến thể Mu] là mối đe dọa tức thì ngay bây giờ."

Nguồn: